Phóng to |
Bữa trưa của hai công nhân Công ty PK là gói mì sống phải ăn lén các nhân viên bảo vệ tại xưởng- Ảnh: NGỌC NGA |
Khay cơm, muỗng, đĩa và những vật dụng đựng đồ ăn đều được quẳng vào một chậu hóa chất màu vàng, cáu bẩn to đùng, sau đó vớt ra cho qua chậu đựng nước lạnh rồi vớt lên. Một số khay sau khi được rửa sơ sài như vậy còn dính đầy cơm, rau... được giũ mạnh xuống bàn, lau qua loa bằng bất kỳ cái khăn nào người ta có trong tay rồi cho thức ăn vào.
Đó là một trong những hình ảnh mà chúng tôi chứng kiến thường xuyên trong những ngày đi làm nhân viên nhà bếp tại Công ty may P, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát, Bình Dương.
“Cơm công nhân sao làm kỹ được”
Đó là câu nói thật lòng của một chị nhân viên nhà bếp khi thấy chúng tôi dùng dao gọt phần bị sâu của một quả bầu. Chị bảo: “Mặc kệ nó đi, chỉ cần gọt hết vỏ là được, công nhân đông như vậy ai mà làm cho kỹ được”. Mấy người đang cắt rau cũng quay lại chỉ bảo “lính mới”: “Nấu ăn ở đây phải làm sao cho nhanh chứ không cần phải làm kỹ làm gì...”.
Cứ thế những quả bầu, bó rau đầy sâu bọ, dơ bẩn được cắt, gọt hết sức qua loa để nhanh chóng chuyển giao bộ phận nấu cho kịp giờ.
Món “chấm mút” chống đói Những khi đói quá không có gì ăn, nhiều nữ công nhân thường ăn những bao muối nhỏ lấy trong các gói mì ăn liền cho đỡ nhạt miệng. “Bọn tôi gọi đó là món “chấm mút”, tức là lấy ngón tay chấm và mút. Ngon lắm nhưng mỗi tội phải canh bảo vệ và quản lý vì bị cấm do sợ ảnh hưởng đến công việc” - M. giải thích về món chống đói của các nữ công nhân. |
Cảnh nướng thịt ngay sau sân nhà ăn cũng thật “đơn giản”. Thịt được ướp sẵn gia vị đựng trong những thùng sắt chuyển từ nơi khác đến. Một chiếc bàn ăn được khiêng ra dùng để sắp thịt ra vỉ. Cứ sau mỗi lần thịt chín, nhân viên nướng thịt lại cầm cái vỉ kẹp phía trên quẳng xuống sân gạch cáu bẩn rồi trút hết thịt chín vào chậu. Sau đó lại vô tư nhặt lên kẹp vào tấm vỉ đầy thịt, nướng tiếp.
Người được phân công xúc than dùng đôi găng tay đen sì, dính đầy bụi than nhưng thỉnh thoảng vô tư dùng đôi găng này phụ sắp thịt ra vỉ.
Những chậu thịt sau khi nướng xong được chuyển vào cho hai phụ nữ cắt những phần bị cháy sém. Hai người này đang ngồi nhổ tóc sâu cho nhau, nhanh chóng bốc tay vào chậu thịt làm việc mà không cần rửa tay hoặc đeo găng. Những miếng thịt nướng sau đó được đưa lên bàn để chia phần cho mỗi suất ăn.
Khẩu phần ăn của mỗi công nhân là 5g thịt mỗi bữa. Tổ trưởng tổ chia thức ăn phải chịu trách nhiệm với số lượng này, phải chia làm sao cho đủ nếu không sẽ bị phạt số lượng đã thâm hụt. Vì vậy những người chia thịt cẩn trọng cắt từng miếng thịt dù nó chỉ còn thừa một mẩu rất nhỏ.
Một vài người chốc chốc lại đặt miếng thịt lên gí gí xuống chiếc cân cáu bẩn bám đầy đồ ăn đã khô lại để xem có dư hay không.
Đến cận giờ ăn trưa, khi chia đồ ăn vào các khay, những chiếc muỗng, đĩa còn ướt nhẹp, thỉnh thoảng có chiếc còn rau, xương cá vướng lại. Những người làm chung hướng dẫn tôi chỉ cần giũ mạnh, vậy là “sạch sẽ” rồi! Thức ăn của mỗi suất cơm chỉ là một mẩu thịt nhỏ xíu với vài cọng rau xào hẹ. Số suất cơm từ xưởng báo xuống nhà bếp bị “hụt”.
Chúng tôi được người quản lý yêu cầu làm nhanh thêm 25 suất nữa. Những chiếc khay công nhân khác vừa ăn xong chưa kịp rửa được quơ vội, nhân viên nhà bếp dùng ngay chiếc khăn lau bàn để bên cạnh lau vội vã rồi cho thức ăn vào.
Thức ăn mặn cho những suất ăn bổ sung không phải là món thịt nướng nữa mà là món thịt kho sả còn thừa của ngày hôm trước và mấy cọng rau muống xào...
Bữa ăn vội vã
11g30, tiếng chuông reo báo hiệu tới giờ ăn trưa. Những anh công nhân bước vội vã, các chị công nhân đi như chạy vào các bàn ăn. Họ chỉ có một giờ để vừa ăn vừa nghỉ trưa.
Khuôn viên của công ty khá rộng, quãng đường từ các xưởng tới nhà ăn đi nhanh lắm cũng mất khoảng 10 phút nên có những người lúc nào đi ăn cũng phải chạy.
Một thanh niên lấy phần thức ăn ở một khay khác cho vào phần thức ăn của mình. Thấy tôi đi ngang qua, anh này nói nhanh như thể sợ bị lấy lại suất cơm thừa: “Đây là phần cơm của bà chị trong tổ em, chị ấy không xuống ăn nên em xin được ăn thay ạ...”.
Công nhân này tên Trường, 18 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc, đi làm được hai tháng ở bộ phận khuy, nút. Trường nói: “Em ăn khỏe lắm, khi còn ở nhà ăn cả nồi cơm to với nguyên nồi cá mặn mới vừa đủ no. Vào đây làm, thức ăn ít quá mà còn nhàn nhạt nên ăn chả bõ bèn gì... Em cứ phải canh hôm nào có chị nào đó làm biếng không ăn, em ăn cả hai phần thì mới tạm lưng bụng. Ăn vậy mà làm tới nửa buổi vẫn đói meo...”.
Trong khay của Trường, tôi thấy anh đổ vào rất nhiều nước tương. Anh cười giải thích: “Để ăn được nhiều cơm thôi, thức ăn đâu đủ...”.
Theo các công nhân và những nhân viên nhà bếp ở đây, công ty chi cho mỗi suất ăn của công nhân là 7.000 đồng, nhưng công ty khoán cho một đơn vị chuyên nấu suất ăn công nghiệp ở Bến Cát, Bình Dương, nên trừ các khoản chi phí, mỗi bữa cơm của một công nhân chỉ còn 3.000-4.000 đồng.
Ngược lại với các công nhân nam, nhiều công nhân nữ thường xuyên bỏ bữa vì không ăn nổi những thức ăn từ nhà bếp công ty. Bữa ăn diễn ra chưa đầy năm phút, một số người đã xong bữa. Nhưng phần cơm của họ vẫn còn gần như nguyên vẹn.
Đ.T.M. - quê ở Nghệ An, một công nhân ở bộ phận hoàn thành (đóng gói sản phẩm) - nói: “Cơm ở công ty tôi không nuốt nổi. Tôi thường phải giấu bảo vệ mang mì gói vào xưởng để ăn bữa trưa”.
Mấy chị công nhân không ăn được cơm công ty cho biết thường mua mì gói được bán “trộm” ở phòng y tế của công ty với giá cao gấp đôi, gấp ba bên ngoài để ăn cầm hơi mà làm việc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận