Cầu Bình Triệu bắc qua sông, phía xa là bán đảo Thanh Đa được sông Sài Gòn bao quanh - Ảnh: GIA TIẾN
Theo ý kiến của cá nhân tôi, để quy hoạch phát triển sông Sài Gòn, chúng ta có nhiều ý tưởng, nhiều kế hoạch từ nhỏ đến lớn, từ cái vi mô cho đến vĩ mô.
Tôi chỉ đóng góp ý tưởng ở mức vi mô, nhỏ nhỏ thôi, không "đao to búa lớn". Vì để làm được cái lớn, nhất định những việc nhỏ phải làm tốt trước đã.
Để sông Sài Gòn làm trọng tâm - mặt tiền
Ý tôi là, để tôn tạo một cái gì đó, chúng ta nên đặt nó làm trọng tâm. Để phát triển sông Sài Gòn, hãy để các công trình xây dựng ven sông bắt buộc phải có mặt tiền hướng ra sông. Khi mặt tiền là sông Sài Gòn, tức các chủ đầu tư sẽ chú trọng, tôn tạo và bảo vệ môi trường mặt tiền này.
Không nên để những kiểu nhà "quay lưng" với sông Sài Gòn mọc lên thêm nữa. Như vậy tình trạng nhếch nhách, ô nhiễm, rác thải, nước bẩn vẫn cứ âm thầm, và một kiểu, một cách nào đó đổ ra sông, vì nó là "mặt hậu" mà.
Vậy nên, muốn cho đẹp, hãy để sông Sài Gòn trở thành mặt tiền. Người dân hoặc chủ đầu tư các công trình ven sông Sài Gòn sẽ tự khắc biến đổi, thay đổi, cải tạo trồng cây, giữ sạch sẽ, giữ cảnh quan mỹ quan của mặt tiền này sạch, đẹp, không ô nhiễm.
Hiện tôi biết đường giao thông sông Sài Gòn chỉ mới có buýt sông, vài chiếc canô. Nó không nhiều, không phổ biến. Hãy chú trọng thêm về buýt đường sông cũng phổ biến như buýt trên cạn thì mới mong người dân có nhu cầu đi lại nhiều.
Tạo lịch trình tham quan cụ thể đường sông
Chẳng gì phát triển nhanh và hay bằng du lịch. Chỉ có du lịch, có khách, có thu nhập thì người dân hoặc các chủ đầu tư mới hào hứng. Nên có một lịch trình tham quan bằng đường sông Sài Gòn, cụ thể:
Nhất định phải tính toán có chỗ để khách gửi xe thuận tiện. Có chỗ gửi xe thuận tiện thì họ cũng sẽ muốn khám phá đường sông Sài Gòn thường xuyên. Chứ muốn đi buýt sông tham quan mà tìm chỗ tập trung gửi xe cũng khó thì ai đi.
Các điểm dừng chân tham quan hãy thiết kế như một tour trên cạn, có lịch trình rõ ràng. Ví dụ, đi tới điểm đó là khách sẽ được tham quan ăn sáng, uống cà phê; điểm nào đó sẽ là nơi dừng chân ăn trưa, điểm nào đó sẽ là xem múa rối nước vào buổi chiều, điểm nào đó là để tham quan mua sắm các đồ thủ công mỹ nghệ (giống như một chợ Bến Thành thu nhỏ), rồi một điểm cho vài chiếc tàu thuyền như chợ nổi Cái Răng (đoạn này giống như đoạn Trần Xuân Soạn, bến Bình Đông ở quận 4, dễ mà).
Nhiều năm trước, tôi nhớ có người nói rằng khách du lịch đến Sài Gòn vào ban đêm không biết tiêu tiền chỗ nào ngoài khu phố Tây Bùi Viện. Vậy thì sao ta không tận dụng khúc sông Sài Gòn để làm du lịch, làm chỗ cho khách quốc tế đến tiêu tiền?
Các tàu ăn tối trên du thuyền hiện ở Sài Gòn còn ít. Lịch trình thì 6h đón khách, 7h tàu xuất phát, 8h tàu về. Khách tập trung lên tàu ăn uống và nhiều lúc rất đơn điệu. Có tàu ồn như cái chợ làm sao để khách tham quan tận hưởng đúng cái gọi là "thưởng thức bữa tối trên tàu và ngắm sông Sài Gòn".
Phát triển các tàu du lịch buổi tối như vầy cũng là một phần để phát triển sông Sài Gòn, tận dụng nguồn thu mà sông Sài Gòn có thể đem lại cho thành phố.
Sau một vòng tham quan bằng đường sông Sài Gòn thì khách quay lại điểm xuất phát. Làm sao để khách còn luyến tiếc, còn muốn nếu có cơ hội, có thời gian sẽ đi thêm lần nữa, lần nữa.
Cứ tạo ra nhiều điều thú vị hai bên sông Sài Gòn thì chắc chắn sẽ thu hút khách, thu hút người dân. Một khi kinh tế phát triển, đầu tư sinh lời thì nhà đầu tư nào chẳng muốn làm.
Mà sông Sài Gòn muốn phát triển nhất định phải tận dụng triệt để lượng du khách đến đây, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Tạo một không gian sông Sài Gòn khác biệt
Cuối cùng, để quy hoạch phát triển sông Sài Gòn thì cách hay nhất là tạo cho nó một nét khác biệt. Hãy tạo cho cuộc sống khu vực sông Sài Gòn nên thơ, thơ mộng, lãng mạn, yên bình hoàn toàn khác biệt với một thành phố tấp nập, tất bật với cuộc sống mưu sinh. Như vậy mới mong tạo dấu ấn riêng có.
Ngày xưa, trước nhà tôi có một đoạn mương bị lấp, bùn đất dơ, rác rưới, không ai quan tâm, không ai để ý. Mẹ tôi thấy vậy mới hốt rác, cuốc cỏ, bồi đất và trồng rau muống. Dần dần, mẹ tôi cải tạo và khúc mương bỏ hoang rác rưới kia được mẹ tôi tận dụng tạo nên nguồn lợi ích.
Các bà hàng xóm thấy vậy, mỗi người tự động cải tạo một khúc để tranh thủ trồng rau. Ý tôi nói ở đây là, một khi có lợi, chắc chắn người ta sẽ chăm chút vào nó, bảo vệ nó và phát triển nó. Chẳng gì bằng sức dân.
Đồ hoạ: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận