Khu vực gói bánh chưng bài trí với chiếc chõng tre mộc mạc. Những chiếc lá dong xanh tươi, gạo nếp trắng tinh, đậu xanh vàng thơm được chuẩn bị kỹ lưỡng tạo nên không gian đậm đà hương sắc ngày Tết.
Dù bắt đầu từ 8h30 nhưng chỉ mới 8h sáng, một số bạn trẻ tập trung đến Organica Thảo Điền (TP Thủ Đức, TP.HCM) để được nghệ nhân hướng dẫn đồng thời tự tay mình làm nên chiếc bánh chưng truyền thống. Một số người dẫn theo con nhỏ.
Họ ngồi quây quần vào nhau, chọn lá, đong gạo và thực hiện các công đoạn làm bánh một cách tỉ mỉ.
Học gói bánh chưng, học yêu thương
"Đây là gói bánh chưng nè con. Bánh mà ngày Tết con ăn đó" - chị Hạ chỉ tay vào khu vực gói bánh chưng và nói với hai con trai khoảng 6, 7 tuổi.
Chị vui vẻ cho Tuổi Trẻ Online biết: "Chồng tôi là người Mỹ. Nhân dịp về Việt Nam, tôi dẫn các con đến đây trải nghiệm với mong muốn các con hiểu được Tết truyền thống Việt Nam là như thế nào. Hai con tôi sinh ra và lớn lên tại Mỹ.
Ba mẹ tôi ở Mỹ cũng có nấu bánh chưng dịp Tết, nhưng bánh đâu thể ngon bằng ở quê hương mình. Các con còn nhỏ nhưng tôi vẫn muốn chúng hiểu và yêu thương văn hóa Việt Nam. Chờ các con lớn e là muộn".
Á hậu Mâu Thủy kiên nhẫn ngồi gói bánh chưng "đầu tiên trong cuộc đời", theo lời chị.
"Ngày xưa ba mẹ nấu bánh tôi chỉ được ngồi canh lửa để chờ bánh chín thôi chứ chưa được tham gia. Hôm nay được các nghệ nhân chuyên nghiệp hướng dẫn tôi thấy rất thú vị. Tôi sẽ đánh dấu bánh của mình, mai đến lấy bánh đã nấu chín về thưởng thức, xem làm có ngon không.
Dù chưa biết ngon dở như thế nào nhưng nhìn mọi người đến, ngồi sum vầy cùng gói bánh tôi thấy rất ấm cúng. Hoạt động này kết nối mọi người với văn hóa truyền thống Việt".
Còn chị Ngọc nhà ở gần nơi tổ chức cũng dẫn con gái mới 4 tuổi đến tham quan.
Chị cười bảo: "Tôi không biết gói bánh nên dẫn bé đến để bé có được trải nghiệm hoạt động ngày Tết Việt truyền thống như thế nào và biết phân biệt các loại cây nữa. Trẻ thành phố không có nhiều cơ hội như vậy".
Mâm cơm ba miền Tết Việt
Sau công đoạn gói, những chiếc bánh chưng được đem đi nấu chín. Khách hàng có thể đến vào ngày mai, trả tiền nguyên liệu làm bánh và lấy về thưởng thức thành phẩm mình làm.
Đây là lần thứ hai Tết Việt - Dấu ấn vùng miền được tổ chức với mục đích tạo nên không gian nho nhỏ Tết Việt truyền thống để các gia đình đến vui chơi, trải nghiệm.
Bên cạnh hoạt động hướng dẫn gói bánh, Tết Việt - Dấu ấn vùng miền còn giới thiệu mâm cơm Tết được đầu bếp Ngọc Sơn chuẩn bị, bao gồm món canh măng, xôi gấc, gà luộc, canh khổ qua, gỏi bắp cải và không thể thiếu tôm khô củ kiệu, bánh tét.
Nhìn vào mâm cơm, một cô khách nói vui: "Tết ba miền nam bắc trung dồn vào mâm cơm này rồi. Xôi gấc mà cho đậu phộng vào nhìn lạ ghê".
Nhiều khách hàng hỏi bí quyết của món nước sốt rưới lên món gỏi trông hấp dẫn, đầu bếp bật mí: "Sữa tươi, sữa đặc, đường cộng thêm chút muối hồng rồi đánh đều lên là cho ra nước sốt ngon mà không ngán".
Ở góc khác, ông đồ đang cần mẫn viết "chữ" tặng khách tham quan.
Chị Trương Thúy Kiều (Thảo Điền, TP Thủ Đức) cho biết:
"Năm nay tôi xin chữ "an yên" với mong muốn luôn bình an, yên ổn trong năm mới. Công việc của tôi cũng không quá sóng gió nhưng "an yên" giúp tôi nhìn nhận lại những gì mình đã làm và trải qua".
Nồi thịt kho lá mít ngày Tết
Đầu bếp Ngọc Sơn hướng dẫn khách đến tham quan cách làm nồi thịt kho tàu lá mít ngày Tết ở quê anh khá đơn giản:
Thịt ba rọi heo mua về rửa sạch với muối cắt khúc theo ý thích, cho tỏi, hạt nêm thực vật, trứng luộc chín để chung với thịt và nước dừa ướp qua đêm.
Sau đó kho thịt trứng với nước dừa với lửa nhỏ vừa phải, thời gian khoảng 5 - 5 tiếng rưỡi.
Điều đặc biệt của nồi thịt kho trứng là không đậy nắp mà phủ lên mặt nồi những lá mít hái trong vườn được rửa sạch bằng nước muối và cắt bỏ cọng để tránh nhựa lá.
"Nấu kiểu này, thịt không bị thâm, màu nước sánh vàng và có mùi thơm rất riêng của lá mít", đầu bếp Ngọc Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận