08/06/2021 10:33 GMT+7

Đề thi văn nên mở đến mức nào?

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Nhiều năm nay, đề thi môn văn ở các kỳ thi mở ra các vấn đề thời sự, gần gũi cuộc sống cho thí sinh bàn luận. Có những đề thi được đánh giá cao nhưng cũng có đề nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và nhà chuyên môn.

Đề thi văn nên mở đến mức nào? - Ảnh 1.

Thí sinh sau giờ thi môn văn vào lớp 10 tại tỉnh Tây Ninh sáng 7-6. Phần nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn về tính thật thà - Ảnh: TUẤN ANH

Vậy một đề thi văn cần lưu ý những gì để vừa gần gũi cuộc sống, thời sự, khơi gợi cảm hứng sáng tạo và mang tính giáo dục cho học sinh?

Xác định độ tuổi học sinh để ra đề

Thầy Võ Kim Bảo - giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) - đưa ra quan điểm khi xây dựng đề thi văn: "Phạm vi xác định đề văn mở tới mức độ nào, trước tiên độ mở của đề cần phải xác định lứa tuổi, nhận thức của học sinh mà ra đề. Tôi cũng nhận thấy thời gian gần đây dư luận phản ảnh vì đề văn lấy "trend" (xu hướng - PV), phong trào, trào lưu để gây sức hút, để báo chí đăng tải. Tôi biết có giáo viên cố tình ra đề mở để báo chí đăng tin. Đây là hình thức không hay vì không phải học sinh nào cũng nắm bắt "trend", có học sinh không tham gia mạng xã hội. Cho nên vấn đề ở đây là dựa vào nhận thức, hiểu biết của học sinh, phát triển năng lực viết cho các em là tốt nhất".

Đồng tình quan điểm này, thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Trần Phú (TP Đà Nẵng) - đánh giá một đề văn nghị luận về những vấn đề xã hội luôn có xu hướng mở để bắt kịp sự phát triển của thời đại. Tuy nhiên, theo thầy Hòa, để đưa một vấn đề vào đề thi cho học sinh thì cần cân nhắc để đảm bảo một số nguyên tắc trong dạy học. 

"Đó là tính khoa học, tính vừa sức, đảm bảo cảm xúc mang tính tích cực của dạy học... Như vậy, ngoài những đòi hỏi mang tính khoa học, người ra đề cần hướng tới đối tượng dạy học với những đặc điểm về nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi... để hướng các em đến xu hướng phát triển những cảm xúc tích cực, khống chế những cảm xúc tiêu cực" - ông Hòa nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng theo ông Hòa, đề thi cần hướng tới những vấn đề chung được nhiều người quan tâm, hạn chế những vấn đề mang tính cục bộ, riêng lẻ, cá biệt; thể hiện sự khách quan cần có trong khoa học, không mang dấu ấn chủ quan của người ra đề. 

Bên cạnh đó, những từ ngữ, câu lệnh được sử dụng trong đề thi cũng cần đảm bảo tính chính xác, tường minh. Thực tế một số đề thi gần đây nảy sinh tình huống gây xôn xao dư luận phần lớn xuất phát từ sự chủ quan của người ra đề...

Cẩn trọng ngữ liệu

Cô Trần Thị Thu Hiền - giáo viên văn Trường THPT Ernst Thalmann (Q.1, TP.HCM) - cho rằng luôn đặt sự cẩn trọng đầu tiên ở ngữ liệu trong đề.

Cô Hiền chia sẻ: "Đề cần ngữ liệu thì người ra đề cần lấy từ những tờ báo chính thống, hay lấy những câu danh ngôn mà ai cũng quan tâm và mang ý nghĩa tích cực. Đề mở phải mang tính thời sự nhưng phải xoay quanh những vấn đề không chỉ phù hợp với học sinh mà tác động lên tất cả mọi người: sống đẹp, ước mơ hoài bão, sống dấn thân, đừng phí hoài tuổi trẻ... 

Khoanh vùng những phạm trù chủ đề như thế để an toàn, không nhất thiết phải chạy theo xu hướng vì ngôn từ không cẩn trọng sẽ dẫn đến lùm xùm không đáng có... Chú ý ngữ liệu vì thực hiện yêu cầu trong đề để học sinh hoàn thiện mình chứ không phải để tạo ra dư luận".

Nhiều năm kinh nghiệm trong việc ra đề thi cho học sinh thi văn, thi chuyên văn, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh - tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên) - đồng tình rằng những đề nghị luận xã hội là đề mở và thường rất hay vì hướng tới những điều trong xã hội, vấn đề dân sinh nhức nhối, gần gũi, thiết thực đối với không chỉ người học văn mà tất cả mọi người. 

"Đề thi văn không khuôn mẫu, trình bày chính kiến, có tranh luận, phản biện... sẽ có hiệu ứng với giáo viên, học sinh và tất cả mọi người" - ông Minh đánh giá.

GS Nguyễn Đức Dân: Đề thi "Nếu em phải ở trong nước sôi" không sai

Ngày 7-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Đức Dân cho rằng đề thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) có câu "Nếu em phải ở trong nước sôi" không sai, có điều không hay.

Theo GS Dân, những câu bắt đầu bằng từ nếu, dù, thà, giá... là những câu giả định. Chúng còn được gọi là loại câu phi thực. Người ta giả định về những điều không có thực nhưng lại là mong muốn, ước mơ của con người. Loại câu giả định khiến trí tưởng tượng con người bay bổng, vượt qua hiện thực phũ phàng đến những miền mơ ước tốt đẹp. Không có trí tưởng tượng sẽ không còn văn học. Nhiều tục ngữ, thành ngữ, ngạn ngữ, danh ngôn của Việt Nam và thế giới nên được hiểu theo nghĩa biểu trưng chứ không theo nghĩa đen trần trụi...

Trước đó, câu hỏi trong phần nghị luận xã hội của đề văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022 vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Khánh Hòa) đã gây nhiều tranh cãi, thậm chí được cho là phản giáo dục. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đề văn nói trên hay và tạo điều kiện cho học sinh tranh biện.

Đề thi văn với trích đoạn Đề thi văn với trích đoạn 'Thư gửi em bé có mẹ nhiễm COVID-19' khiến nhiều thí sinh xúc động

TTO - Trích đoạn 'Thư gửi em bé có mẹ nhiễm COVID-19' trong đề môn ngữ văn thi tuyển sinh lớp 10 tại Đồng Nai khiến nhiều thí sinh xúc động mạnh.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên