23/10/2014 12:01 GMT+7

Đề nghị tăng mức hỗ trợ đóng BHXH cho cán bộ không chuyên trách

 VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Thống nhất cao với dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định việc đóng bảo hiểm bắt buộc cho các cán bộ không chuyên trách của xã/phường, thị trấn nhưng nhiều đại biểu đề nghị nhà nước “rộng tay” hơn trong việc hỗ trợ họ đóng BHXH.

Doanh nghiệp có nộp BHXH, người lao động mới yên tâm gắn bó với doanh nghiệp - Ảnh: Văn Giang

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng dự thảo quy định nhà nước chỉ hỗ trợ không quá 10% việc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho các đối tượng này là quá ít. Việc tăng mức hỗ trợ lên nữa, dù ngân sách có thể phải chỉ thêm vài trăm tỉ đồng/năm, nhưng phúc lợi mang lại sẽ rất lớn với những cán bộ “gần dân” nhất.

Minh họa cho kiến nghị của ông Hoàng, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đưa ra thông tin hiện đã có 23 tỉnh thành dùng ngân sách địa phương hỗ trợ đóng BHXH cho cán bộ không chuyên trách, với mức hỗ trợ nhiều nơi lên đến 50%.

Mức tối đa 10% như dự thảo quy định, không chỉ “lạc hậu” so với thực tế mà sẽ tạo thành rào cản. Bởi khi Luật BHXH có hiệu lực thì không tỉnh, thành nào dám làm trái luật. “Tôi đề nghị quy định lại là nhà nước tối thiểu 10%. Còn hỗ trợ được tới đâu thì tùy” - ông Hoàng nói.

Trong gần 20 ý kiến phát biểu tại nghị trường sáng nay về dự thảo Luật BHXH, việc mở rộng việc đóng BHXH cho cán bộ chuyên trách cấp xã, phường, thị trấn chính là điểm nhận được sự đồng tình nhiều nhất.

Nói như đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) là làm thỏa lòng cử tri vì đây là kiến nghị cử tri đã chờ đợi rất lâu.

Bà Phúc cho rằng, các cán bộ không chuyên trách làm việc vẫn đủ 8 giờ/ngày như cán bộ khác, thậm chí do ở địa bàn dân cư nên có khi ngày lễ, chủ nhật vẫn làm. Là người trực tiếp triển khai chủ trương của Đảng và nhà nước, và mãi mãi không bao giờ được tăng lương, họ chịu rất nhiều thiệt thòi. Do đó, đây là quy định rất thực tế và hợp lòng.

Về việc giao chức năng thanh tra cho BHXH, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị giao cả chức năng  thanh tra chuyên ngành cho BHXH, chứ không chỉ thanh tra việc đóng BHXH. Bởi nếu các lĩnh vực thanh tra khác trong BHXH được giao cho thanh tra  LĐ-TB&XH thì việc thanh tra trong BHXH sẽ bị “chia cắt”.

Khi cần thanh tra ngoài lĩnh vực đóng BHXH, thanh tra BHXH sẽ phải “kêu” thanh tra LĐ-TB&XH. Ngược lại thanh tra LĐ-TB&XH cũng phải “kêu” thanh tra BHXH khi cần thanh tra việc đóng BHXH.

Có triệt tiêu được việc trốn đóng bảo hiểm cho người lao động? 

Một số đại biểu cũng đề nghị tính toán lại việc quy định đóng BHXH cho người lao động có thời hạn 1 - 3 tháng. Đây là quy định nhằm triệt tiêu việc trốn đóng BHXH cho người lao động của các doanh nghiệp (Luật BHXH hiện hành quy định hợp đồng lao động từ 3 tháng trở xuống sẽ không phải đóng BHXH, nên nhiều nơi sử dụng lao động chỉ ký hợp đồng 3 tháng - PV). 

Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ lấy đi một phần lương của lao động trong buổi ban đầu đi làm, sẽ ảnh hưởng đến đời sống. Do đó phải tính toán lại phương án hợp lý hơn.

14g chiều nay (23-10), Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật BHXH tại hội trường.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên