Anh Lê Minh Kha, một Việt kiều có mặt trong sân Australia xem trận đấu, cho biết bầu không khí trong sân vô cùng cuồng nhiệt. Và cả sân muốn vỡ tung khi tuyển Úc gỡ hòa 1-1. Người Úc cổ vũ hết mình cho Matildas suốt trận, tiếc là lực bất tòng tâm.
Họ rất đau với pha bỏ lỡ mười mươi của thủ quân Sam Kerr. Càng đau hơn khi Matildas dính đòn hồi mã thương với bàn thắng thứ ba của tuyển Anh.
Hàng chục nghìn người hâm mộ Úc không có vé vào sân vẫn xem được trận đấu qua màn hình lớn trong bầu không khí cộng đồng. Các màn hình phát sóng trực tiếp ở công viên Cathy Freeman bên ngoài sân Australia. Hai sân vận động Western Sydney ở Parramatta và sân Sydney ở công viên Moore được mở cửa làm tụ điểm trực tiếp trận đấu qua màn hình lớn.
Đông đảo nhất là tại FIFA Fan Fest ở khu Darling Harbour - nơi đã đón hơn 200.000 người đến trong suốt giải đấu. Nhiều người gốc Việt như chị Rosabi Nguyễn ở vùng Glenfield phía tây Sydney cho biết: "Chúng tôi rủ gia đình, bạn bè đi đến những CLB thể thao để xem trận bán kết, ăn uống và cổ vũ khản cả tiếng".
Nhà hát "con sò" (Opera Sydney) từ chiều qua (16-8) phủ lên hai màu vàng - xanh lá cây tuyệt đẹp để cổ vũ cho tuyển nữ Úc đá bán kết với tuyển Anh. Rất nhiều trường học ở Úc, cô giáo bảo các học trò mặc quần áo hai màu vàng - xanh lá để ủng hộ cho tuyển nữ Úc.
Tiếc là "khoảnh khắc ngàn năm có một" như lời của ông Chris Minns - thủ hiến bang New South Wales - đã khiến trái tim người Úc như vỡ tan khi tuyển Úc thua 1-3 trên sân nhà. Nhiều CĐV chết lặng hoặc bật khóc. Đám đông CĐV từ các tụ điểm, CLB, quán bar... ra về buồn hiu trong đêm lạnh.
Dù sao, người Úc có thể ủi an khi đồng tổ chức kỳ giải World Cup nữ thành công nhất lịch sử, với hơn 1,75 triệu vé đã bán ra cho 64 trận đấu của giải đấu. Dù Matildas không lọt vào chung kết nhưng các nữ tuyển thủ Úc đã khiến cả nước lên cơn sốt - một điều đặc biệt ở quốc gia vốn thích bóng bầu dục này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận