14/12/2018 16:28 GMT+7

Đề nghị lập Ban điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long

C.QUỐC - H.T.DŨNG
C.QUỐC - H.T.DŨNG

TTO - Để phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều lãnh đạo địa phương đề nghị phải có một cơ quan điều phối chung của vùng.

Đề nghị lập Ban điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Minh Phụng - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho rằng việc có ban điều phối sẽ thúc đẩy nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu đi vào cuộc sống nhanh hơn - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tại hội thảo "Sau một năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu" do Trường đại học Cần Thơ phối hợp Thời Báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 14-12, lãnh đạo các tỉnh trong vùng ĐBSCL đề nghị cần phải thành lập ban điều phối để phát triển vùng này theo tinh thần Nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ.

Ông  Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - nêu quan điểm: "Cá nhân tôi rất đồng tình, ĐBSCL cần có cơ quan điều phối chung. Còn việc tổ chức bộ máy thế nào thì đợi sau khi có chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 mà Bộ Kế hoạch và đầu tư đang chủ trì thực hiện".

Tương tự, ông Nguyễn Hữu Lập - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cũng cho rằng phải có ban điều phối cấp vùng để thực hiện Nghị quyết 120. "Chúng ta đề ra công việc nhưng phải có vào cuộc của bộ, ngành trung ương để thực hiện nghị quyết tốt hơn. Cần thiết để có ban điều hành hoạt động này", ông kiến nghị.

Bà Lê Thị Minh Phụng - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho rằng việc lập ban chỉ đạo hoặc ban điều phối để thực hiện Nghị quyết 120 sẽ giúp công việc được tập trung hơn, nghị quyết vì thế sẽ nhanh đi vào cuộc sống hơn.

Ngoài ra, bà Phụng cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển ĐBSCL, trong đó tập trung cho lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi.

Ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - nói: "Đúng là bây giờ nếu không có ban điều hành, ban điều phối vùng thì đừng nói tới Nghị quyết 120". Theo ông Hoan, lâu nay cứ nghĩ tới ban điều phối như đã nêu thì người ta nghĩ ngay đến vấn đề xin vốn, ghi vốn để phát triển hạ tầng, nhưng ở đây "có vấn đề không cần vốn như việc liên kết cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhà khoa học" mà theo ông Hoan, Trường đại học Cần Thơ hoàn toàn có thể hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ để làm được việc này.

Đề nghị lập Ban điều phối phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Ông Lê Minh Hoan - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - cho rằng trước mắt Trường đại học Cần Thơ có thể đóng vai trò điều phối trong việc gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện tốt Nghị quyết 120 của Chính phủ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Đại học Cần Thơ tổng rà soát chương trình đào tạo

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Việt Dũng - phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ - cho rằng muốn triển khai tốt Nghị quyết 120 thì vấn đề nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, cần chuyển đổi tư duy phát triển nguồn lực từ chỗ "than trời than đất" sang "sống với trời, với đất thế nào".

Theo ông Dũng, đây là mảng mạnh của nhà trường và trường cam kết sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động đào tạo để gắn chặt hơn nữa với việc thực hiện nghị quyết 120.

"Trường đang triển khai rốt ráo việc tổng rà soát lại tất cả chương trình đào tạo, cái nào không phù hợp thì đóng cửa, không có chuyện bỏ thì thương vương thì tội để xây dựng chương trình mới", ông Dũng nói.

Làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững? Làm gì để ĐBSCL phát triển bền vững?

TTO - Chung niềm trăn trở về một ĐBSCL phát triển bền vững, ngày 22-11, báo Tuổi Trẻ tổ chức hội thảo: “Hướng đến phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” và tổng kết chương trình Mekong xanh tại Cần Thơ.

C.QUỐC - H.T.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên