Nhưng hóa ra khi sống và làm việc ở TP.HCM, dù chỉ trong thời gian ngắn hay cả chục năm, họ đã có được hành trang quý giá: sự trải nghiệm. Sống càng lâu, làm việc càng lâu thì họ càng yêu vùng đất này. Khó rời xa.
* Lauren Andrews (người Mỹ), đang tìm việc:
Cái áo mưa của một người lạ
Năm nay tôi 28 tuổi. Tôi đã ở Việt Nam ba năm nhưng vẫn đang tìm kiếm một căn hộ ưng ý để thuê và một công việc ổn định ở TP.HCM. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể sống được ở nước ngoài khi có quá nhiều yếu tố phải cân nhắc như tiền bạc, gia đình, bạn bè và sự nghiệp. Nhưng từ ngày tôi chuyển đến sống ở Việt Nam, tôi thấy mình được mở rộng tầm mắt cũng như trải qua nhiều cung bậc cảm xúc ở đất nước này.
Tôi học cách làm quen với cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ như băng qua đường thế nào cho an toàn, cho đến học cách trả giá một số đồ dùng mà tôi ít khi đụng đến. Một thách thức không hề nhỏ nữa là ngôn ngữ. Đôi lúc tôi chứng kiến những người hàng xóm nói chuyện mà không hiểu gì và chỉ có thể giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ cơ thể. Tuy vậy, tôi cảm nhận được sự tử tế của những người lạ, đặc biệt là từ người địa phương, khiến tôi cảm thấy vô cùng ngạc nhiên và thích thú.
Trong hai tuần đầu ở Việt Nam vào năm 2010, có một ngày tôi đi bộ vòng vòng thành phố thay vì đón xe ôm hoặc tự lái xe máy. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều. Khi tôi đang đi thì trời đột ngột đổ mưa nặng hạt. Tôi liền chạy vào một ngôi nhà gần đó và đứng trú dưới mái hiên, sau đó ngước nhìn bầu trời tự hỏi khi nào trời sẽ ngừng mưa. Bỗng dưng một người đàn ông từ nơi nào đó tấp xe vào lề đường, cởi áo mưa ông đang mặc ra và đưa cho tôi. Tôi cố gắng nói với ông ấy là tôi không cần và bảo ông cần hơn tôi vì tôi đứng dưới hiên nhà nên không bị ướt. Song ông ấy khăng khăng từ chối, dúi cái áo mưa vào tay tôi và chạy đi mất. Tôi vô cùng ngạc nhiên và tự hỏi sao ông ấy làm điều đó? Đó dĩ nhiên là một người lạ mặt biết quan tâm đến người khác.
Nhưng đó không phải là lần đầu tiên tôi nhận được sự giúp đỡ và quan tâm từ người dân địa phương trong thời gian tôi ở đây. Gần đây, tôi đang chạy xe ngoài đường thì xe bỗng dưng chết máy. Một người đàn ông lạ xuất hiện và giúp tôi đẩy xe về nhà. Điều đó nhắc nhở tôi rằng tôi rất may mắn sống ở một nơi mà ngôn ngữ không phải là rào cản và rằng tôi được người dân địa phương đón chào vô cùng nồng ấm.
Thú thật, tôi nhận ra mình may mắn sống ở một vùng đất mà người dân luôn biết cách vượt qua những khó khăn trong cuộc sống dù đôi lúc cuộc sống rất khắc nghiệt, điều mà tôi ít chứng kiến ở Mỹ và có thể ở những quốc gia khác nữa. Tôi hiểu rằng trong cuộc sống mọi thứ sẽ không bao giờ như ý và cuộc sống của tôi ở Việt Nam cũng vậy, nhưng tôi có cảm giác mình muốn sống lâu dài ở Sài Gòn vì tôi nhận ra đây là nơi giúp tôi trưởng thành hơn, trải nghiệm hơn và là vùng đất tôi gửi gắm nhiều yêu thương ngay cả khi tôi rời khỏi đất nước này.
* Cherry Narumon (người Thái Lan), giáo viên Đại học RMIT:
Những chiếc áo dài đẹp của tôi
Tôi đã dạy học ở Việt Nam được năm năm tại Trường đại học RMIT (TP.HCM). Lúc đầu tôi dự định chỉ ở Việt Nam khoảng ba năm, nhưng thực tế là tôi đã sống ở đây năm năm bởi vì đất nước này luôn mang đến cho tôi nhiều sự bất ngờ, trong đó đặc biệt là Sài Gòn - một thành phố năng động dường như chưa bao giờ ngủ.
Gắn bó với Việt Nam, tôi đặc biệt thích áo dài. Hình ảnh các nữ sinh mặc áo dài và đạp xe trông thật dễ thương. Nó rất độc đáo, bất cứ ai thấy áo dài đều nghĩ ngay trang phục này là của người Việt Nam. Tà áo dài khiến phụ nữ Việt trông rất nữ tính, tinh tế và duyên dáng. Tôi nghĩ chắc do cách thiết kế áo dài bắt buộc người mặc phải đứng thẳng người, không được chạy nhảy cho nên áo dài phản ánh sự quý phái và lịch thiệp của phụ nữ Việt.
Thấy các bạn gái người Việt mặc áo dài đẹp quá nên tôi cũng thử. Thật bất ngờ, khi mặc áo dài tôi cảm thấy mình trông nữ tính, thanh lịch và tự tin hơn, chắc có lẽ do áo dài phủ từ cổ đến mắt cá chân tôi. Khi tôi mặc bộ áo dài màu xanh, một vài người nhận xét tôi trông rất quyến rũ và lộng lẫy.
Tôi có những kỷ niệm đáng nhớ gắn liền với tà áo dài. Chuyện là khi tôi quyết định mặc áo dài tham gia buổi lễ cuối năm tổ chức tại Đại học RMIT, tôi nói chuyện với chị giúp việc và nhờ chị ấy tư vấn trang phục cho mình. Chị giúp việc bảo dì của chị ấy có rất nhiều áo dài nhưng không chắc là tôi có mặc vừa không. Ba ngày sau đó, người giúp việc đến đưa cho tôi bốn bộ áo dài để chọn. Lúc đó thật khó để chọn ra bộ đồ ưng ý nhất. Sau khi thử qua tất cả những bộ áo dài, cuối cùng tôi chọn bộ áo dài đen với quần vàng vì nó trông giống áo dài truyền thống Việt Nam. Tôi cảm thấy rất sung sướng khi thấy mình trông khá thanh lịch trong gương. Khi tôi mặc bộ áo dài đến dự lễ cuối năm, nhiều người ngạc nhiên. Họ khen tôi đẹp và nữ tính.
Sau bữa tiệc đó, tôi quyết định ra chợ mua vải về may áo dài cho riêng mình. Tôi chọn được chất liệu vải có in hình bông hoa và màu đỏ để may áo dài. Sau đó tôi đi đến tiệm may ngay lập tức. Người thợ may hỏi tôi muốn may áo dài truyền thống hay áo dài cách tân không có cổ áo, tôi nói mình muốn kiểu áo dài truyền thống. Sau đó họ lấy số đo cơ thể của tôi, tôi nhận ra may áo dài thật sự là một công việc tỉ mỉ chi tiết. Tôi thật thích áo dài đến mức cho đến nay tôi đã có được bốn bộ áo dài cho riêng mình gồm màu đỏ, xanh lá cây, hồng và tím.
* Ross Stewart (người Úc), giám đốc sản xuất dự án phim 48 giờ của Việt Nam:
Bạn trẻ Việt Nam ngày càng sáng tạo
Tôi sống ở Melbourne, nơi có cộng đồng lớn người Việt sinh sống, do vậy tôi đã quen với văn hóa và ẩm thực Việt Nam. Tôi đến Việt Nam sinh sống cùng bạn gái gốc Việt cách đây 10 năm. Lúc đầu chúng tôi chỉ dự định ở TP.HCM khoảng sáu tháng, nhưng mảnh đất màu mỡ nhiều cơ hội này đã kéo tôi ở lại lâu hơn dự tính, dù tôi và bạn gái đã chia tay cách đây vài năm.
Lúc đầu tôi đi dạy tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ, sau đó tôi mở một trung tâm dạy ngoại ngữ. Thu nhập từ việc dạy học đã cho tôi một cuộc sống thật sự thoải mái ở đây vì chi phí sinh hoạt ở Sài Gòn khá rẻ. Nhưng vào năm 2010, tôi không còn đam mê với lĩnh vực học thuật nữa và quyết định dấn sâu vào lĩnh vực sản xuất phim ngắn. Đây mới là lĩnh vực tôi thật sự yêu thích. Sau ba năm kinh doanh, dù vẫn chưa kiếm được lợi nhuận, nhưng tôi cũng thấy hài lòng khi dự án phim của chúng tôi được nhiều công ty trong và ngoài nước cũng như giới truyền thông biết đến.
Trong thời gian sinh sống ở đây, tôi cũng thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam chấp nhận bỏ những công việc lương cao để theo đuổi công việc yêu thích của mình. Chẳng hạn nhiều người từ bỏ công việc ngân hàng, kỹ sư, khoa học để trở thành những nhà làm phim. Thật đáng khâm phục. Tôi nhớ mình từng làm việc với Vy Thảo - từng có phim tham gia dự án phim 48 giờ của chúng tôi và đoạt giải Sử dụng đạo cụ xuất sắc nhất (Best use of Prop) giải phim 48 giờ năm 2012, trong đó cô đóng vai trò là nhà sản xuất phim. Cô ấy quyết định từ bỏ một công việc lương cao và môi trường làm việc phát triển tốt ở một công ty chuyên về mạng xã hội để làm kịch vụ cho đoàn làm phim của đạo diễn Charlie Nguyễn nhằm học hỏi kinh nghiệm làm phim - lĩnh vực mà cô ấy thật sự đam mê. Sau đó nhờ siêng năng và cầu tiến, cô được cất nhắc lên vị trí trợ lý đạo diễn tự do.
Ở công ty tôi hiện giờ, đa số nhân viên là các bạn trẻ Việt Nam. Các bạn thường chủ yếu làm thiết kế và tổ chức sự kiện liên quan phim ảnh. Tôi phát hiện nhiều bạn trẻ Việt Nam bây giờ ngày càng có óc sáng tạo vì nhờ Internet mà họ xem phim nhiều hơn xưa và học được nhiều kinh nghiệm làm phim của nước ngoài.
* Heather Woodward (người Mỹ):
Thêm một nơi để gọi là quê hương*
Ba năm trước tôi đến Việt Nam sinh sống và làm việc. Khoảng thời gian đầu sống tại TP.HCM thật không dễ dàng, lòng tôi luôn nơm nớp lo sợ mỗi khi tiếp xúc với người Việt. Qua những tiết học sử ở trường trung học cũng như chứng kiến những bức ảnh kinh hoàng về hành động của quân đội Mỹ ở Việt Nam trước đây, tôi nghĩ người Việt sẽ căm hận bất cứ người Mỹ nào. Tôi đành giới thiệu mình là người Anh và hạn chế tối đa việc kết bạn với người Việt. Tôi chỉ mong hợp đồng làm việc của mình tại Việt Nam kết thúc nhanh để tôi chóng thoát khỏi cảm giác dằn vặt, những đêm mất ngủ tại đây.
Nhưng thực tế không như tôi nghĩ. Một buổi sáng, khi đang lang thang trong công viên để tìm chút không khí trong lành đầu ngày, tôi tình cờ gặp một nhóm người trung niên đang tập võ. Tôi dợm bước đi nhưng họ đã kịp nở nụ cười tươi, vẫy tay chào mời tôi gia nhập. Dù khá lo lắng nhưng tôi vẫn bước đến, hòa vào họ. Buổi tập kết thúc, mọi người vây quanh tôi rôm rả trò chuyện thông qua phiên dịch của một người đàn ông trong nhóm.
Anh tên Cường và nói tiếng Anh rất sõi (sau này tôi mới biết vốn tiếng Anh đó là do anh ấy tự học trong bốn năm). Sự ấm áp của các thành viên trong nhóm khiến tôi cảm động và từ sau buổi tập đầu, tôi đều đặn đến lớp rồi thân thiết dần với mọi người thông qua những hoạt động ngoại khóa như đi tham quan địa đạo Củ Chi, dự tiệc cưới hỏi hay những buổi nấu ăn tại nhà…
Trong những hoạt động trên, Cường luôn sát cánh để hỗ trợ phiên dịch, giải thích cho tôi hiểu hơn về văn hóa Việt. Ngày qua ngày, tình yêu của tôi dành cho vùng đất này lớn dần. Qua những câu chuyện Cường kể, tôi biết gia đình anh từng nhiều lần sống dưới hầm trú ẩn ở miền Bắc suốt những năm kháng chiến chống Mỹ và nhiều người thân trong nhà anh đã ra đi vĩnh viễn khi bị máy bay Mỹ giội bom. “Anh biết không, tôi là người Mỹ đấy” - tôi vỡ òa cảm xúc. Tôi cảm thấy mình rất xấu xa, tội lỗi bởi Cường và mọi người đã đối xử với tôi rất tử tế suốt thời gian dài. Vậy mà với một giọng bình thản, Cường nói với tôi mọi thứ đều đã trôi vào quá khứ và chúng tôi vẫn có thể trở thành bạn tốt của nhau. Sau đó tôi hạnh phúc nhận Cường làm anh của mình…
Tình cảm của chúng tôi dành cho nhau ngày một lớn và Cường luôn xuất hiện mỗi lúc tôi cần. Đối với tôi, Cường chính là hiện thân của một người Việt tiêu biểu đầy lòng vị tha. Tôi hạnh phúc khi có một người anh như vậy và có thêm một nơi để được gọi là quê hương.
* Nazley Omar (người Nam Phi), giáo viên tiếng Anh:
Người dân ĐBSCL sống thật hạnh phúc
Tôi chuyển đến TP.HCM sống từ tháng 5-2013 và dự định sẽ sống và làm việc ở đây hai năm. Khi tôi sống ở Hàn Quốc, tôi có đi du lịch ở Việt Nam và ngay lúc đó tôi bắt đầu cảm thấy yêu thời tiết, thức ăn, chi phí sống rẻ và những người dân thân thiện nơi đây. Ở Sài Gòn, cộng đồng người nước ngoài vẫn có thể sống thoải mái theo phong cách phương Tây, đồng thời cũng có thể tìm hiểu về lối sống và văn hóa châu Á. Gần đây tôi có dành thời gian khám phá nhiều thành phố và thị trấn ở ĐBSCL. Tháng 8 vừa rồi, tôi và mẹ có ăn tối tại gia đình nhà nông ở ĐBSCL và cảm thấy choáng ngợp bởi tình cảm nồng ấm của họ dành cho chúng tôi dù tôi và mẹ chỉ đang du lịch.
Vào một buổi tối, tôi và mẹ đi bộ đến một tiệm cà phê gần đó uống nước, một phụ nữ trẻ tên Phượng đến chào và chủ động bắt chuyện với chúng tôi. Lúc gần kết thúc cuộc trò chuyện, Phượng nói mẹ cô ấy đang chuẩn bị bữa cơm tối và muốn mời chúng tôi đến nhà chơi. Nhà Phượng khá nhỏ và cũ kiểu đặc trưng vùng quê, trong nhà không có đồ đạc gì nhiều. Nhà cô khá đông người gồm ông bà, cha mẹ, Phượng, ba anh trai và chị gái.
Các thành viên trong gia đình Phượng làm nông và bắt cá đồng ra chợ bán. Phượng, trạc tuổi tôi, là người duy nhất trong nhà có thể giao tiếp cơ bản với chúng tôi. Dù không biết tiếng Anh nhưng tất cả họ đều đón chào chúng tôi rất nồng ấm. Họ thết đãi chúng tôi cá, rau, cơm và đó là tất cả những gì họ có. Những món ăn rất ngon dù đạm bạc. Sau khi dùng bữa tối xong, tôi và mẹ gửi họ một số tiền để bù lại bữa tối nhưng họ nhất quyết không nhận. Chúng tôi vô cùng cảm kích tấm lòng của họ.
Nhiều người dân ở khu vực này kiếm được rất ít tiền nhưng họ là người hạnh phúc nhất và dễ thương nhất tôi từng gặp. Chúng tôi gặp một số người ở ĐBSCL và cảm nhận họ sống hạnh phúc. Những người phụ nữ ở ĐBSCL như Phượng thức dậy sớm vào 6 giờ sáng và đạp xe đi chợ. Trẻ con thì cười đùa vui vẻ trong khi đi bộ đến trường. Quang cảnh yên bình này thật khác so với Sài Gòn khi hầu hết mọi người bắt đầu một ngày thật vội vã. Trong khi tôi và mẹ đang đi bộ đến ngôi chợ phía bên kia sông vào sáng sớm, tôi gặp rất nhiều người dân vui vẻ và tất cả họ đều mỉm cười chào chúng tôi. Đàn ông và phụ nữ ngồi trước sân uống cà phê vào sáng sớm và tán gẫu. Họ dường như rất thoải mái và không có vẻ gì vội vàng. Tôi thấy người dân nơi đây rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Tôi đã đến ĐBSCL ba lần nhưng tôi vẫn muốn quay lại. Cảnh vật và con người nơi đây rất đặc biệt và độc đáo. Tôi rất thích nhìn cảnh người dân chèo ghe xuồng trên sông buôn bán và những đứa trẻ vẫy vùng đùa nghịch trên sông nước. Những cảnh quê thôn dã này tuyệt đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận