Sà lan hút cát bên cạnh con tàu khổng lồ của Singapore - Ảnh: D.Khánh |
Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - môi trường và Quân chủng Hải quân đề nghị dừng việc xuất khẩu cát từ dự án nạo vét vùng nước tại quân cảng Vùng 5 hải quân, do Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân làm chủ đầu tư ở thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc vì có hiện tượng sạt lở bờ biển.
Trước đó, trong một văn bản báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc cho biết hoạt động hút cát nạo vét luồng tàu vào quân cảng đã gây sạt lở khoảng 1km tại khu vực bãi biển Vùng 5 hải quân, làm ngã đổ một số cây dương và có nguy cơ gây sạt lở sâu vào đất liền...
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, dự án này được Bộ Quốc phòng duyệt chủ trương và Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân triển khai từ năm 2010, giao Vùng 5 hải quân làm chủ đầu tư.
Giữa năm 2010, Vùng 5 hải quân ký hợp đồng thi công với hai đơn vị là Công ty TNHH SX-XD-TM Đức Long (gọi tắt Công ty Đức Long) và Công ty cổ phần Hải Việt.
Trong quá trình thực hiện dự án, Chính phủ có chủ trương cấm xuất khẩu cát nên có lúc hoạt động nạo vét bị gián đoạn. Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chấp thuận cho phép xuất khẩu cát tận thu từ dự án này.
Tại hiện trường sáng 4-12, mặc dù trên biển gió khá lớn nhưng vẫn có tới bốn sà lan liên tục hút cát bơm sang tàu Ocean Colossus của Singapore. Đến thời điểm hiện tại, đã có bốn chuyến tàu chở cát từ đảo Phú Quốc sang Singapore, mỗi chuyến có trọng tải 58.000 tấn.
Theo hợp đồng ký kết giữa Công ty Đức Long và đối tác Singapore, mỗi mét khối cát biển được hút rồi bơm sang tàu Ocean Colossus có giá 1,3 USD.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, bộ ngành trung ương đã thống nhất cho Công ty Đức Long và Công ty Hải Việt thực hiện khai thác nạo vét và xuất khẩu cát nhiễm mặn từ dự án.
Tuy nhiên, đến nay hai doanh nghiệp này chưa đăng ký khối lượng khai thác cát nhiễm mặn tại UBND tỉnh Kiên Giang và nộp tiền quyền khai thác khoáng sản theo quy định trước khi tiến hành thi công.
Trong khi đó, hiện nay trên địa bàn huyện Phú Quốc có rất nhiều dự án, đặc biệt là các dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện cần lượng cát san lấp rất lớn.
Trong công văn gửi các cơ quan nói trên, UBND tỉnh Kiên Giang kiến nghị tạm dừng cấp phép (hoặc tạm dừng gia hạn) giấy phép xuất khẩu cát nhiễm mặn từ dự án, ưu tiên sử dụng lượng cát tận thu này phục vụ nhu cầu của các công trình tại Phú Quốc, đồng thời tạm dừng thi công nạo vét luồng lạch và có biện pháp khắc phục sạt lở bờ biển.
Trong văn bản mới nhất gửi UBND tỉnh Kiên Giang, chuẩn đô đốc Doãn Văn Sở - tư lệnh Vùng 5 hải quân - cho biết việc nạo vét vùng nước quân cảng là nhu cầu cần thiết và cấp bách phục vụ các hoạt động quân sự.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Công ty Đức Long và Công ty Hải Việt có vi phạm, không đảm bảo cam kết nên giữa tháng 11-2015 Vùng 5 hải quân có văn bản chấm dứt hợp đồng đã ký với hai công ty này.
Vùng 5 hải quân cũng cho rằng hiện tượng sạt lở bờ biển, ngã đổ cây dọc bờ biển qua phối hợp kiểm tra với các bên cho thấy là do biến đổi khí hậu, sự tác động của dòng chảy chứ không phải do việc nạo vét gây ra.
Theo Vùng 5 hải quân, việc dừng nạo vét hay có điều chỉnh dự án nạo vét hay không phải chờ ý kiến chỉ đạo của Bộ tư lệnh Quân chủng hải quân.
Bộ Xây dựng chỉ hướng dẫn xuất khẩu cát “Trong việc này, Bộ Xây dựng chỉ làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình về quản lý vật liệu xây dựng là hướng dẫn về mặt thủ tục cho chủ đầu tư xuất khẩu cát” là khẳng định của ông Lê Văn Tới - vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) - với Tuổi Trẻ ngày 8-12. Về việc hướng dẫn xuất khẩu cát sau khi khai thác, ông Tới cho hay việc này Bộ Xây dựng thực hiện trên cơ sở đã xin phép và được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã thành lập đoàn, tổ chức cuộc họp có sự tham gia của Bộ Tài nguyên - môi trường, đại diện UBND tỉnh Kiên Giang và chủ đầu tư. “Tại cuộc họp này và sau đó tỉnh cũng có công văn khẳng định địa phương không có nhu cầu sử dụng loại cát này, nên bộ đã hướng dẫn chủ đầu tư xuất khẩu” - ông Tới nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận