26/04/2012 06:30 GMT+7

Đến nhà cụ Vương... ăn ốc

NGUYỄN TRƯƠNG
NGUYỄN TRƯƠNG

TT - Quán ốc có cái tên là Béo được mở ngay tại nhà của cố học giả Vương Hồng Sển, ở khoảng sân phía sau. Chừng chưa tới 17g đã đông khách, vang vang tiếng khách gọi ốc, tiếng phục vụ thúc hối nhà bếp...

Fte84D5L.jpgPhóng to
Quán ốc Béo mở tại nhà cụ Vương ở cửa phía sau số 11 Nguyễn Thiện Thuật. Bếp của quán nằm ngay trong căn nhà chính (di tích), nơi khách ngồi ăn là sân phía sau - Ảnh: Thuận Thắng

Bếp đặt ở bên trong ngôi nhà, thức ăn chuyển ra sân sau theo lối nhỏ bên hông nhà. Nhìn qua ô cửa sổ mở ra sân thấy rõ không gian bếp núc ì xèo lửa khói giữa những tấm cửa gỗ và kèo cột mà chỉ nhìn qua cũng biết tuổi thọ ít ra cũng trên trăm năm.

Ngồi giữa khung cảnh buôn bán ồn ào, nhìn lửa đỏ nhảy múa trên bếp, nghe hơi thức ăn nóng bay bám vào những khung cửa gỗ cổ xưa bỗng thấy bao nhiêu xúc cảm ẩm thực bay biến hết, chỉ còn lại nỗi ngậm ngùi thật khó tả.

Bỗng nhớ chủ nhân Vương Hồng Sển thuở sinh thời đã nâng niu, chăm bẵm hết mực ra sao cho ngôi nhà cổ này để nhờ đó giá trị của nó được đặt ngang với các di sản văn hóa. Bỗng nhớ lại cả một chuỗi thông tin báo chí từng tràn trề hi vọng về một bảo tàng sẽ được ra đời tại chính ngôi nhà quý của cụ Vương...

Gương mặt độc đáo của quá khứ

Học giả Vương Hồng Sển là một trong những biểu tượng của văn hóa Nam bộ. Ông nổi tiếng về lối viết sách độc đáo, về bộ sưu tập sách quý và đặc biệt là về những món cổ vật vừa quý vừa đẹp mà ông cất công sưu tầm suốt hơn nửa thế kỷ, trước khi từ giã thế giới này ở tuổi 94.

Ngôi nhà của ông ở số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - về đường nét kiến trúc, về đồ nội thất và về niên hạn trên trăm năm - cũng độc đáo không thua kém những thư tịch cổ và các cổ vật được lưu bày bên trong. Các tạp chí danh tiếng trên thế giới như Times, Newsweek đã từng đến đây tìm hiểu, giới thiệu về ngôi nhà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa này.

Cụ Vương Hồng Sển đã bỏ công tìm kiếm và mua nguyên căn nhà cổ kính từ vùng ven Sài Gòn về dựng lại trên mảnh đất nội đô. Gần nửa thế kỷ sống ở đây, cụ Vương đã không chỉ bỏ nhiều công sức cho việc bài trí mà còn tạo dựng một phong cách sinh hoạt cho chính ông và các thành viên trong gia đình phù hợp với nét cổ xưa bên trong và bên ngoài của ngôi nhà.

Những trí thức, văn nghệ sĩ, công chức từng đến đây đàm đạo cùng cụ Vương lúc sinh thời đều thừa nhận: đến nhà cụ Vương Hồng Sển là được chạm vào một không gian đẹp đẽ, tinh tế của quá khứ đã lùi xa trước đó trăm năm còn lưu dấu đến hôm nay. Nơi ngồi viết. Nơi thưởng trà. Nơi khoảng sân nhỏ kết nối nhà chính với gian phụ đã không còn thấy trong lối làm nhà ngày nay. Nơi hàng hiên thấp tè rất lạ, người ta có thể đưa tay chạm vào các viên ngói cổ rêu phong trên mái nhà. Nơi đâu cũng thấy gương mặt độc đáo của quá khứ đang được chủ nhân đương thời nâng niu hết mực.

Vì các giá trị văn hóa độc đáo của toàn bộ ngôi nhà và cũng vì không đủ niềm tin vào khả năng kế thừa và phát huy các giá trị ấy của những hậu duệ huyết thống nên không bao lâu trước khi mất (1996), học giả Vương Hồng Sển đã làm di nguyện tặng toàn bộ sách quý và cổ vật trong ngôi nhà cho Nhà nước với mục đích phát huy cao nhất các tài sản văn hóa mà mình sở hữu cho lợi ích cộng đồng.

Ông mong muốn ngôi nhà mà ông từng sống sẽ là nơi trưng bày các quyển sách quý, các món đồ đạc cổ xưa mà ông đã sưu tầm cả đời, nếp sinh hoạt từng gắn bó, hài hòa với sự cổ xưa của ngôi nhà và đồ vật được giới thiệu sống động với người đời sau. Tiếp nhận di nguyện ấy của cụ Vương Hồng Sển, được sự giao phó của UBND TP, Sở Văn hóa thông tin TP.HCM (cũ) từ sau năm 1996 đã tổ chức giám sát và di dời một cách chặt chẽ các cổ vật với nhiều chất liệu khác nhau từ nhà cụ Vương về quản lý và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP, tại Thư viện Khoa học tổng hợp.

Từ sau năm 2003 - năm nhà cụ Vương được công nhận là di tích cấp TP, để tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ di tích, UBNDTP còn ban hành các quyết định về nhà đất nhằm có thể trùng tu ngôi nhà, triển khai trưng bày, biến nơi đây thành một bảo tàng chuyên đề như di nguyện của học giả Vương Hồng Sển và cũng là mong muốn của nhiều người quan tâm đến văn hóa. Vậy mà...

Hơn cả ngậm ngùi

Đành là đã xảy ra những câu chuyện tranh chấp không vui giữa các hậu duệ của cụ Vương Hồng Sển và cơ quan quản lý nhà nước về quyền lợi nhà đất. Nhưng những tranh chấp ấy kéo dài đến gần chín năm vẫn chưa ngã ngũ; công việc trùng tu ngôi nhà nhằm phát huy giá trị của di tích kiến trúc nghệ thuật đã được xếp hạng không thể tiến triển; nguy cơ đe dọa sự xuống cấp và hủy hoại đến tính nguyên bản của di tích đang lơ lửng rất gần.

Một khi tất cả những điều ấy là có thật và gây băn khoăn, lo lắng cho tất cả những ai quan tâm đến sự sống còn của di sản văn hóa trong bối cảnh cuộc chạy đua không cân sức giữa bảo tồn và phát triển, thì sự ngậm ngùi quả thật không đủ làm lực đẩy cho quá trình trùng tu, bảo vệ và phát huy một di tích.

Đã đến lúc đặt ra những vấn đề cần có câu trả lời: Thứ nhất, nội dung quyền lợi mà gia đình đòi hỏi trong các diễn biến suốt chín năm qua có quá đáng không, khi mà di nguyện của cụ Vương về cơ bản là nhắm đến phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng thông qua việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà cụ đã chắt chiu gầy dựng bằng tài sản của chính mình? Thứ hai, công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên môn có những hạn chế và sơ hở nào khiến quá trình thu hồi để trùng tu ngôi nhà di tích trở nên phức tạp hơn và gây ra những tranh chấp kéo dài? Thứ ba, dù câu trả lời có cụ thể hay không, có nhanh hay chậm thì điều đáng lo nhất bây giờ là những người có trách nhiệm quản lý ở các ngành và các cấp có cảm thấy lo ngại và thấy cần có giải pháp nào đó không, khi mà việc kinh doanh quán ốc ở ngay tại di tích kiến trúc nghệ thuật - nhà cổ dân dụng truyền thống Vương Hồng Sển đang diễn ra như “chuyện thường ngày”.

Hơn cả ngậm ngùi, chuyện mở quán ốc ở nhà cụ Vương Hồng Sển đang ngang nhiên vô hiệu nội dung cấm ở điều 2 trong quyết định xếp hạng di tích của UBND TP.HCM...

Ngày 5-8-2003, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với nhà của cụ Vương Hồng Sển tại số 9/1 Nguyễn Thiện Thuật, P.14, Q.Bình Thạnh là di tích kiến trúc nghệ thuật nhà cổ dân dụng truyền thống.

Quyết định nêu rõ Sở VH-TT, UBND Q.Bình Thạnh, UBND P.14, Q.Bình Thạnh thực hiện quyền quản lý nhà nước đối với di tích đã được xếp hạng nêu trên theo luật định. Điều 2 của quyết định nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của chủ tịch UBND TP.

NGUYỄN TRƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên