30/11/2015 08:08 GMT+7

​Đề xuất tuần tra rừng bằng ngựa

TRUNG TÂN - TIẾN THÀNH
TRUNG TÂN - TIẾN THÀNH

TT - Ông Đỗ Quang Tùng - giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn (Buôn Đôn, Đắk Lắk) - đã mua hai con ngựa để chuẩn bị cho công tác tuần tra trong rừng.

Tập cưỡi ngựa tuần tra rừng tại trang trại ngựa ở huyện M'Đrắk (Đắk Lắk) - Ảnh: Nguyễn Bá Trung

Theo ông Tùng, rất nhiều vụ phá rừng khi lực lượng kiểm lâm tiếp cận hiện trường chỉ thu được tang vật, còn người vi phạm đã chạy trốn.

Việc dùng ngựa để tuần tra sẽ đảm bảo tiếp cận hiện trường nhanh chóng ở mọi địa hình, đỡ tốn sức kiểm lâm và đảm bảo bí mật công tác.

Hiện đề xuất này chưa được Tổng cục Lâm nghiệp thông qua vì “chưa có kinh phí” nên ông Tùng đã bỏ tiền túi ra mua hai con ngựa, giá 40 triệu đồng/con.

“Hai con ngựa này tôi đã gửi xuống thảo nguyên M’Đrắk (huyện M’Đrắk, Đắk Lắk) và cử hai cán bộ kiểm lâm xuống đó tập luyện cưỡi ngựa để sau này đưa về vườn thí điểm tuần tra” - ông Tùng thông tin.

Ông Tùng cho biết thêm Vườn quốc gia Yok Đôn có địa hình khá bằng phẳng và có trữ lượng gỗ lớn nên là “miếng mồi ngon” cho lâm tặc, đầu nậu.

Theo thống kê, có tới 90% vụ phá rừng ở Buôn Đôn và 30% trên toàn tỉnh Đắk Lắk xảy ra trong các lâm phần của Vườn quốc gia Yok Đôn.

Ngoài ra mỗi ngày có 5.000 con trâu, bò được chăn thả và hơn 1.000 người dân ra vào rừng để khai thác lâm sản phụ, phá rừng nên việc tuần tra, kiểm soát hết sức khó khăn, vất vả.

“Chúng tôi gần như không thể ngăn chặn việc người dân ra vào “rừng cấm” như đi chợ vì có 50.000 dân (phần lớn là các hộ nghèo) sống trong các vùng đệm của vườn.

Ngoài ra còn có một số băng nhóm, đầu nậu cũng đến kích động, dụ dỗ người dân vào rừng đốn gỗ, săn bắn thú rừng.

Nhiều vụ chúng tôi nghe thông tin có phá rừng ở tiểu khu này, tiểu khu kia nhưng khi đi bộ đến nơi thì chỉ còn lại cây gỗ vừa bị đốn hạ, người và phương tiện đã tẩu thoát. Kiểm lâm lại đưa gỗ tang vật về” - ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, diện tích vườn quá lớn mà biên chế kiểm lâm lại quá ít, không đủ mỗi cán bộ kiểm lâm quản lý 500ha theo quy định.

Hơn nữa mỗi cán bộ kiểm lâm phải tuần tra nhiều tiểu khu một lúc nên được di chuyển bằng ngựa sẽ đỡ tốn công sức.

Khi cán bộ kiểm lâm ngồi trên ngựa sẽ có độ cao để quan sát xung quanh và dễ phát hiện các vụ vi phạm để nhanh chóng tiếp cận, vây bắt đối tượng.

Ủng hộ phương án này

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ về đề xuất này, ông Cao Chí Công - phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - cho rằng về chủ trương, lãnh đạo ngành lâm nghiệp ủng hộ phương án dùng ngựa tuần tra rừng.

Trước nay kiểm lâm đi tuần thường phải đi bộ, băng rừng rất vất vả, mất thời gian, khó đi hết được từng khu vực. Còn di chuyển bằng phương tiện cơ giới phải đi trên đường tuần tra, dễ bị các “hoa tiêu” của lâm tặc phát hiện.

“Tuy nhiên, Vườn quốc gia Yok Đôn cần tính toán giữa đầu tư và hiệu quả. Nếu đảm bảo việc tuần tra bằng ngựa hiệu quả hơn các phương thức khác thì cần phải có đề xuất cụ thể để cấp có thẩm quyền phê duyệt” - ông Công nói.

 

TRUNG TÂN - TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên