08/07/2011 06:23 GMT+7

Để tránh những sự cố ngoài ý muốn

THANH HÀ
THANH HÀ

TT - Từ những sự cố và trường hợp bị xử lý kỷ luật trong đợt 1, thí sinh có thể tự rút kinh nghiệm, tránh những sơ suất, chủ quan không đáng có...

ERhe33xe.jpgPhóng to
Phụ huynh lo lắng chờ đợi thí sinh thi môn toán tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong đợt 1 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trong đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2011 đã xảy ra nhiều sự cố liên quan đến việc giám thị ký nhầm vị trí và nhầm mã đề thi.

Kiểm tra giấy thi

Để xảy ra những sự cố kể trên, trách nhiệm trước hết thuộc về cán bộ coi thi. Ban chỉ đạo tuyển sinh và hội đồng thi phải có biện pháp xử lý để bảo vệ quyền lợi của thí sinh. Nhưng dù thế nào việc làm bài thi của thí sinh cũng đã bị ảnh hưởng. Đây là một bài học kinh nghiệm quan trọng đối với các thí sinh trong phòng thi để tránh hoặc phát hiện sớm các sai sót này.

Nên đến sớm

Buổi thi nào cũng có thí sinh đến muộn. Trong đó, đợt 1 đã có những thí sinh đến muộn quá thời gian tính giờ theo quy định nên không được vào dự thi. Ngược lại, có những trường hợp quá lo lắng chuyện tắc đường, kẹt xe, đến muộn nên lại vội vàng quên giấy tờ, đồ dùng cần thiết.

Tư vấn của ông Đoàn Văn Vệ là “thí sinh và thân nhân cần tính toán, có thời gian dự trữ cho các sự cố kẹt xe, tắc đường, mưa ngập, hỏng xe... để đến sớm còn hơn đến muộn”.

Theo ông Đoàn Văn Vệ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, thí sinh thường có tâm lý tranh thủ thời gian, bắt tay vào làm bài ngay nên không kiểm tra giấy thi đã có chữ ký của cán bộ coi thi hay chưa, ký có đúng vị trí không. Do vội làm bài ngay bản thân nhiều thí sinh điền thông tin, số báo danh trên phần phách của giấy thi cũng bị sai sót...

Vì vậy ông Vệ lưu ý thí sinh sau khi nhận giấy thi từ cán bộ coi thi - nhất là từ tờ giấy thi thứ hai - phải kiểm tra có chữ ký của cán bộ coi thi ở đúng vị trí quy định mới bắt tay vào làm bài.

Còn bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, lưu ý khi phát đề thi, thí sinh có 15 phút để chuẩn bị trước khi tính giờ làm bài. Thí sinh nên sử dụng khoảng thời gian này để kiểm tra ngay giấy thi, đề thi.

Đối với đề thi trắc nghiệm, thí sinh cần kiểm tra kỹ tất cả các trang để đảm bảo là cùng một mã đề, phát hiện kịp thời nếu có sai sót mã đề, phát hiện câu chữ bị mờ, in lệch dòng hay thiếu câu... để đề nghị đổi đề thi khác.

Đối với đề thi các môn tự luận cũng phải kiểm tra một lượt để chắc chắn đề thi không bị lỗi trong quá trình in sao, không nhìn rõ chữ... trước khi bắt tay vào làm bài. Không nên vì tiết kiệm 5-10 phút mà có thể mất nhiều thời gian hơn để sửa sai...

“Cự tuyệt” với điện thoại di động

Để ngoài tai những quy định trong quy chế tuyển sinh, nhắc nhở của cán bộ coi thi và kinh nghiệm xương máu của thí sinh những năm trước, ở đợt 1 chủ yếu trong số 80 thí sinh bị đình chỉ thi là do mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong đó, có những trường hợp vi phạm quy chế một cách... lãng xẹt.

Tại Trường ĐH Thương mại, khi đã tính giờ làm bài môn toán được 20 phút, sau khi bị giám thị nghi ngờ, một nam thí sinh “tự nguyện” nộp chiếc điện thoại di động đã tắt. Theo đúng quy định, thí sinh này vẫn bị lập biên bản và đình chỉ thi.

Cán bộ coi thi Trường ĐH Đại Nam cũng phát hiện một thí sinh khả nghi. Khi kiểm tra thì thấy chiếc điện thoại di động Nokia E71 được kẹp giữa hai chân của nữ sinh này suốt gần một giờ rưỡi. Công an kiểm tra và thấy điện thoại chưa được sử dụng trong suốt thời gian thi nhưng thí sinh này vẫn bị lập biên bản và đình chỉ thi.

Các hội đồng thi cho biết đều đã tập huấn kỹ giám thị các kinh nghiệm phát hiện thí sinh mang điện thoại di động và chủ trương xử lý rất nghiêm nếu phát hiện vì đã nhắc nhở rất nhiều lần trước khi bóc đề, thí sinh nào còn để điện thoại trong người chứng tỏ là những trường hợp cố tình vi phạm...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên