![]() |
Ngôi làng "chết" của người Mông Cổ ở Tong Gu Nao, Gobi |
Ảo ảnh!
Đi trong sa mạc mới hơn ba giờ đồng hồ mà tôi có cảm tưởng dài như cả một ngày. Suốt chặng đường dài chẳng hề thấy một bóng người, một bóng cây, cho dù ẩn hiện từ phía đường chân trời. Dưới ánh nắng mặt trời, cả sa mạc như vàng cháy.
Thỉnh thoảng Tiểu Trương lại cho đoàn lữ hành dừng lại, anh ngó tới, ngó lui, tần ngần một hồi rồi mới thúc lạc đà đi tiếp. Tiểu Trương nói: “Để xem bóng nắng ấy mà, phải biết mình đang đi theo hướng nào chứ!”. Trời đất! Tiểu Trương không hề có bất cứ một thứ gì để định vị, tìm phương hướng giữa sa mạc mênh mông, cho dù đó là một cái la bàn be bé!
Quá hào hứng với chuyến đi, tôi đã phó thác cả mạng sống mình vào tay một người xa lạ! Lấy lại bình tĩnh, tôi gợi ý với Tiểu Trương: “Hay chúng ta theo dấu chân lạc đà để quay về lấy la bàn cho chắc ăn?”. Chuyện hệ trọng vậy mà Tiểu Trương nghe xong cười lớn: “Làm sao mà về! Chỉ cần chúng ta đi qua là gió cát đã lấp ngay dấu chân lạc đà rồi, không thể quay về được!”.
Dù đã chuẩn bị mỗi người 2 lít nước cho chuyến đi nhưng không ngờ cái nóng đã làm lượng nước bị tiêu thụ quá nhanh. Chiếc bình toong chẳng còn giọt nước nào. Tôi lo lắng nhưng cố bình tĩnh để nhớ lại một số kiến thức về cách tồn tại giữa sa mạc mà tôi đã từng đọc qua: “Những nơi có thể có nước là nơi có cỏ hay lau sậy mọc, chỗ có đất ẩm ướt... Nếu thấy cây chà là thì sẽ có nước ở độ sâu khoảng 1m dưới đất. Gặp cây cỏ mặn thì chắc chắn sẽ có nước trong khoảng 2m...”. Nhưng than ôi, nhìn quanh chỉ thấy toàn cát và cát…
Trời bắt đầu sụp tối, ánh nắng tắt dần, tôi nhìn đồng hồ đeo tay: 8g! Cũng may là ở vùng sa mạc này hoàng hôn đến rất trễ, nếu không chúng tôi gay go từ lâu rồi. Theo kế hoạch ban đầu, sau bảy giờ vượt sa mạc đoàn lữ hành đã đến được thảo nguyên Thông Hồ - một ốc đảo đầu tiên giữa sa mạc để trú đêm. Nhưng nhìn quanh cát vẫn mênh mông tít tắp. Có lẽ do chúng tôi liên tục dừng chân nghỉ ngơi quá lâu chăng, hay tại gió ngược nên tốc độ đi chậm lại?... Trong đầu tôi cứ đưa ra thật nhiều lý do để cố trấn an về một tình huống xấu nhất. Anh Kim Sơn - người bạn đồng hành gan góc của tôi - cũng căng thẳng ra mặt và im lặng suốt.
Trời đã tối hẳn. Bốn bề mù mịt, gió vẫn chưa ngừng thổi, đàn lạc đà vẫn kiên nhẫn cất từng bước chân giữa sa mạc, đoàn lữ hành rã rời, kiệt sức lầm lũi bước trong đêm... Đầu tôi cứ nghĩ vẩn vơ... Bỗng nghe tiếng Tiểu Trương la lên: “Đến rồi!”. Dõi theo hướng đèn pin, tôi thấy một đốm lửa nhỏ leo lét ở tít đằng xa. Chưa kịp mừng thì tôi lại lo lắng: “Liệu có phải là hiện tượng ảo ảnh thường thấy trên sa mạc không?”.
Những câu chuyện về hiện tượng ảo ảnh trong sa mạc cứ thế ùa về, khi đã kiệt sức những người lạc lối trong sa mạc thường hay thấy trước mắt họ là những hồ nước mát lạnh, những ngôi làng sung túc, những rừng cây ăn trái ngọt ngào, họ cố chạy, cố lết đến nhưng cái “ốc đảo” kia ngày càng lùi xa hoặc biến mất, cát vẫn hoàn cát mênh mông, người ta đã chết dần chết mòn giữa hi vọng và tuyệt vọng, một cái chết thật kinh khủng!... Tôi quay sang anh Sơn thì thấy anh cung reo lên: “Đúng rồi! Có đốm lửa, có ngôi nhà nữa kìa”. Đốm lửa không rời xa và ngày một rõ dần, lớn dần. Đúng rồi, một ngôi nhà từ từ hiện ra trước mắt...
... Đặt lưng xuống chiếc giường rơm, đồng hồ đã chỉ quá nửa đêm. Tôi bây giờ chỉ còn lại một tấm thân rã rời, một đôi chân như tê dại mất cảm giác, khổ sở nhất là cái “bàn tọa” cứ đụng nhẹ là đau vì phải “nảy tưng tưng” giữa hai bướu của con lạc đà suốt cả một ngày. Tối đó tôi phải nằm sấp mới ngủ được!
Ngôi làng “chết”
![]() |
Những túp lều của người Mông Cổ trong sa mạc Gobi |
Tong Gu Nao là ngôi làng nhỏ, chỉ vài trăm người Mông Cổ sinh sống. Khi chúng tôi đến, cả làng vắng hoe, chỉ có vài con lừa, con dê đang thong thả gặm cỏ, thấy người lạ đến chúng be be toáng cả lên. Một cụ bà người Mông Cổ đội nón trắng theo truyền thống đạo Hồi đang cho dê ăn, ngẩng đầu lên nhìn chúng tôi lạ lẫm.
Người hướng dẫn đốt tẩu thuốc rồi trịnh trọng đưa mời. Cụ bà hút vài hơi và trả chiếc tẩu lại người mời, hai người nhìn nhau cười nói ra chiều thân thiện lắm. Người dẫn đường giải thích: “Đó là cách thức làm quen của người Mông Cổ. Họ đặc biệt coi trọng cách mời thuốc. Hai người cùng hút chung một tẩu thuốc là biểu thị chúc phúc lẫn nhau. Đừng dại dâng tẩu thuốc đã tắt lửa, đó là có ý chửi mắng họ, có thể dẫn đến đổ máu”.
Cụ bà Mông Cổ cho biết người trong làng đã đi cả tháng rồi. Trong làng chỉ còn người già thôi. Mỗi khi mùa hè đến, dân du mục thường dẫn theo hàng đàn lạc đà, dê, ngựa đi thật xa tìm nguồn nước, tìm những thảm cỏ xanh mới làm thức ăn cho chúng. Họ cứ đi, đi mãi đến khi mùa đông mới quay trở về. Mà thật ra còn có lý do khác khiến làng Tong Gu Nao vắng tanh đến rợn người này.
Rất nhiều người ra đi để kiếm sống và không quay về nữa. Họ đi vì làng nghèo quá. Ngoài vài cái nhà gạch cũ kỹ, hầu hết đều là nhà làm bằng đất nện và bằng... phân lạc đà! Một cô gái đang thả gàu xuống cái giếng gần cạn múc nước, cô buồn bã nói: “Trước đây làng cũng đông vui lắm, nhưng nước càng ngày càng thiếu, đồng cỏ đã biến mất nhiều, xung quanh bây giờ toàn cát là cát. Vùng này sắp biến thành sa mạc rồi. Sớm muộn gì chúng tôi cũng phải ra đi”.
Chúng tôi vào thăm nhà bà Amalan, một người cao tuổi của Tong Gu Nao, khi đang trò chuyện thì có khách đến. Đó là ông hàng xóm tên Mãn Ba Hợp, ông sang trả con ngựa cho bà Amalan mà ông mượn để đi công việc. Thấy có khách phương xa đến, ông cụ Mông Cổ đã 86 tuổi này rất vui, cố nài nỉ chúng tôi sang chơi nhà ông. Nhìn cảnh người đàn ông Mông Cổ đến con ngựa cũng không có, người khô đét, lụm cụm lê từng bước nặng nề trên con đường làng mấp mô tôi thấy xót xa.
Đâu rồi hình ảnh mạnh mẽ của những chiến binh Mông Cổ oai hùng; đâu rồi một thời vó ngựa Mông Cổ dẫm nát cả châu Âu và hoàng đế Thành Cát Tư Hãn đã từng tuyên bố về lãnh thổ bao la của mình: “Từ trung tâm phi ngựa về phía đông hoặc phía tây suốt một năm cũng chưa tới được biên giới”...
Nhà ông Mãn Ba Hợp một phần làm bằng gạch, một phần bằng phân lạc đà trộn rơm. Cửa vào chỉ là một tấm bạt dày phủ xuống, tấm bạt này không chỉ giữ nhiệt trong mùa đông mà còn cản những trận gió cát phần phật suốt ngày đêm. Tuy nghèo lắm nhưng ông cố mời chúng tôi ở lại ăn chiều. Trên bàn có một đĩa thịt dê khô và một đĩa bánh bột gạo được cắt lát.
“Món mái mù đấy, cái này chiên lên dùng chung với hồng trà”. Rồi ông đi vào nhà, một hồi mang ra một bình lớn mời chúng tôi: “Uống thử rượu sữa ngựa đi. Nó tượng trưng cho sự thuần khiết, may mắn và hạnh phúc. Chỉ khi có khách quí người Mông Cổ mới đem rượu sữa ngựa ra mời thôi”. Rượu sữa ngựa hơi đặc, màu vàng đục, mùi hơi nồng nhưng có “hậu” tuyệt vời.
Vợ ông Hợp đi tới đi lui lăng xăng tiếp khách. Hai vợ chồng đã gần 90 tuổi, sống lủi thủi nhờ vào đàn dê. Khi tôi hỏi thăm về gia cảnh, về hình ảnh những đàn ngựa kiêu hùng và những túp lều rộng mênh mông giữa thảo nguyên như thường thấy trong phim ảnh giới thiệu về người Mông Cổ, bà Hợp lắc đầu buồn bã:
“Tôi có hai đứa con, nhưng từ rất lâu rồi chúng nó đều bỏ lên thành phố kiếm sống rồi ở trên đó luôn, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Chúng bây giờ đâu còn là người Mông Cổ nữa, tôi không trách chúng, có được công việc ở thành phố là cả một tương lai. Cuộc sống du mục từ thuở xa xưa nơi đây đang đến hồi kết thúc, có cái nhà đất để ở là may mắn lắm rồi, tiền đâu mà sắm nhà lều, nhà bạt...”.
Những dự định đầy háo hức của chúng tôi về cái cảnh được sống, được ăn, được cùng phi ngựa với người Mông Cổ trên thảo nguyên bao la giờ đã tan biến. Người Mông Cổ ở sa mạc Gobi bây giờ đang dần kiệt quệ, làn sóng thị trường đã len lỏi vào tận ruột gan của sa mạc. Trên đường về, cách Tong Gu Nao không xa lắm, tôi bắt gặp hàng đàn gia súc đang nhởn nhơ gặm cỏ trên cánh đồng cỏ xanh mướt. “Của người Hán đấy, người Mông Cổ làm gì có vốn liếng mà tạo dựng đàn gia súc lớn như vậy!” - người dẫn đường nói với chúng tôi.
----------
* Kỳ sau: Lời nguyền của vị tiên đế
----------------------
Tin, bài liên quan:
- Kỳ 1: Đường đến “thế giới cát”…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận