TTXuân - Người Pháp có một câu ngạn ngữ đại ý thế này: Trốn tình thì tình đến/Đến với tình thì tình trốn! Với kỳ thủ Lê Quang Liêm, anh rút ra một kinh nghiệm cho bản thân cũng gần giống với câu ngạn ngữ trên: Tránh tiền thì tiền đến/Đến với tiền thì tiền tránh! Anh gửi đến Tuổi Trẻ Xuân Tân Mão tâm sự thú vị.
Tôi đến với cờ vua từ năm 8 tuổi và gắn bó suốt 12 năm nay. Từ khi còn là một cậu bé ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới, tôi chơi cờ vua chỉ để được thỏa mãn tính tò mò, chứ đâu nghĩ rằng có một ngày cờ vua sẽ mang về cho mình những thành công như hôm nay.
Hiện cờ vua là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của tôi. Mỗi ngày tôi dành khoảng bốn giờ để luyện cờ. Tuy nhiên, trước các giải đấu lớn tôi dành nhiều thời gian hơn. Cụ thể, như chuẩn bị các giải siêu đại kiện tướng quốc tế, Asiad... tôi dành khoảng 10 giờ mỗi ngày. Phần thời gian còn lại tôi dành để nghỉ ngơi giải trí và chia sẻ cùng người thân và gia đình. Đọc sách cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Ngoài những sách phục vụ cờ vua, tôi còn đọc truyện ngắn, tiểu thuyết vào thời gian rảnh rỗi.
Tôi nghĩ rằng cờ vua VN vẫn còn một khoảng cách khá xa so với thế giới, bởi các cường quốc môn thể thao trí tuệ này đã có một truyền thống phát triển lâu đời, còn cờ vua VN chỉ mới phát triển trong khoảng 30 năm gần đây. Theo tôi, thiệt thòi của các kỳ thủ VN so với bạn bè quốc tế là không được đào tạo bài bản, ít có cơ hội cọ xát ở những giải đấu đỉnh cao. Bởi vậy khi đối đầu với những đối thủ lớn, các VĐV VN thường có tâm lý lo sợ và không có kinh nghiệm giải quyết những tình huống xảy ra trên bàn cờ.
Thú thật, là một kỳ thủ chuyên nghiệp, được đi đây đi đó thi đấu, điều tôi hãnh diện nhất là mỗi lần được bạn bè quốc tế nhắc đến lịch sử VN với thái độ nể trọng. Nhưng cũng chợt buồn khi ai đó vô tình đụng chạm vào một số thói xấu của người VN như: vô kỷ luật, xả rác bừa bãi và đặc biệt là thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh.
Năm rồi - 2010, có người đặt cho tôi biệt danh “Vua săn giải thưởng”. Và nhiều người tỏ ra ngỡ ngàng khi nghe tôi kiếm được hơn tỉ đồng từ các giải thưởng đoạt được. Trước sự tấm tắc của nhiều người về số tiền lớn này, tôi nghĩ nó không phải là mục đích số 1 của tôi. Và tôi nghiệm ra rằng nhờ nó không chiếm vị trí số 1 trong đầu nên tôi đã sở hữu được nó!
Nói một cách rất thật lòng: sẽ không có kỳ thủ Lê Quang Liêm của hôm nay nếu tôi chăm chăm chơi cờ để đổi đời, để kiếm tiền. Tôi chỉ tâm niệm một điều: mình chơi cờ bởi đấy là niềm đam mê lớn của bản thân.
Thật ra đó chẳng phải là phát kiến mới mẻ. Bởi tôi trò chuyện với nhiều danh kỳ đỉnh cao thế giới và họ cũng đều thế cả. Như cựu vô địch thế giới Vladimir Kramnik từng nêu quan điểm của mình: một kỳ thủ không thể trở thành nhà vô địch thế giới nếu anh ta đặt chuyện thu nhập là mục tiêu hàng đầu.
Tiền thì cần thật. Tôi biết được điều ấy khi nhìn thấy ba mẹ tôi phải rất vất vả để kiếm tiền lo cuộc sống. Có điều chúng ta đừng nghĩ đến nó nhiều quá, mà hãy sống hết lòng, làm việc hết mình với công việc mình đã chọn. Tôi nghĩ điều đó không sáo đâu với mọi người, với mọi nghề.
Trải nghiệm mới của Liêm Ngày 13-3-2011, kỳ thủ Lê Quang Liêm sẽ tròn 20 tuổi. Năm 2010 được xem là cột mốc đáng nhớ của Liêm trên con đường trở thành kỳ thủ chuyên nghiệp khi là kỳ thủ châu Á đầu tiên đoạt chức vô địch ở giải Aeroflot (Nga) - giải đấu danh giá nhất châu Âu với 160 kỳ thủ tham dự cùng với số tiền thưởng 21.000 euro. Ngoài ra, Quang Liêm còn thành công ở một số giải đấu nhà nghề khác tại Đức, Philippines, Pháp... để mang về hơn 1 tỉ đồng tiền thưởng. Theo kế hoạch, tháng 3-2011 Quang Liêm sẽ sang khoác áo thi đấu cho Werder Bremen Bemen (Đức) theo lời mời của CLB này. Có thể nói đây là trải nghiệm mới của Liêm. TR.D. |
LÊ QUANG LIÊM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận