26/06/2019 19:00 GMT+7

Đề xuất giảm tốc độ một số xe lớn xuống 50 km/h

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Ban soạn thảo dự thảo thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ đề xuất phương án giảm tốc độ tối đa của xe khách trên 30 chỗ, xe tải nặng trong khu vực đông dân cư.

Đề xuất giảm tốc độ một số xe lớn xuống 50 km/h - Ảnh 1.

Theo dự thảo thông tư, xe đầu kéo chở container chỉ được chạy tốc độ tối đa 100 km/h trên đường cao tốc có tốc độ chạy xe tối đa 120 km/h - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo dự thảo thông tư thay thế thông tư 91/2015/TT-BGTVT đã được Bộ Giao thông vận tải lấy ý kiến góp ý, tốc độ tối đa của xe khách trên 30 chỗ, xe buýt, xe khách giường nằm 2 tầng, xe tải có trọng tải trên 10 tấn, xe đầu kéo, ôtô kéo rơmoóc, ôtô chuyên dùng trên đường đôi (có dải phân cách giữa), đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên... trong khu vực đông dân cư sẽ giảm từ 60 km/h như hiện nay xuống 50 km/h.

Theo ban soạn thảo, việc quy định trong khu vực đông dân cư, các xe được chạy cùng một tốc độ tối đa cho phép trong thời gian qua dẫn đến tình trạng một số xe vận tải lớn được đi với tốc độ như các loại xe con, xe tải có trọng tải dưới 3,5 tấn. Vì vậy dễ gây tai nạn giao thông trên các tuyến đi qua các đô thị có lưu lượng phương tiện lớn, tổ chức giao thông phức tạp.

Về mặt kinh tế, việc giảm tốc độ loại xe lớn có làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp nhưng tăng cường an toàn giao thông, giảm nguy cơ tổn thất chi phí lớn đối với hậu quả khi có tai nạn giao thông.

Được biết, trong quá trình lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị giảm cả tốc độ xe tải trên 3,5 tấn trên đường đôi, đường một chiều có 2 làn xe cơ giới trở lên từ 60 km/h xuống 50 km/h.

Tuy nhiên, Vụ Môi trường của Bộ Giao thông vận tải không đồng tình việc hạ tốc độ, nhất là đối với ôtô chở người trên 30 chỗ. Còn Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam và Sở Giao thông vận tải Kon Tum kiến nghị đối với khoảng thời gian thấp điểm ban đêm không hạ tốc độ tối đa, chỉ hạ tốc độ tối đa vào ban ngày. Sở Giao thông vận tải Hưng Yên lại đề nghị giữ nguyên quy định tốc độ như hiện nay.

Trong khi đó, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị nên quy định tốc độ các xe đi trong đô thị nên đồng tốc, cân nhắc nâng quy định giảm tốc độ của xe tải từ 15 tấn thay cho xe 10 tấn.    

Qua ý kiến các bên, ban soạn thảo đưa vào dự thảo loại xe tải trên 15 tấn đi với tốc độ tối đa từ 60 km/h xuống 50 km/h trên đường đôi, đường một chiều có 2 làn xe trong khu vực đông dân cư như các xe khách trên 30 chỗ, xe buýt, xe khách giường nằm 2 tầng, xe đầu kéo kéo sơmi rơmoóc, ôtô kéo rơmoóc, ôtô chuyên dùng.

Với đường cao tốc, hiện tại những xe kéo rơmoóc, sơmi rơmoóc hoặc kéo xe khác, xe khách trên 30 chỗ, xe khách giường nằm 2 tầng, xe xì téc và xe trộn, bơm vữa bêtông chỉ được chạy cùng tốc độ tối đa như các loại xe khác (các tuyến đường cao tốc hiện nay khai thác với tốc độ tối đa 100-120 km/h tùy theo từng tuyến).

Tuy nhiên, dự thảo thông tư đề xuất các loại xe trên chỉ được chạy với tốc độ tối đa không quá 100 km/h trên đường cao tốc.  

Lý do giảm tốc độ tối đa với nhóm xe trên khi chạy trên đường cao tốc là do các loại xe này đi với tốc độ như các loại xe con, xe tải có trọng tải dưới 3,5 tấn trên đường cao tốc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, hậu quả các vụ tai nạn giao thông của các phương tiện này để lại rất nặng nề.

Hơn nữa kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc cho phép các phương tiện vận tải lớn lưu thông trên 100 km/h là rất ít.

Liên quan đến việc đặt biển báo khu vực đông dân cư, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng quy định hiện nay chỉ lắp đặt duy nhất 1 biển bên phải chiều đi để báo hiệu "bắt đầu khu đông dân cư" và "hết khu đông dân cư". Do đó khi có vật cản che chắn (như xe tải đậu trước biển báo, cây xanh)... vô tình tạo ra "bẫy" cho tài xế.

Vì vậy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất cần quy định đối với hai loại biển trên phải bắt buộc lắp đặt trên trụ tay vươn hoặc giá long môn ngang đường để đảm bảo tầm nhìn cho lái xe.

Đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm cách phân biệt bằng vạch kẻ đường, ví dụ: màu vạch kẻ đường khác nhau giữa khu vực "bắt đầu khu đông dân cư" và "hết khu đông dân cư", vạch đơn và vạch đôi (đối với vạch tim đường và vạch phân làn đường) giữa khu vực "bắt đầu khu đông dân cư" và "hết khu đông dân cư".

Đề xuất giảm tốc độ tối đa trong đô thị xuống 50km/h Đề xuất giảm tốc độ tối đa trong đô thị xuống 50 km/h

TTO - Theo quy định hiện hành, ôtô, môtô được chạy tốc độ tối đa là 60 km/h trong khu vực đông dân với đường đôi (có dải phân cách giữa); đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên