Tuy nhiên, cha mẹ của các cháu mắc bệnh suyễn lại cũng có không ít e ngại. Nhiều người đã từng lo lắng khi phải đưa trẻ đi cấp cứu vì trẻ lên cơn suyễn do vui đùa quá sức.
Đây là mối lo ngại rất đúng vì gắng sức chính là nguyên nhân rất phổ biến làm khởi phát cơn suyễn. Khoảng 70-90% bệnh nhân suyễn mắc phải tình trạng này và đặc biệt 10-14 % trẻ bình thường có thể bị lên cơn suyễn khi gắng sức dù trước đó hoàn toàn khỏe mạnh.
Vậy thì, làm cách nào để trẻ bị suyễn có thể vui chơi, chạy nhảy, tập luyện thể dục-thể thao mà không bị lên cơn?
Sau đây là một số lời khuyên mà các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể làm được
- Cần cho trẻ tái khám đều đặn để đảm bảo là bệnh suyễn của trẻ được kiểm soát tốt. Cho trẻ dùng thuốc phòng ngừa suyễn đầy đủ khi được chỉ định để kiểm soát tốt bệnh suyễn (khi này trẻ sẽ ít bị lên cơn khi gắng sức hơn).
- Cần nhờ thầy thuốc hướng dẫn cách phòng ngừa suyễn do gắng sức.
- Cần nhờ thầy thuốc hướng dẫn cách xử trí khi trẻ lên cơn suyễn, đặc biệt là dùng bình hít định liều (MDI), buồng đệm đúng cách.
- Luôn có sẵn thuốc cắt cơn bên trẻ (Salbutamol xịt).
Các biện pháp phòng ngừa suyễn do gắng sức
1. Tránh cho trẻ gắng sức khi đang có triệu chứng suyễn: ho, khò khè, nặng ngực, khó thở.
2. Phòng ngừa bằng thuốc:
- Nếu chưa dùng thuốc phòng ngừa suyễn hoặc phòng ngừa bằng corticoid hít:
+ Hít thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh (Salbutamol) dưới dạng bình hít định liều (MDI) 15-20 phút trước khi gắng sức: 2 nhát (4-6 nhát nếu dùng với buồng đệm). Có thể lặp lại sau 3 giờ nếu còn tiếp tục gắng sức.
+ Uống Montelukast: 3 giờ trước khi gắng sức.
- Nếu đang phòng ngừa bằng montelukast uống hay với thuốc hít có phối hợp corticoid hít và thuốc dãn phế quản tác dụng kéo dài: tiếp tục dùng thuốc phòng ngừa này và có thể không dùng thêm thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh.
3. Làm nóng đúng mức: khởi đầu bằng đi bộ và các động tác nhẹ nhàng, sau đó chạy nhanh từng đoạn ngắn khoảng 30 giây, rồi nghỉ 60 giây. Có thể lặp lại 2-3 lần. Thời gian khởi động trung bình từ 5-10 phút. Cường độ gắng sức cần bắt đầu từ cường độ thấp và tăng dần lên từ từ.
4. Chọn lựa môn thể thao phù hợp: thường là các môn chơi tập thể, không cần gắng sức liên tục kéo dài.
5. Tránh các yếu tố bất lợi từ môi trường: bụi bặm, cỏ khô, phấn hoa…
6. Làm nguội đúng mức: tránh ngưng gắng sức đột ngột, nên làm nguội trong ít nhất 10 phút.
Ngoài ra còn lưu ý cho trẻ uống đủ nước, thỉnh thoảng nghỉ ngơi. Đặc biệt, nếu bắt đầu có triệu chứng cơn suyễn, cần cho trẻ nghỉ ngơi nơi thoáng khí, dùng ngay thuốc cắt cơn và tránh để trẻ một mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận