Thành phố sân bay Amsterdam Schiphol nhìn từ trên cao - Ảnh: NACO
Nghĩa là sân bay trong thế kỷ 21 không còn thực hiện chức năng vận chuyển đơn thuần nữa...
Đa chức năng
Sân bay Amsterdam Schiphol của Hà Lan là ví dụ về sự thành công của một đất nước nhỏ nhưng là đầu mối trung chuyển hành khách và hàng hóa cỡ lớn (đứng thứ ba về thị phần ở châu Âu, thống kê năm 2016).
Ngay giữa sân bay Schiphol là vị trí "gặp gỡ" không chỉ là điểm hẹn chung cho các nhóm bạn đợi chờ nhau làm thủ tục hoặc hành khách đón taxi đã hẹn trước, mà còn là vị trí dẫn xuống nhà ga tàu lửa hoặc ra bãi đậu xe.
"Thành phố sân bay" Schiphol có một số dịch vụ gây ngạc nhiên, một trong số đó là sự liên thông với một trung tâm đấu giá hoa tươi lớn nhất thế giới mà du khách có thể được tham quan và ngắm theo những hành lang từ xa.
Hằng ngày, khoảng 20 triệu cành hoa và chậu hoa trang trí được xuất từ trung tâm này đi khắp thế giới bằng dịch vụ hàng không do hoa là một mặt hàng cần ưu tiên thời gian nhanh trong khâu trung chuyển.
Với các doanh nhân bận rộn, họ có thể đáp chuyến bay đến Hà Lan, ngồi ở các văn phòng cho thuê ở sân bay đàm phán hoặc ký hợp đồng rồi lên chuyến bay tiếp theo.
Nếu ở lại lâu, khách có thể đi bộ theo một hành lang riêng để về các khách sạn 5 sao ngay gần sân bay như Hilton hay Sheraton mà không cần phải ra ngoài sân bay.
Hành khách đến sớm có thể khám phá Bảo tàng Rijksmuseum ở sân bay Schiphol bên cạnh mua sắm ở các cửa hàng miễn thuế hoặc ăn uống trong các nhà hàng, quán cà phê như ở đa số các sân bay khác.
Ngoài chức năng chính là sân bay, tại đây còn có dịch vụ bất động sản (nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, nhà hàng), nông nghiệp, nước, cơ sở hạ tầng giao thông, văn hóa, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, công nghiệp sửa chữa, công nghệ hàng không và vũ trụ... với sự tham gia của nhiều bên.
Vai trò của chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, chủ đầu tư/khai thác sân bay là không thể thiếu. Ngoài ra là các nhà đầu tư phát triển, các hãng hàng không, người dân, các công ty logistics, các công ty khai thác vận tải, công nghiệp, chế biến, kinh doanh/khai thác bất động sản, người sử dụng dịch vụ...
Mô hình cho Việt Nam?
Mô hình "thành phố sân bay" kết nối toàn cầu là xu hướng trong xây dựng và cải tạo các sân bay quốc tế lớn. Cách tiếp cận là lấy sân bay làm trung tâm, từ đó phát triển rộng ra toàn khu vực.
Singapore là một trong những quốc gia ASEAN tiên phong trong việc xây dựng "thành phố sân bay" khi đã khởi động dự án này từ năm 2013 và đặt mục tiêu xây xong vào năm 2030.
Theo đó, đến năm 2013, sân bay Changi, Singapore có 3 nhà ga T1, T2, T3. Sau đó họ tiếp tục xây dựng thêm nhà ga T4.
Khu vực đậu xe nhà ga T1 được chuyển đổi công năng thành một khu phức hợp có chức năng như một thành phố trong vườn, bao gồm: dịch vụ nhà hàng, cửa hàng và khu vườn nhiều cây xanh, khai trương ngày 17-4 tới.
Trung tâm thương mại và vườn ở sân bay Changi không chỉ dành cho hành khách mà người Singapore có thể đến vui chơi, mua sắm, học tập và nghỉ ngơi. Tầm nhìn đến năm 2030 là xây dựng thêm nhà ga T5 vận hành như một sân bay độc lập nhưng kết nối với tất cả các nhà ga khác.
Ông Kjell Kloosterziel, giám đốc NACO - công ty đã thiết kế và tư vấn xây dựng hơn 600 "thành phố sân bay" trên thế giới, từng nhiều lần sang Việt Nam, cho biết "thành phố sân bay" gồm nhiều yếu tố.
Để được gọi là một "thành phố sân bay", các sân bay phải có trung tâm bất động sản, trung tâm thương mại tại khu vực sân bay và xung quanh sân bay, các công viên kinh doanh thương mại, trung tâm đấu giá, bán sỉ, khu công nghiệp nhẹ/chế biến dọc hành lang vận chuyển, hậu cần, kho bãi và bất động sản giữa sân bay và thành phố...
Bên cạnh đó, theo ông Kloosterziel, một trong những điểm mấu chốt của một "thành phố sân bay" là kết nối thuận lợi và nhanh chóng các loại hình giao thông: đường bộ (xe buýt), đường sắt, đường hàng không (quốc tế, nội địa) để việc vận chuyển hàng hóa mau chóng, dễ dàng.
Thủ tướng Hà Lan thăm Việt Nam
Trưa nay (9-4), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai của Thủ tướng Mark Rutte (lần đầu tiên vào năm 2014), có ý nghĩa quan trọng và đánh dấu mốc phát triển mới trong quan hệ hai nước.
Đầu giờ chiều 9-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì lễ đón Thủ tướng Mark Rutte tại Phủ chủ tịch. Sau đó, hai nhà lãnh đạo tiến hành hội đàm, chứng kiến lễ ký kết các văn kiện.
Cùng ngày, Thủ tướng Mark Rutte chào xã giao Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và cùng Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung dự triển lãm thời trang và một số hoạt động giao lưu văn hóa. (D.AN)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận