Hội thảo do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Tổ chức Di dân quốc tế, đại diện TP.HCM và các tỉnh thành ĐBSCL tổ chức.
Phóng to |
Các cô gái tham gia buổi chọn vợ của người nước ngoài tại Q.Tân Phú, TP.HCM - Ảnh: G.Minh |
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết bộ tiếp thu các ý kiến để hoàn chỉnh đề án phòng chống mại dâm, buôn bán người giai đoạn 2011-2015 trình Chính phủ trong thời gian tới. Ông Đàm cũng thông tin bộ đã trình Thủ tướng đề án phát triển nghề công tác xã hội. Theo ông Đàm, biện pháp ngăn chặn các tệ nạn trên ở khu dân cư là hữu hiệu nhất, do vậy phải quy trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo địa phương nếu để tệ nạn xảy ra trên địa bàn. |
Theo bà Lê Thị Hà - phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, năm 2009 tình hình mại dâm, buôn bán người trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.
Ước tính có khoảng 29.300 người bán dâm trên cả nước (TP.HCM chiếm 17%, các tỉnh ĐBSCL gần 17%), theo chiều hướng gia tăng dịch vụ mại dâm trá hình với nhiều phương thức, thủ đoạn mới. Bà Hà cũng thông tin năm 2009 cả nước tiếp nhận 465 nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài trở về. Những nạn nhân này bị dụ dỗ, lừa gạt ra nước ngoài để bán vào các ổ mại dâm.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch, chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM, nói tại TP.HCM nhiều khách sạn hạng sao (4-5 sao) tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí khép kín đang là nơi tập kết “gái mại dâm cao cấp” phục vụ nhu cầu của người nước ngoài và người VN giàu có.
Trong đó một số gái mại dâm là ca sĩ, người mẫu bán dâm với giá hàng trăm đến nghìn USD.
Quy hoạch các dịch vụ “nhạy cảm”
Ông Lê Văn Quý - phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM - đề xuất quy hoạch các dịch vụ nhạy cảm như karaoke, xông hơi xoa bóp... vào một nơi để quản lý, những cơ sở không vào khu quy hoạch thì xử lý triệt để. “Hiện nay đánh chỗ này lại lòi ra chỗ khác, vừa không có tính khả thi vừa không hiệu quả” - ông Quý nói.
Cũng theo ông Quý, Chính phủ cần có cơ chế đặc thù để phát triển các tỉnh ĐBSCL nhằm giữ chân người lao động, hạn chế luồng di cư về TP.HCM dễ bị sa vào con đường mại dâm và có nguy cơ bị buôn bán. TP.HCM cũng kiến nghị cho phép chi cục phòng chống tệ nạn xã hội các địa phương phối hợp thông tin và xử lý các đối tượng mại dâm tái phạm sau khi giáo dục không về địa phương.
Bà Huỳnh Thanh Thảo, phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP Cần Thơ, cho rằng cần hỗ trợ toàn bộ chi phí giáo dục đối tượng mại dâm. “Hiện chỉ hỗ trợ đến tháng thứ 9, những tháng còn lại do gia đình chịu nhưng nhiều đối tượng không khai gia đình hoặc gia đình khó khăn không đóng phí bị trả về và trở lại bán dâm” - bà Thảo bức xúc.
Ông Quý cũng cho rằng cần bãi bỏ quy định đưa đối tượng vi phạm lần đầu ra kiểm điểm tại khu phố, ảnh hưởng đến danh dự của đối tượng và gia đình. Do quy định này mà khi được hồi gia, nhiều đối tượng mặc cảm không trở về địa phương nên thời gian qua không thể quản lý được.
Mức phạt chưa đủ sức răn đe
Về giải pháp phòng chống buôn bán người, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Long Phạm Văn Thông nói phải tăng mức hỗ trợ và các chính sách hỗ trợ khác (cho vay vốn ưu đãi, dạy nghề...) cho đối tượng bị buôn bán trở về. Mức hỗ trợ hiện nay (1,3 triệu đồng) không đảm bảo cho nạn nhân hòa nhập, có cuộc sống ổn định.
Bà Thảo đề xuất bỏ quy định nạn nhân trở về phải có xác nhận của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh mới được hỗ trợ vì nhiều đối tượng bỏ trốn về bằng các con đường khác nhau.
Các đại biểu cũng thống nhất cần có một quy chế phối hợp giữa “nơi đi” (ĐBSCL) và “nơi đến” (TP.HCM) để giải quyết tệ nạn mại dâm, nạn nhân bị buôn bán như thông tin, quản lý, hỗ trợ giải quyết việc làm...; thành lập các trung tâm tư vấn hỗ trợ tại cộng đồng; nâng pháp lệnh phòng chống mại dâm lên thành luật, sớm ra đời Luật phòng chống buôn bán người...
Đồng thời nâng mức phạt và xử lý hình sự đối tượng tổ chức môi giới “chọn vợ” cho người nước ngoài, vì mức phạt hiện nay tối đa 3 triệu đồng không đủ sức răn đe.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận