16/11/2014 10:00 GMT+7

​Để phim nói được tiếng... Việt

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TT - Nếu xu hướng quay thu đồng bộ trong công nghệ sản xuất phim truyền hình ở các nước đã là một lựa chọn tối ưu, thì ngược lại lồng tiếng tại Việt Nam mới là phổ biến.

Các diễn viên đang lồng tiếng cho nhân vật quần chúng trong phòng thu tiếng phim Mắt lụa - Ảnh: H.Lê
Các diễn viên đang lồng tiếng cho nhân vật quần chúng trong phòng thu tiếng phim Mắt lụa - Ảnh: H.Lê

Nếu làm một thống kê vào thời điểm hiện tại có thể thấy 14/15 bộ phim Việt mới đang phát sóng trên các kênh HTV7, HTV9, VTV1, VTV3, VTV6, Vĩnh Long, SCTV14 thực hiện lồng tiếng, duy nhất Tôi yêu cô đơn trên Let’s Việt là thu tiếng trực tiếp.

Phim Việt vẫn phải lồng tiếng Việt

Chỉ riêng ở TP.HCM hiện có khoảng chục nhóm lồng tiếng đang hoạt động. Trong đó phải kể đến những nhóm hoạt động lâu năm như nhóm Xuân Tâm, Phước Trang, Bảo Châu, Mộng Vân...

Còn ở miền Bắc, đạo diễn Trần Lực cho biết số lượng ít hơn, chỉ khoảng 5-7 nhóm.

Ông kể: “Tuy nhiên, diễn viên lồng tiếng những vai chính chỉ quanh đi quẩn lại một số người. Họ chạy sô từ nhóm này sang nhóm khác nên xảy ra tình trạng bị trùng tiếng rất nhiều”. 

Một trưởng nhóm lồng tiếng cho biết giá của những nhóm lồng tiếng hiện nay dao động khoảng 6-7 triệu đồng/tập.

Thậm chí, có những nhóm mới ra chỉ nhận 3 triệu đồng/tập. Có cạnh tranh về giá nên chất lượng lồng tiếng không đồng đều, thêm nữa số lượng diễn viên tham gia lồng tiếng không tăng nhiều nên việc bị trùng giọng trong những phim khác nhau cũng là điều dễ hiểu.

Bảo sao khán giả thường thấy phần lớn trong phim Việt giọng nhân vật nghe dường như lúc nào cũng ngọt ngào và đều đều. Thậm chí nhân vật bị bệnh nặng, khi nói chuyện giọng vẫn tràn đầy sức sống... Tất cả do thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp mà ra! 

H.LÊ

Ngày 20-11, Bữa tối của diều hâu - một phim truyền hình của đạo diễn Lê Minh, sẽ khởi quay nhưng đến giờ phim vẫn chưa thể tìm ra diễn viên nhí đóng vai nữ chính lúc nhỏ. Đạo diễn than: “Có những cô bé có sắc vóc, diễn tốt nhưng giọng nói nghe cứng, không đáp ứng cho việc thu tiếng trực tiếp”.

Đài từ không chỉ là mặt hạn chế duy nhất cho việc thu tiếng trực tiếp. Đạo diễn Lê Lộc từng tâm sự trong buổi ra mắt Nhà không có mẹ chồng - phim thu tiếng trực tiếp vừa phát sóng trên HTV7: “Khó nhất là tìm bối cảnh. Chúng ta chưa có phim trường nên đoàn phim đều phải chọn những địa điểm có sẵn. Nhiều lúc đang quay có tiếng xe máy chạy qua, tiếng trẻ khóc, chó sủa... là phải tạm ngưng. Thời gian quay vì thế kéo dài hơn, diễn viên khó diễn hay khi cứ quay đi quay lại mãi”. 

Cũng vì lý do tương tự mà Ly hôn (đạo diễn Nguyễn Minh Chung), phim thực hiện theo hình thức thu tiếng trực tiếp nhưng một số phân đoạn phải lồng tiếng lại vì chất lượng kém.

Còn Biển xanh và ốc nhỏ (phim của đạo diễn Bá Vũ) phải tiêu tốn một số tiền không ít để lồng tiếng lại hoàn toàn bởi chất lượng kỹ thuật và giọng thật của diễn viên khi quay không đảm bảo chất lượng.

Biết là lồng tiếng phim sẽ bị kịch, thậm chí bị giả nhưng nói về tương lai phim lồng tiếng, bà Bích Thủy, giám đốc Hãng phim Sena, vẫn khẳng định: “Phim lồng tiếng sẽ còn sống dài dài bởi tính ưu việt của nó. Lý do là thu tiếng trực tiếp chi phí cao hơn vì phải đầu tư phim trường, thêm nữa diễn viên ta rất ít người vừa có sắc vừa có đài từ tốt”.

Cũng theo bà Thủy: “Nguồn diễn viên thu tiếng trực tiếp chủ yếu lấy từ nguồn sân khấu kịch nhưng họ lại thường xuyên kẹt lịch diễn, cách diễn và thoại của họ đôi khi hơi cường điệu kiểu sân khấu”. 

Là người trong cuộc, diễn viên Huỳnh Đông hiện khá đắt sô đóng phim và cả lồng tiếng cho rằng: “Bản thân tôi thích đóng phim thu tiếng trực tiếp vì truyền tải hết được cảm xúc của diễn viên. Tuy nhiên, với công nghệ làm phim Việt như hiện nay thì việc lồng tiếng lại tốt hơn. Phần lớn các bộ phim tôi diễn đều phải tự lồng tiếng. Chỉ có mình mới cảm nhận được hết vai diễn để thoại tốt”.

“Ú ớ” cũng phải lành nghề

Sáng 14-11, tại một phòng thu ở đường Trần Khánh Dư, gần 10 diễn viên lồng tiếng đang lồng tiếng cho phim Mắt lụa của đạo diễn Phương Điền. Chỉ một câu thoại “Cô tránh ra để tôi xem” của bác sĩ - nhân vật quần chúng trong phim, diễn viên lồng tiếng phải nói đi nói lại đến sáu, bảy lần mới được trưởng nhóm Xuân Trang chấp nhận.

Trong phim có cảnh nhân vật chạy xe lôi trò chuyện ngắn với diễn viên chính Lê Phương. Cảnh quay tuy xa, nhưng trên màn hình thấy anh này hầu như chẳng nhép miệng gì. Cô kỹ thuật thu phải kiểm tra lại kịch bản và điều chỉnh “âm thanh” để thoại khớp hình ảnh lúc anh này quay mặt đi. 

Có những chuyện tưởng như nhỏ nhặt cũng gây nên tình huống dở khóc dở cười. Như cô gái câm tên Hoa (do Lê Bê La thủ vai) trong phim Dấu chân du mục. Thỉnh thoảng Hoa mới ú ớ vài tiếng. Sau khi xem bản phim đã lồng tiếng, nhà sản xuất tá hỏa vì giọng của diễn viên lồng tiếng không toát ra được tính cách của nhân vật.

Thế là Lê Bê La lúc đó đang ở Hà Nội phải tức tốc bay vào Sài Gòn để lồng tiếng lại cho nhân vật của mình, tất nhiên vẫn chỉ là lồng cho những tiếng “ú, ớ”.

“Một nghệ sĩ lồng tiếng giỏi không phải giọng đẹp là yếu tố quyết định, mà quan trọng là họ phải hiểu tính cách nhân vật. Nghệ sĩ giỏi có kinh nghiệm là người phải lồng được nhiều nhân vật khác nhau. Lồng tiếng thực tế không dễ chút nào” - đạo diễn lồng tiếng Mộng Vân, người gắn bó 30 năm với nghề lồng tiếng, nhận định.

Còn anh Đạt Phi có thâm niên trong nghề nhiều năm cười buồn: “Nếu nhân vật lồng tiếng tốt sẽ nâng đỡ rất nhiều vai diễn. Thế nhưng nghề lồng tiếng chưa được coi trọng. Buồn nhất là nhiều diễn viên hiện nay diễn ẩu quá, có diễn viên nói vô tội vạ khiến người lồng tiếng không biết xoay xở như thế nào.

Ví dụ trong một phim có cảnh nhân vật bị thất tình và khóc. Diễn viên lồng tiếng nuôi cảm xúc chờ diễn viên khóc là bật tiếng ra ngay thì bỗng nghe tiếng nhắc vọng ra trong phim “ngước lên, ngước lên”, rồi “dừng lại, dừng lại”... Thật tình lúc đó cảm xúc người lồng tiếng bị trôi tuột hết...”.

Công nghệ lồng tiếng hiện nay khá hiện đại nên diễn viên làm việc cũng nhẹ nhàng hơn trước. Một diễn viên lồng tiếng chỉ tập trung làm việc hơn một tuần là xong cho nhân vật chính trong bộ phim dài 30 tập. Tuy nhiên, điều này không vì thế mà nâng chất lượng lồng tiếng.

Anh Phước Trang cho biết: “Diễn viên lồng tiếng làm việc riêng, thiếu sự giao đãi, thiếu yếu tố “bắt chụp”... nên chất lượng giảm”.

Nói về vấn đề lồng tiếng phim Việt, anh thẳng thắn: “Ngày xưa, lồng tiếng là nghệ thuật đỉnh cao. Diễn viên lồng tiếng được coi trọng. Bây giờ nhiều người làm nghề chỉ vì mục đích “cơm áo gạo tiền”, mất dần cảm giác thăng hoa nghệ thuật”.

Diễn viên Đức Thịnh - Ảnh: Đ.Khang
Diễn viên Đức Thịnh - Ảnh: Đ.Khang

Diễn viên lồng tiếng chưa được đánh giá xứng đáng

Diễn viên Đức Thịnh (sân khấu Idecaf, thường xuyên lồng tiếng cho các nam diễn viên truyền hình như: Lương Mạnh Hải, Khương Ngọc, Hà Trí Quang, Mạnh Hùng...) cho biết:

“Bây giờ phim truyền hình Việt Nam rất nhiều nên lực lượng diễn viên mới cũng rất đông, đó là chưa kể đến các ca sĩ, người mẫu, MC được mời đóng phim.

Nhiều người trong số đó chưa từng học qua trường lớp hay được đào tạo căn bản về diễn xuất nên khi thoại đài từ yếu và thiếu cảm xúc. Vì vậy chuyện lồng tiếng cho phim Việt là điều bắt buộc.

Nếu so sánh một bộ phim bản thô và bản đã hoàn chỉnh về âm thanh thì mới thấy sự quan trọng của việc lồng tiếng hiện nay.

Thậm chí nhiều diễn viên trước khi quay không tập luyện và học thoại, đến khi ra quay thì chờ người ta nhắc thoại, nhắc được bao nhiêu nói bấy nhiêu. Bây giờ vẫn còn một số người làm phim quan niệm rằng cứ quay cho xong, cho kịp tiến độ, về còn lồng tiếng lại nên đâm ra dễ dãi, ỷ lại.

Có khi đạo diễn hô “thoại”, diễn viên không thuộc kịch bản nên cứ đếm bừa: “Một hai ba bốn năm... mười” như kiểu nhép miệng, sau đó về đội ngũ lồng tiếng sẽ tự ráp câu thoại vào khuôn hình đó. 

Đôi khi nhóm lồng tiếng còn phải tự chế thoại hoặc chỉnh sửa thoại để có thể khớp với cách nhép miệng của diễn viên. Tôi cũng là một diễn viên sân khấu và truyền hình nên hiểu sự cực khổ của diễn viên với vai diễn của mình, tuy nhiên khi trực tiếp làm việc với các anh chị em lồng tiếng mới thấy họ rất thiệt thòi và không được đánh giá xứng đáng. Rất nhiều lần lồng tiếng xong một tập phim về nhà bị khan tiếng hay tắt tiếng là chuyện thường”.

H.OANH ghi

Chương trình Ba ơi, mình đi đâu vậy? phiên bản lồng tiếng trên HTV3 bị nhiều khán giả phàn nàn - Ảnh: T.L.
Chương trình Ba ơi, mình đi đâu vậy? phiên bản lồng tiếng trên HTV3 bị nhiều khán giả phàn nàn - Ảnh: T.L.

Lồng tiếng phim và show truyền hình nước ngoài: chín người mười ý

Ưu thế của các bộ phim nước ngoài lồng tiếng là dễ xem. Khán giả không phải mỏi mắt đọc phụ đề hay nghe cả hai thứ tiếng cùng lúc. Vì thế nhiều đài truyền hình chọn hình thức lồng tiếng thay vì thuyết minh như trước. 

HTV3 được xem là kênh tiên phong chuyện này. Khoảng bảy năm trước, HTV3 ra đời với mục tiêu xây dựng kênh truyền hình dành cho trẻ em. Vì thế các bộ phim hoạt hình, phim truyện nước ngoài đều được biên tập và lồng tiếng lại. Sau đó, khá nhiều bộ phim truyền hình nước ngoài, đặc biệt là phim châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản... được lồng tiếng và phát sóng trên VTV1, HTV7, HTV2, Today TV, VTV9... 

Một điểm khác biệt nổi bật của lồng tiếng phim Việt và lồng tiếng phim nước ngoài là phim Việt cần nhiều diễn viên lồng tiếng, còn phim nước ngoài chỉ cần một nhóm chín người là có thể đảm đương hết tất cả vai diễn. Một diễn viên lồng tiếng gánh đến 4-5 vai. Già, trẻ, trai, gái, sang, hèn, móm, hô... tất tần tật đều được.

Nhưng lồng tiếng cho show truyền hình lại hoàn toàn khác. Khi chuẩn bị phát sóng chương trình Hành trình vui nhộn (The running man), trên trang web htv3.vn đã thực hiện cuộc khảo sát lấy ý kiến của khán giả để xem chương trình này nên lồng tiếng hay sử dụng phụ đề. Kết quả có đến 70% người đã lựa chọn phương án phụ đề... Sau khi ba tập ra mắt bằng hình thức phụ đề, nhiều khán giả lại đề nghị lồng tiếng trở lại vì “phụ đề xem mệt lắm”.

Trước đó, chương trình truyền hình thực tế do Hàn Quốc sản xuất Ba ơi, mình đi đâu vậy? khi phát sóng với phiên bản lồng tiếng cũng nhận khá nhiều phản ứng gay gắt. Nhiều ý kiến cho rằng việc lồng tiếng phá hỏng đến 50% chương trình bởi không truyền tải được hết tính cách của nhân vật. Đặc biệt, các nhân vật chính trong Ba ơi, mình đi đâu vậy? là trẻ con nên việc lồng tiếng lại càng khó.

Bà Phương Thủy, giám đốc Dream Field Studio - người đeo đuổi việc lồng tiếng Việt cho phim và show truyền hình nước ngoài, nhận định: “Lồng tiếng cho phim hoạt hình, phim truyện thật sự không quá khó vì dù gì thì các diễn viên cũng diễn. Còn lồng tiếng cho chương trình truyền hình, nhất là truyền hình thực tế, khó hơn rất nhiều, đòi hỏi nghệ sĩ phải có nhiều cảm xúc và kinh nghiệm để hiểu đúng người chơi đang suy nghĩ gì. Sự hạn chế của lồng tiếng trong các show truyền hình là vì các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm”.

H.LÊ

 

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên