![]() |
Công nhân khám bệnh tại phòng khám đa khoa Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Hóc Môn) - Ảnh: NG.NAM |
Bữa ăn đủ chất hợp với túi tiềnĐủ chất cho bữa ăn công nhânNgán ngẩm cơm công nhânKiệt sức với bữa ăn 5.000 đồngBữa ăn của công nhân teo tóp do đâu?
Các bác sĩ cho rằng phần lớn công nhân là người ở quê lên phố tìm việc, ban đầu ai cũng khỏe mạnh nhưng sau một thời gian “cày” trong công xưởng và sống trọ kham khổ thì sức khỏe héo mòn.
Nhịn ăn sáng đi làm
Đã hơn 10g đêm, tại khu chợ vỉa hè quanh các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM như Linh Trung 1 (Q.Thủ Đức), Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân), Tân Thuận (Q.7) cảnh mua bán vẫn diễn ra nhộn nhịp. Sau giờ làm ca hai, nhiều công nhân mua vội ít đồ về nhà trọ nấu ăn đêm hoặc nấu cho bữa sáng.
Mua hai con cá ướp muối và bịch rau sống tổng cộng 15.000 đồng, Nguyễn Thị Thủy (công nhân làm gỗ trong Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết: “Thu nhập hằng tháng tổng cộng chỉ khoảng 2 triệu đồng, phải chi cho bao nhiêu thứ nên chừng này cho ba đứa ăn là được rồi”.
Anh Thanh Tùng (công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1) cho hay: “Một phòng bốn đứa con trai ở với nhau đến cuối tuần mới chung tiền nấu ăn cho vui, chứ bình thường thì ăn cơm bụi”. Nhiều công nhân khác đang sống độc thân như anh Tùng cũng ăn uống hằng ngày như vậy: sáng ăn gì cũng được với giá 3.000-5.000 đồng, ngoài bữa ăn giữa ca trong công ty thì tan ca về ăn cơm bụi với giá 7.000-10.000 đồng. Đó là chưa kể nhiều người còn nhịn ăn sáng vào làm với cái bụng rỗng. Theo khảo sát của chúng tôi, tổng số tiền chi cho ăn uống mỗi tháng của một công nhân ở mức 450.000-600.000 đồng.
Lương thấp, giá cả tăng, ngán bữa cơm trong công ty nên đi chợ mua thức ăn luôn được các bạn công nhân dè sẻn đến mức tối đa. Tất cả những điều đó khiến bữa ăn hằng ngày của công nhân trở nên “khó nuốt”. “Khổ lắm”, có bạn chỉ than một tiếng khi nghe hỏi.
Anh Nguyễn Hữu Phước (công nhân làm ở huyện Nhà Bè) tâm sự: “Lúc mới đi làm thì còn khỏe, chứ làm vài năm rồi sức khỏe giảm sút lắm. Thu nhập hiện nay của tôi là 2,3 triệu đồng/tháng, phải cố gắng mới đủ chi tiêu”. Làm việc cật lực hằng ngày, thường xuyên phải thức đêm tăng ca nên dần dần anh Phước sinh đủ thứ bệnh. “Thời gian gần đây tôi có cảm giác chán ăn, đi khám bác sĩ bảo tôi bị suy nhược cơ thể và đau bao tử. Tôi đang gắng đi học thêm để chuyển nghề, chứ sống thế này vất vả quá” - anh nói.
Rút ngắn tuổi nghề
Bác sĩ Nguyễn Đức Lư, trưởng phòng khám đa khoa Khu chế xuất Tân Thuận, cho biết: “Những nữ công nhân 35-40 tuổi ở đây thường đủ bệnh trong người. Thu nhập hiện nay khó đảm bảo cho công nhân ăn uống đa dạng, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để tái tạo sức lao động. Lâu dài sẽ khiến công nhân suy nhược cơ thể, dễ bị tai nạn trong lao động cũng như khó chuyển nghề khác do không đáp ứng được yêu cầu sức khỏe”.
Theo khảo sát của chúng tôi tại các bệnh viện có đông công nhân đến khám, gần các khu chế xuất - khu công nghiệp như Bệnh viện đa khoa Q.Thủ Đức, Q.Bình Tân, phòng khám đa khoa Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7), Khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Hóc Môn) thì bệnh mà công nhân mắc phổ biến liên quan đến thói quen ăn uống thiếu chất dinh dưỡng là suy nhược cơ thể, thiếu máu dinh dưỡng, đau dạ dày, đau khớp...
Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Lộc, phó ban công nhân lao động Thành đoàn TP.HCM, nhìn nhận: “Các bệnh suy dinh dưỡng, thiếu chất mà công nhân mắc phổ biến hiện nay sẽ làm chất lượng sống của họ kém đi. Họ không có đủ sức và sự hào hứng để tham gia các hoạt động khác ngoài xã hội, giảm năng suất lao động. Tuy chưa có điều tra cụ thể về vấn đề công nhân ăn kém chất lượng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, rút ngắn tuổi nghề của họ như thế nào nhưng chắn chắn điều này là có”.
Sức khỏe càng lúc càng tệ Bác sĩ Nguyễn Văn Mười - giám đốc Bệnh viện đa khoa Q.Bình Tân, đơn vị mỗi năm khám sức khỏe cho hàng chục ngàn công nhân làm việc ở Q.Bình Tân - cho hay: “Công nhân đến khám sức khỏe để xin việc thì loại 1- 2 chỉ chiếm phần nhỏ. Đa số xếp loại 3 và 4. Nếu như sức khỏe ở mức loại 5 thì không đủ điều kiện để đi làm, còn giữa ranh giới loại 4 và 5 thì chúng tôi thông cảm xếp loại 4, chứ không thì họ không thể tìm được việc làm, như vậy càng khốn khó hơn với họ. Nhiều công nhân lúc đến khám để đi làm thì sức khỏe tốt, nhưng sau một thời gian đến khám lại sức khỏe kém hẳn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận