15/04/2022 13:39 GMT+7

Tầm nhìn phát triển sông Sài Gòn cần gắn liền với tầm nhìn phát triển chung thành phố

BÙI MẠNH THÀNH
BÙI MẠNH THÀNH

TTO - Xét một cách thực tế, tầm nhìn phát triển sông Sài Gòn cần phải gắn liền với tầm nhìn phát triển chung của TP.HCM và quá trình phát triển sông Sài Gòn cần làm từng bước, quy hoạch đến đâu làm hoàn chỉnh đến đó, dựa trên những ý chính sau:

Tầm nhìn phát triển sông Sài Gòn cần gắn liền với tầm nhìn phát triển chung thành phố - Ảnh 1.

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua Củ Chi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thế kỷ 21 được coi là thế kỷ của châu Á, TP.HCM cần nhìn ra xu thế, đề ra chiến lược, tầm nhìn, đổi mới, trở thành một thành phố toàn cầu trong tương lai gần.

Để làm được điều đó, vấn đề quy hoạch phát triển chung của thành phố trở thành vấn đề bức thiết. Trong đó trọng tâm là khai thác những lợi thế có sẵn khi có sông Sài Gòn chảy qua.

Quy hoạch phát triển

Nền tảng quy hoạch phát triển chung của sông Sài Gòn cần thực hiện dựa trên hai khía cạnh. Tức là phát triển sông Sài Gòn trong không gian thành phố và không gian vùng TP.HCM (tức là sông Sài Gòn là xương sống trong việc liên kết phát triển giữa các tỉnh thành Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TP.HCM)

Về khía cạnh phát triển sông Sài Gòn trong không gian TP.HCM cần lấy trọng tâm là sự liên kết giữa các đô thị đã và đang được quy hoạch phát triển. Đó là sự liên kết giữa bốn bán đảo Vạn Phúc (khu đô thị Vạn Phúc), bán đảo Thanh Đa, bán đảo Thủ Thiêm và Mũi Đèn Đỏ (quận 7).

Không chỉ vậy, sông Sài Gòn cần là trung tâm trong việc liên kết các khu đô thị, thành phố vệ tinh mới của thành phố trong tương lai. Cụ thể, xét về tầm nhìn, Củ Chi và Hóc Môn là hai huyện còn quỹ đất rất rộng và cách thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát chỉ là sông Sài Gòn. Đây sẽ là đô thị vệ tinh lớn của TP.HCM trong tương lai gần, là trung tâm giao thương của cả vùng Đông Nam Bộ.

Hiện tại cơ sở hạ tầng đường sá ở khu vực chưa được đầu tư mạnh. Do đó, sông Sài Gòn cần là trọng tâm ưu tiên phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng để nối với các quận trung tâm và thành phố Thủ Đức.

Về không gian phát triển chung của cả vùng đô thị TP.HCM cũng tương tự, sông Sài Gòn cần là trọng tâm ưu tiên đầu tư, tạo sự liên kết phát triển chung của cả khu vực, đặc biệt về các khía cạnh giao thông, du lịch sinh thái.

Quy hoạch tuyến đường hai bên ven bờ sông

Như trên phân tích, sông Sài Gòn cần là trung tâm liên kết giữa các khu đô thị của TP.HCM, liên kết các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên nguồn ngân sách của thành phố có hạn, yếu tố lịch sử quy hoạch còn tồn đọng, không thể thực hiện phát triển hai đường đại lộ dọc hai bên bờ sông Sài Gòn.

Do đó, cần nhìn nhận thực tế trong bối cảnh nguồn lực có hạn, TP.HCM cần thực hiện phát triển một đường cao tốc ở một bên bờ sông, cụ thể là đường nối từ quận Bình Thạnh lên TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn và Củ Chi.

Đây là con đường có vai trò liên kết giữa trung tâm thành phố với khu đô thị vệ tinh phía Bắc. Mục đích chính là kết nối từ khu vực trung tâm ra khu đô thị vệ tinh, dịch chuyển dân số, giảm tải cho trung tâm, mở rộng không gian phát triển chung thành phố.

Không chỉ vậy, ngoài con đường cao tốc ven bờ sông, thành phố cần chú ý phát triển một đường "cao tốc" ở sông Sài Gòn. Đường cao tốc trên sông có vai trò quan trọng về vận chuyển hàng hóa và hành khách, con đường du lịch, kết nối trung tâm thành phố và các khu du lịch lịch sử, văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng ở Củ Chi, Bình Phước...

Để tạo sự liên kết vùng, các quận huyện, đường cao tốc trên đất liền và cao tốc trên sông cần có sự liên kết với nhau ở các trạm trung chuyển, thuận lợi cho người dân ở thành phố vệ tinh ở Củ Chi, Hóc Môn, bên Thủ Dầu Một, Bến Cát có thể di chuyển đến trung tâm thành phố và ngược lại.

Cải tạo nguồn nước sông Sài Gòn

Đây là vấn đề cấp thiết, trong quy hoạch phát triển chung của sông Sài Gòn, khía cạnh phát triển du lịch sinh thái sẽ là trọng tâm trong chiến lược phát triển sông Sài Gòn trong tương lai. Tầm nhìn là phát triển du lịch sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm và du lịch trên sông tới các di tích lịch sử ở huyện Củ Chi.

Do đó, cải tạo nguồn nước, khơi thông dòng chảy, xây dựng cảnh quan không gian, các vườn hoa, công viên dọc hai sông Sài Gòn trở thành vấn đề cấp thiết.

Tựu trung lại, một bản quy hoạch, một dự án phát triển sông Sài Gòn muốn phát huy hiệu quả cần phải đặt trong kế hoạch tổng thể phát triển thành phố, vùng đô thị TP.HCM.

Quy hoạch về các đô thị vệ tinh dọc sông Sài Gòn, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải kết nối các khu vực, kiến trúc, không gian thành phố với tầm nhìn là một thành phố xanh với trung tâm là dòng sông Sài Gòn.

Chỉ như vậy, trong vài chục năm sau, bộ mặt thành phố sẽ có sự khởi sắc.

Tầm nhìn phát triển sông Sài Gòn cần gắn liền với tầm nhìn phát triển chung thành phố - Ảnh 2.

Đồ hoạ: NGỌC THÀNH

Để dòng sông trở thành di sản ngàn năm Để dòng sông trở thành di sản ngàn năm

TTO - Ngàn năm là một ước lệ thời gian, sông Sài Gòn phải là di sản ngàn đời của con cháu, là biểu tượng về sự sống, hồi sinh và phát triển của một thành phố bậc nhất phương Nam và cả nước nói chung.

BÙI MẠNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên