Tây nguyên: nhà nhà làm thủy điệnVỡ 40m đập thủy điện ở Gia Lai, hoa màu chìm trong nước
Phóng to |
Bốn người trong gia đình ông Nguyễn Văn Đô (ở thôn 5, xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh, Lâm Đồng) phải sống lênh đênh thế này vì không được bố trí tái định cư từ thủy điện Đồng Nai 3 - Ảnh: Quang Sáng |
“Quá trình đầu tư, xây dựng thủy điện đã tác động ảnh hưởng đến môi trường, làm ngập nhiều diện tích rừng, đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái, hệ động thực vật, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư, thu hẹp không gian sống của đồng bào thiểu số...”.
Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến một đề xuất quan trọng của Ban chỉ đạo Tây nguyên: tạm ngưng các dự án thủy điện tại khu vực Tây nguyên trong hai năm 2013 và 2014.
Từ ngày 26-6 đến 3-7-2013, thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên cùng Ủy ban Kiểm tra trung ương, Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN đi giám sát bảy công trình thủy điện gồm Đồng Nai 3 (Đắk Nông), Sêrêpốk 4A (Đắk Lắk), An Khê - Ka Nắk (Gia Lai), Thượng Kon Tum, Đắk Đ’rinh (Kon Tum), Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 (Quảng Nam).
Thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên đã có báo cáo với những nhận xét: “Đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và UBND các tỉnh trên địa bàn Tây nguyên đã có phê duyệt quy hoạch hoặc cho phép đầu tư xây dựng 485 dự án thủy điện với tổng công suất thiết kế 9.988,7MW. Trong đó hiện đã hoàn thành 118 dự án, 75 dự án đang thi công”.
Phóng to |
Sửa chữa bể áp lực thủy điện Ea Súp 3 (huyện Ea H’Leo, Đắk Lắk) từng bị vỡ - Ảnh: Trung Tân |
Phá vỡ cân bằng sinh thái
Đánh giá ảnh hưởng của thủy điện tới phát triển kinh tế - xã hội, Ban chỉ đạo Tây nguyên nhận định quá trình đầu tư, xây dựng thủy điện đã tác động đến môi trường, làm ngập nhiều diện tích rừng, đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái, hệ động thực vật, làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân cư, thu hẹp không gian sống của đồng bào thiểu số.
Dự án thủy điện Đam Bri (Lâm Đồng) có khả năng chậm tích nước một năm nếu không sớm giải quyết được việc đền bù 50ha chè ô long của Công ty TNHH Tâm Châu. Thủy điện Đồng Nai 3 (Đắk Nông) chịu trách nhiệm bố trí đất sản xuất cho 432 hộ dân thì đến nay mới giải quyết được 259 hộ do diện tích còn lại có độ dốc cao và dân tự lấn chiếm. Nếu diện tích đất lấn chiếm không được thu hồi trong khi thời hạn hỗ trợ lương thực đã gần hết, đời sống của người dân sẽ hết sức khó khăn. Dự án thủy điện này còn nợ dân 13,4 tỉ đồng bồi thường, phát sinh 100ha đất canh tác bị ngập, 400ha trên cốt ngập lòng hồ quá xa nơi ở mới (40km) nên dân không thể canh tác... |
Cụ thể với 25 công trình thủy điện lớn đã và đang thi công tại Tây nguyên đã chiếm dụng 68.195ha đất, ảnh hưởng đến 25.712 hộ dân (6.875 hộ phải di dời).
Bên cạnh đó, một số nhà máy thủy điện chưa phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc vận hành hồ chứa phù hợp với lịch thời vụ sản xuất nông nghiệp nên gây ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô, gia tăng lũ lụt trong mùa mưa, gây thiệt hại cho sản xuất và đời sống vùng hạ lưu.
Thủy điện còn làm thay đổi tập quán sản xuất và sinh hoạt của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số vốn sinh sống lâu đời, việc di dời dân đến các vùng cao trong khi điều kiện sản xuất và đời sống không bằng nơi ở cũ, phải nhiều năm mới khắc phục được.
Thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên nhận định các thủy điện sau khi đi vào vận hành khai thác còn để lại cho chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng không ít khó khăn, phải tiếp tục giải quyết trong nhiều năm.
Ngoài ra, thủy điện cũng gián tiếp góp phần gây ra tình trạng phá rừng, việc chậm trễ trong đền bù, tái định cư dẫn đến khiếu kiện kéo dài ở một số địa phương, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Tại hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm do Ban chỉ đạo Tây nguyên tổ chức ngày 22-7 ở Đà Lạt, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Hà Ban cho biết Kon Tum đã rà soát và loại bỏ nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ, bởi không chỉ thiếu hiệu quả, tác động đến môi trường mà nhiều dự án đã ảnh hưởng lớn đến việc ổn định đời sống cho bà con, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Tại buổi làm việc mới đây với đoàn công tác của Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Tiến - chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cũng cho biết qua rà soát, Lâm Đồng đã loại bỏ khỏi quy hoạch 28 dự án thủy điện, đồng thời kiến nghị Bộ Công thương loại bỏ thêm 23 thủy điện khác thuộc thẩm quyền phê duyệt của bộ. Đắk Lắk cũng thu hồi chủ trương đầu tư, loại bỏ khỏi quy hoạch 20 thủy điện vừa và nhỏ, Gia Lai chấm dứt hoạt động của tám dự án thủy điện vừa và nhỏ, đồng thời loại 11 dự án khác khỏi quy hoạch...
Hậu quả xã hội lớn
Tại Đắk Lắk, thủy điện Sêrêpốk 3 chưa hoàn thành nhiều hạng mục tái định cư như đường đi, kênh mương dẫn nước. Thủy điện Sêrêpốk 4 nổ mìn gây nứt nhà dân, đổ thải lên đất của dân nhưng chưa đền bù, xây cầu (Nà Ven) thấp hơn mặt đường hiện hữu, việc xả nước không đúng quy định ảnh hưởng kinh doanh du lịch của huyện Buôn Đôn.
Tại Kon Tum còn 27 hộ dân bị ảnh hưởng bởi thủy điện Plei Krông chưa nhận đất sản xuất do đất xấu, thủy điện Thượng Kon Tum dự kiến sẽ phát điện năm 2014 nhưng còn 382,3ha đất rừng phòng hộ và 68,8ha đất lúa chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Còn thủy điện Đắk Đ’rinh nếu không đáp ứng yêu cầu di dời dân trước tháng 9-2013, khi lũ về dù không tích nước vẫn không thể đảm bảo tính mạng và tài sản của 217 hộ dân.
Đối với việc trồng rừng thay thế, thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên nhận định “ở mức báo động” khi các địa phương không bố trí được quỹ đất, chủ đầu tư các dự án thủy điện không có năng lực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.
Tính đến nay mới chỉ có 757,3/22.770ha (3,33%) được trồng lại rừng. Ngoài ra, còn hàng loạt khó khăn khác tại các dự án thủy điện như: cắt đứt giao thông đường thủy (không xây dựng được âu thuyền), nhiều công trình không thiết kế cửa xả đáy gây nguy hiểm cho công trình và khó điều chỉnh dòng chảy hạ lưu, không thiết kế hoặc xem nhẹ vai trò điều hòa dòng chảy, chống lũ...
Tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng vào tháng trước, ông Trần Việt Hùng - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên - dù đánh giá thủy điện Tây nguyên hiện có tiềm năng rất lớn nhưng “cần phải tính toán về môi trường thật kỹ”, bởi Tây nguyên là khu vực có vị trí cực kỳ nhạy cảm cả về địa chiến lược, tài nguyên, nguồn nước, cảnh quan, môi trường, đời sống và bản sắc văn hóa các dân tộc trong vùng.
Ông Hùng đồng tình với chủ trương của Lâm Đồng và các tỉnh Tây nguyên về đề nghị bỏ bớt dự án thủy điện: “Bộ Công thương cần tiếp tục rà soát về quy hoạch thủy điện, dự án nào quá ảnh hưởng đến môi trường và dân sinh, ảnh hưởng lớn đến đời sống bà con thì nên cân nhắc, xem xét lại”.
Nhìn chung, việc đánh giá đầy đủ về hiệu quả tổng thể của các công trình chưa được thực hiện đầy đủ. Mục tiêu phát điện được chú trọng trong khi những hậu quả về môi trường - xã hội chưa được đánh giá hết. Lợi ích của cộng đồng và dân cư liên quan chưa được coi trọng đầy đủ. “Dường như chi phí xã hội cho các công trình thủy điện là quá lớn” - thường trực Ban chỉ đạo Tây nguyên nhận xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận