19/07/2024 10:58 GMT+7

Đến Genève với tư thế chiến thắng

Ngày 8-5-1954, ngay sau tin mừng chiến thắng hào hùng Điện Biên Phủ, phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã đường hoàng bước vào Hội nghị Genève trong tư thế người chiến thắng.

Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng ở nơi làm việc phái đoàn VNDCCH tại Genève

Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng ở nơi làm việc phái đoàn VNDCCH tại Genève

Vấn đề đàm phán tìm giải pháp lập lại hòa bình cho Đông Dương được chính thức đưa vào chương trình nghị sự. 75 ngày sau đó là những cuộc hội đàm đa phương và trao đổi song phương căng thẳng để đi đến ký kết Hiệp định Genève ngày 20-7-1954.

70 năm đã qua, nhưng những thành quả tự hào và bài học mà quá trình tham gia Genève để lại cho Việt Nam thời hội nhập vẫn ngày một lớn, ngày một sáng rõ.

Tuổi Trẻ trao đổi với PGS.TS Hà Minh Hồng và PGS.TS Trần Nam Tiến quanh những điều hai ông tâm đắc khi nghiên cứu Hiệp định Genève trong những khía cạnh lịch sử và quan hệ quốc tế.

Những bài học kinh nghiệm ở Genève rất quý giá và được học, được áp dụng trong các chủ trương, đường lối ngoại giao hôm nay.

* Có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ những thành quả của Genève, những thành quả được cả thế giới công nhận là rất lớn so với một Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ, khi ấy chỉ vừa 9 tuổi, và trải đủ 9 năm kháng chiến gian khổ...

PGS.TS Hà Minh Hồng

PGS.TS Hà Minh Hồng

- PGS.TS Hà Minh Hồng: 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, hy sinh, thành quả lớn nhất dĩ nhiên là đình chiến, hòa bình lập lại trên toàn Đông Dương chứ không chỉ Việt Nam.

Dù rằng hôm nay, khi nhìn lại lịch sử từ Điện Biên Phủ - Genève - 20 năm kháng chiến chống Mỹ tiếp sau đó, có nhiều người không khỏi bật ra ý nghĩ rằng nếu như khi đó chúng ta tiếp tục giải quyết rốt ráo cuộc chiến tranh bằng giải pháp quân sự thì có thể hòa bình - thống nhất đã không phải chờ suốt 20 năm chiến tranh khốc liệt sau đó.

Nhưng lịch sử đã không diễn ra như thế. Khát vọng hòa bình của toàn thế giới lúc bấy giờ tập trung vào Genève, và Việt Nam cũng vậy.

Bước ra khỏi những chiến hào Điện Biên, Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến bàn nghị sự với những kỳ vọng rất lớn.

Chúng ta đã đạt được không chỉ hòa bình mà còn cả sự công nhận quốc tế - của các cường quốc như Mỹ, Anh, Pháp - với độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Đây là tính pháp lý, là chính nghĩa cho suốt cuộc đấu tranh chính trị - vũ trang để lập lại hòa bình và thống nhất đất nước sau này.

PGS.TS Trần Nam Tiến

PGS.TS Trần Nam Tiến

- PGS.TS Trần Nam Tiến: Tôi thì cho rằng lịch sử đã diễn ra đúng như nó phải thế. Hiệp định Genève đã cho Việt Nam một khoảng nghỉ cần thiết để lấy lại sức sau cuộc kháng chiến, miền Bắc có hòa bình để xây dựng lại, tái tạo lại, trở thành hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh lâu dài - chiến tranh ác liệt sau này.

Về mặt ngoại giao, quan hệ quốc tế thì thành quả còn lớn hơn nữa: đây là lần đầu Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa tham gia vào một hội nghị quốc tế đa phương với các cường quốc Anh - Pháp - Mỹ - Liên Xô - Trung Quốc.

Trước đó, chúng ta chỉ mới một lần ký hiệp định sơ bộ song phương với Pháp năm 1946. Và lần này, với chiến thắng Điện Biên Phủ làm vốn liếng, Việt Nam Dân chủ cộng hòa trở thành một bên rất được tôn trọng, tiếng nói được lắng nghe.

Dù rằng sau đó, kết quả hiệp định có nhiều điểm không tương xứng với vị thế thực sự của người chiến thắng, nhưng trải nghiệm đã cho chúng ta những kinh nghiệm và bài học thấm thía để thực sự trưởng thành sau này, trên bàn Hội nghị Paris và con đường hội nhập đến hôm nay.

Tin chiến thắng Điện Biên Phủ được truyền đến Genève, đoàn VNDCCH tham gia hội nghị trên tư thế chiến thắng - Ảnh tư liệu TTXVN

Tin chiến thắng Điện Biên Phủ được truyền đến Genève, đoàn VNDCCH tham gia hội nghị trên tư thế chiến thắng - Ảnh tư liệu TTXVN

* Vâng, tất cả người Việt Nam đến hôm nay vẫn đau xót khi nhắc về vĩ tuyến 17, có nhận định cho rằng đó là kết quả của "bàn cờ quyền lực giữa các cường quốc". Có nhiều hệ lụy nhưng với Việt Nam không phải là không có ý nghĩa...

- PGS.TS Hà Minh Hồng: Đã có rất nhiều cuộc bàn thảo song phương, vận động con thoi, đàm phán, mặc cả bên lề hội nghị giữa các cường quốc cho sự lựa chọn giới tuyến này, mỗi bên đều tính toán trước hết đến lợi ích của họ.

Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã buộc phải chấp nhận điều kiện không có lợi cho mình, không chỉ là vì nội lực của chúng ta lúc đó còn yếu, mà lý do chính là khát vọng hòa bình và thống nhất mãnh liệt của cả dân tộc.

Chúng ta đều tin tưởng Hiệp định Genève sẽ được nghiêm túc thi hành: đình chiến - lập lại hòa bình, vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời để chuyển quân tập kết, tổng tuyển cử toàn quốc sẽ được tiến hành vào tháng 7-1956...

Những diễn biến sau đó là ngoài dự định của Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên bàn hội nghị, nhưng chúng ta vẫn đã sử dụng được những giá trị của Hiệp định Genève cho cuộc đấu tranh của mình, mục tiêu hòa bình - thống nhất của mình.

- PGS.TS Trần Nam Tiến: Tôi xin bổ sung một điểm mà tôi cho là quan trọng: không chỉ phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa không hài lòng với việc phân chia giới tuyến, mà cả đoàn quốc gia Việt Nam tham gia một cách không chính thức cũng kịch liệt phản đối.

Điều đó cho thấy ý chí thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của từng người Việt Nam là rất mãnh liệt, nó sẽ được chứng minh trong những năm sau này, quan hệ biện chứng với những diễn biến lịch sử tiếp theo: chính quyền Việt Nam cộng hòa từ chối thực hiện tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève - cuộc đấu tranh chính trị đòi thi hành hiệp định và sau đó là đấu tranh vũ trang để thống nhất đất nước nổi lên ở toàn cõi miền Nam cho đến 30-4-1975...

* Kinh nghiệm ngoại giao buổi ban đầu quả là rất sâu sắc, và bài học đã được học tốt ở Hiệp định Paris?

- PGS.TS Trần Nam Tiến: Rất tốt. Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ngồi vào bàn đàm phán của Hội nghị Paris suốt 5 năm một cách độc lập, tự chủ, không nhờ đến sự có mặt của các nước Liên Xô, Trung Quốc.

Liên minh Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam phối hợp nhịp nhàng tuy hai mà một, đấu tranh với phía Mỹ và Việt Nam cộng hòa nảy sinh mâu thuẫn tuy một mà hai.

Genève đưa đến kết quả đình chiến, thời hạn rút quân của Pháp và tập kết hai bên trong 300 ngày - quá dài dẫn đến cuộc vận động di cư, sự tham gia của Mỹ vào miền Nam. Kinh nghiệm này đã được rút ra. Tại Hiệp định Paris, thời hạn rút quân Mỹ được quy định là 60 ngày, không còn cơ hội để tác động tiêu cực đến cách mạng miền Nam.

(còn tiếp)

Nội dung chính của Hiệp định Genève ký ngày 20-7-1954

■ Thỏa thuận chung cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia:

● Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước.

● Đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương.

● Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước. Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia.

● Không có căn cứ nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài.

● Tổng tuyển cử ở mỗi nước.

● Không trả thù những người hợp tác với đối phương.

● Trao trả tù binh và người bị giam giữ.

● Thành lập ủy ban liên hợp, ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế.

■ Đối với riêng Việt Nam:

● Ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ, đổi vùng, vấn đề mồ mả quân nhân hai bên tham chiến.

● Lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải); không coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; cấm tăng viện nhân viên quân sự, quân đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam; cấm xây dựng căn cứ quân sự mới; cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào; cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ cho bất kỳ chính sách quân sự nào.

● Hiệp thương hai miền vào tháng 7-1955, tổng tuyển cử vào tháng 7-1956; tự do chọn vùng sinh sống; trong khi chờ đợi không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.

● Ủy ban kiểm soát liên hợp, Ủy ban giám sát quốc tế trung lập tổ chức thi hành hiệp định.

Hiệp định Genève: Khẳng định khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bìnhHiệp định Genève: Khẳng định khát vọng của Việt Nam về một nền hòa bình

TTO - Sáng 18-7, tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (20-7-1954 – 20-7-2014).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên