07/04/2015 09:56 GMT+7

Đến lượt Luật giáo dục nghề nghiệp

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Sau Luật bảo hiểm xã hội, đến Luật giáo dục nghề nghiệp cũng được kiến nghị sửa đổi sau khi vừa thông qua bởi có nhiều bất cập.

Sinh viên ngành ôtô khoa công nghệ kỹ thuật cơ khí Trường cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Phú Lâm trong giờ thực hành - Ảnh: Như Hùng

Phải sửa luật để tránh thiệt hại, tổn thương cho nền giáo dục, đó là khẳng định của ông Trần Công Chánh - chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế - kỹ thuật Việt Nam - khi nói về nguyên nhân tại sao hiệp hội lại kiến nghị điều chỉnh luật này. 

“Quá dễ tiên lượng nếu chia cắt quản lý, giáo dục nghề nghiệp, trong đó có các trường trung cấp, CĐ, bị cắt khúc cho một bộ quản lý. Còn giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH, hai hệ thống “kẹp” hai bên, lại thuộc về một bộ khác lâu nay vẫn quản lý là Bộ GD-ĐT” - trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Công Chánh cho biết.

ông Trần Công Chánh - Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ mầm non đến giáo dục phổ thông thuộc Bộ GD-ĐT, từ trung cấp đến CĐ lại thuộc bộ khác quản, rồi từ giáo dục ĐH, sau ĐH lại tiếp tục giao về Bộ GD-ĐT thì phân luồng sẽ thực hiện thế nào?

Trước khi nói đến thiệt hại trước mắt đối với người học thì không thể không kể đến những thiệt hại cho quản lý nhà nước về sự chồng chéo, cũng như những tổn thương không tránh khỏi với chính hệ thống GD-ĐT

“Không biết theo ai!”

Theo ông Chánh: “Ngày 30-3 Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế- kỹ thuật đã có kiến nghị bằng văn bản gửi lên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ… vừa để nêu những bất cập của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay, vừa chỉ ra những hệ lụy đau xót hơn nữa sẽ diễn ra trong tương lai nếu giáo dục nghề nghiệp vẫn cứ dùng dằng trong thiết kế sai về cơ quan quản lý nhà nước.

Bản kiến nghị của hiệp hội được xây dựng trên cơ sở tập hợp ý kiến các trường, các chuyên gia tại hội thảo khoa học về một số vấn đề khi triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp vừa tổ chức.

Luật đã ban hành và ngày 1-7 chính thức có hiệu lực nên chúng tôi không còn bàn đến việc vì sao luật được thông qua với số phiếu thấp kỷ lục tại Quốc hội nữa, mà chỉ cùng nhau thảo luận luật sẽ ảnh hưởng thế nào đến hệ thống CĐ, trung cấp, cũng như giải pháp thích ứng của các trường với luật mới.

Tuy nhiên vì nhiều điểm bất cập, không khả thi của luật, vì tình trạng chưa rõ bộ nào quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp mà các trường đều loay hoay...”.

* Đã gạt sang một bên những băn khoăn về sự ra đời của Luật giáo dục nghề nghiệp, dù chính hiệp hội từng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nên trình dự thảo luật tại kỳ họp thứ tám, vậy luật mới có gì còn lấn cấn để hiệp hội phải tiếp tục kiến nghị, thưa ông?

- Thực hiện nghị quyết của trung ương, Chính phủ giao cho Bộ GD-ĐT đóng vai trò “chủ công” trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nhưng với Luật giáo dục nghề nghiệp thì Bộ Lao động - thương binh và xã hội lại gần như nhận nhiệm vụ chủ trì để xây dựng các chính sách liên quan đối với hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật. 

Có vẻ như với cùng một nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực cho đất nước mà xuất hiện sự quản lý ít liên kết từ hai bộ. Ngay thời điểm này, nhiều trường kêu “không biết theo ai” vì phải chịu sự chi phối của hai nơi.

Hiện tại Bộ Lao động - thương binh và xã hội đang chỉ thị cho các địa phương lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 - tầm nhìn 2030, còn Bộ GD-ĐT cũng đang chỉ đạo các nhà trường báo cáo quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, CĐ đến năm 2020 - tầm nhìn 2030 theo tinh thần hành động của Chính phủ.

Hai bộ cùng hăng hái tiến hành đồng thời công tác quy hoạch mà không trao đổi với nhau. Đáng lo là khi đã có chỗ chồng chéo, giẫm chân lên nhau thì rất dễ sẽ có những nơi mà cả hai cùng bỏ trống…

Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua chiều 27-11-2014. Trong số 412 đại biểu tham gia biểu quyết chỉ có 274 đại biểu tán thành (tỉ lệ 55,13%), có 125 đại biểu không tán thành (chiếm 25,15%) và có 13 đại biểu không biểu quyết (chiếm 2,62%). Đây là luật có số đại biểu không tán thành nhiều nhất trong số các luật được thông qua kể từ đầu kỳ họp này - Ảnh: Việt Dũng

Dòng chảy giáo dục đào tạo sẽ bị chia cắt

* Việc thống nhất CĐ với CĐ nghề, trung cấp với trung cấp nghề được xem là bước đệm quan trọng để thực hiện quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp, thống nhất với khung tham chiếu các trình độ ASEAN khi lộ trình hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN đã đến rất gần. Nhiều chuyên gia cho rằng không thể vì những vướng mắc mà chậm trễ hành động…

- Việc thống nhất hệ thống đúng là không thể chậm trễ, nhưng nếu cứ đơn thuần tách giáo dục nghề nghiệp ra khỏi giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH thì tất yếu dòng chảy giáo dục đào tạo sẽ bị chia cắt. 

Từ mầm non đến giáo dục phổ thông thuộc Bộ GD-ĐT, từ trung cấp đến CĐ lại thuộc bộ khác quản, rồi từ giáo dục ĐH, sau ĐH lại tiếp tục giao về Bộ GD-ĐT thì phân luồng sẽ thực hiện thế nào?

Trước khi nói đến thiệt hại trước mắt đối với người học thì không thể không kể đến những thiệt hại cho quản lý nhà nước về sự chồng chéo, cũng như những tổn thương không tránh khỏi với chính hệ thống GD-ĐT.

Tách bộ phận giáo dục nghề nghiệp ra khỏi hệ thống giáo dục để làm quy hoạch riêng sẽ khó khả thi. Bởi lẽ giáo dục nghề nghiệp chịu ảnh hưởng của yếu tố đầu vào là học sinh phổ thông, cần phải được dự báo và quy hoạch bởi một cơ quan đầu mối của đất nước để “dựng” quy hoạch tổng thể GD-ĐT.

Sự mất cân đối về cơ cấu trình độ nhân lực lâu nay cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là chúng ta không có một cơ quan duy nhất quản lý nhà nước về hệ thống GD-ĐT, để điều phối và làm cho hệ thống phát triển hài hòa.

Song điều quan trọng, khi hai bộ chia nhau quản lý nhà nước các hệ thống nối tiếp xen kẽ nhau vốn đòi hỏi phải có tính liên thông, thì rốt cuộc chịu thiệt thòi vô lý nhất chính là người học. Không có sự liên tục trong quản lý, ai sẽ là người thừa nhận giáo dục phổ thông đi lên giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp đi lên ĐH? Đơn giản thấy rằng khi phổ thông do một bộ quản, bộ đó sẽ hướng học sinh sau phổ thông đi theo hướng nào: giáo dục nghề nghiệp hay ĐH khi giáo dục nghề nghiệp đã cắt sang bộ khác?

* Từ góc độ của những người trực tiếp tham gia hoạt động đào tạo, quản lý đào tạo ở các trường CĐ, trung cấp, theo ông, đâu là giải pháp triệt để để luật đi vào cuộc sống mà không gây xáo trộn, phá vỡ hệ thống?

- Các giả thiết phía trên đưa ra cũng đủ để lý giải Bộ GD-ĐT là địa chỉ thích hợp để được Chính phủ giao quản lý nhà nước giáo dục nghề nghiệp. Song tôi vẫn muốn bổ sung để những người làm chính sách phải nghiên cứu kỹ, có thêm cơ sở khoa học thiết kế bộ máy quản lý nhà nước phù hợp với tinh thần cải cách hành chính của Đảng và Chính phủ.

Lâu nay đối tượng quản lý của Bộ Lao động - thương binh và xã hội chủ yếu là người lao động đã được đào tạo hoặc chưa được đào tạo cùng các chính sách việc làm; còn đối tượng quản lý của Bộ GD-ĐT là đội ngũ học sinh, sinh viên và nhà giáo cùng cán bộ quản lý giáo dục… 

Vẫn chỉ là hệ thống rời rạc

Trình độ phát triển giáo dục nghề nghiệp nước ta còn tụt hậu so với khu vực và thế giới. Thật ra nó vẫn chỉ là hệ thống rời rạc do không giải quyết được ba vấn đề: phân luồng, đào tạo liên thông và quy hoạch phát triển nhân lực, để từ đó làm căn cứ quy hoạch mạng lưới GD-ĐT từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH trong một chỉnh thể thống nhất theo tinh thần Hiến pháp mới 2013. 

Chưa kể do sự trùng lặp (ngành nghề đào tạo, tên gọi trường, có trường thuộc địa phương, trường thuộc bộ ngành, trường thuộc tổ chức chính trị xã hội) của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục ĐH  trên cùng một địa phương và trên phạm vi cả nước, nên quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp hiệu quả thấp.

 

 

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên