09/05/2020 13:31 GMT+7

Đề xuất luôn bật đèn xe máy khi chạy trên đường liệu có hợp lý?

LÊ PHAN ghi
LÊ PHAN ghi

TTO - Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi. Theo đó, dự luật bổ sung nhiều quy định mới, đặc biệt là đề xuất xe máy phải bật đèn khi ra đường.

Đề xuất luôn bật đèn xe máy khi chạy trên đường liệu có hợp lý? - Ảnh 1.

Theo đề xuất mới trong dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi, xe máy phải luôn bật đèn khi ra đường - Ảnh: LÊ PHAN

Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không phù hợp với điều kiện thời tiết tại Việt Nam. Ở nước ngoài, đặc biệt là một số quốc gia châu Âu, sương mù thường xuyên xuất hiện nên việc quy định bật đèn xe thường xuyên là hợp lý. Tuy nhiên tại Việt Nam, thời tiết nắng nóng gay gắt nên áp dụng quy định này là không thể.

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến quanh vấn đề này.

Một chuyên gia thuộc lĩnh vực giao thông tại TP.HCM

Theo tôi biết đây chỉ là dự thảo được Bộ Giao thông vận tải đưa ra thảo luận, nhưng để áp dụng vào thực tế cần phải nghiên cứu kỹ hơn. 

Ở TP.HCM nếu muốn áp dụng quy định trên thì cần phải họp bàn lấy ý kiến các chuyên gia về an toàn giao thông, chuyên gia môi trường, quang học về ảnh hưởng trong thực tế.

Tiến sĩ Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường

Đối với đèn chiếu sáng cũ trước đây, khi chiếu sáng sản sinh ra nhiệt lớn thì có thể gây ảnh hưởng tới môi trường nếu nhiều đèn cùng bật một lúc. Tuy nhiên hiện nay các phương tiện đã được thay thế bằng đèn Led, hiệu quả chiếu sáng tốt, ít tốn nhiên liệu và không sản sinh nhiệt nhiều do đó yếu tố môi trường không đáng kể.

Đề xuất bắt buộc bật đèn khi tham gia giao thông nhìn sơ qua có thể thấy không hợp lý nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy đây là vấn đề nên áp dụng. 

Việc bật đèn sẽ tạo phản xạ cho người tham gia giao thông nhận biết có tín hiệu đèn phía trước, lâu dài sẽ thành phản xạ có điều kiện, khi thấy có ánh đèn người tham gia giao thông sẽ chủ động giảm tốc độ, cho xe tránh… điều này sẽ giúp giảm tai nạn giao thông đáng kể.

Ngoài ra, tương lai gần khi luật được áp dụng, các hãng sản xuất xe sẽ tích hợp các công nghệ mới lên các phương tiện của họ. Ví dụ ở một khoảng cách nhất định khi cảm nhận được có ánh sáng phía trước bộ phận cảm ứng của phương tiện điều chỉnh bằng hành động tắt máy, báo động… để người điều khiển biết.

Anh Trương Thế Phong, ngụ quận 7, TP.HCM

Tôi cho rằng việc bật đèn chiếu sáng khi ra đường vào ban ngày là không hợp lý.

Về kỹ thuật, ban ngày việc bật đèn xe cộng với ánh sáng mặt trời có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ các bộ phận của xe như chóa đèn, bình ăcquy, bóng đèn. Ngoài ra, sử dụng đèn vào ban ngày có thể gây nóng xe dẫn tới cháy nổ.

Vào ban ngày, nếu sử dụng bóng đèn vàng thì hầu như không có tác dụng, nếu là bóng trắng thì cũng chỉ hiển thị một điểm sáng nhỏ vì ánh sáng mặt trời có cường độ lớn hơn.

Khoản 3 điều 27 dự luật giao thông quy định: Trong suốt cả ngày, xe môtô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Như vậy, người lái xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn được trang bị theo thiết kế của xe.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng các quy định trên được tham khảo từ công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968).

Trong đó, quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người lái dễ dàng nhận diện các xe đang chạy.

Hà Nội chìm trong ô nhiễm không khí, ban ngày nhưng xe phải bật đèn Hà Nội chìm trong ô nhiễm không khí, ban ngày nhưng xe phải bật đèn

TTO - Ngày 21-2, từ sáng đến chiều muộn Hà Nội mù mịt trong sương, ô nhiễm không khí khiến các phương tiện giao thông đi lại phải bật đèn. Các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại chìm trong sương mù…

LÊ PHAN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên