Các tuyến cao tốc hình thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại tới các cửa khẩu ở Tây Ninh - Ảnh: ĐỨC TRONG
Đây là trục giao thông chính chạy dọc từ Bắc xuống Nam của tỉnh Tây Ninh kết nối với cao tốc TP.HCM - Mộc Bài hiện đang được TP.HCM và Tây Ninh phối hợp thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2025.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát dài khoảng 65km, có quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030.
Khi hình thành, trục giao thông sẽ kết nối 2 cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Tân Nam; 2 cửa khẩu chính Chàng Riệc, Kà Tum; nhiều cửa khẩu phụ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam các nước tiểu vùng sông Mekong.
Đặc biệt, đoạn đầu của cao tốc từ Gò Dầu kết nối vào cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đến TP Tây Ninh sẽ kết nối trực tiếp đến trung tâm tỉnh và khu du lịch quốc gia núi Bà Đen.
Do dự án đi qua 2 địa phương nên theo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), các địa phương phải báo cáo Thủ tướng quyết định giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, đối với các dự án được quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng chấp thuận cho đầu tư sớm hơn.
Tỉnh Tây Ninh đánh giá việc đầu tư sớm cao tốc Gò Dầu - Xa Mát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và tỉnh Tây Ninh nói riêng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
Đồng thời góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường cao tốc và khai thác hiệu quả cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sau khi đầu tư.
Do vậy, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Thủ tướng giao tỉnh được làm cơ quan có thẩm quyền triển khai xây dựng cao tốc Gò Dầu - Xa Mát giai đoạn 2021-2030. Địa phương cũng cho biết hiện dự án đã có nhà đầu tư quan tâm, đề xuất nghiên cứu.
Hiện tỉnh cũng đang xây dựng đề án khai thác quỹ đất để tạo nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có hỗ trợ vốn giải phóng mặt bằng cho cao tốc Gò Dầu - Xa Mát.
Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 50km giai đoạn 1 với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 15.900 tỉ đồng thực hiện theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Tuyến đường này hình thành sẽ phá thế độc đạo quốc lộ 22, vốn đang quá tải.
Mới đây, TP.HCM đã kiến nghị trung ương hỗ trợ 5.901 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng triển khai dự án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận