05/07/2018 09:39 GMT+7

Để ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu

C.QUỐC - B.ĐẤU -  M.TRƯỜNG - T.TÚ
C.QUỐC - B.ĐẤU - M.TRƯỜNG - T.TÚ

TTO - Tháng 11-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây được xem như “đũa thần” cho việc phát triển ĐBSCL bởi đã gỡ được nhiều vướng mắc mà các địa phương đang gặp phải.

Để ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Để nghị quyết 120 đi vào cuộc sống, theo nhiều chuyên gia, cần thay đổi nhiều thứ, trong đó có thay đổi tư duy về an ninh lương thực. Trong ảnh: Nông dân tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tuy nhiên, để nghị quyết được khả thi, đi vào cuộc sống trong thời gian tới, vẫn còn nhiều vấn đề cần nhìn nhận cho đúng, cũng như cần được sớm tháo gỡ…

Ông Võ Thành Hạo (Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre):

Liên kết để hạn chế tổn thương do biến đổi khí hậu

Để ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết 120, tỉnh Bến Tre đã chủ động triển khai ngay chương trình liên kết với tiểu vùng Duyên hải phía Đông gồm các tỉnh Trà Vinh - Vĩnh Long - Bến Tre - Tiền Giang để xây dựng chiến lược phát triển vùng trên cơ sở ứng phó với biến đổi khí hậu.Trong đó, có rất nhiều nội dung, điển hình như liên kết để kiểm soát, khắc phục tình hình thiên tai, sạt lở do hoạt động khai thác cát trái phép gây ra; liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu của những tỉnh có thế mạnh giống nhau; liên kết để khai thác du lịch…

Ông Phạm Anh Tuấn (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang):

Chờ "đạo diễn" từ Bộ TN-MT

Để ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 3.

Từ khi Nghị quyết 120 ra đời, Chính phủ đã giao cho Bộ TN-MT làm "chủ xị" để triển khai các công việc cụ thể. Do các vấn đề phát sinh liên quan đến biến đổi khí hậu rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực như giao thông, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, xâm nhập mặn, nước biển dâng....nên chưa có kế hoạch từ trên thì tỉnh phải chờ kế hoạch chung để đưa ra những vấn đề cụ thể của địa phương mình.

Trong khi chờ đợi sự "đạo diễn" này, từ thực tế xâm nhập mặn của năm 2016, tỉnh Tiền Giang đã chủ động lập nhiều dự án chuyển đổi cơ cấu vật nuôi và cây trồng ở các huyện ven biển phía Đông của tỉnh để người dân thích ứng với điều kiện thực tế. Hiện các dự án này đã phát huy tác dụng, cải thiện đáng kể thu nhập của người dân. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng đến các dự án thủy lợi ở các huyện phía Tây nhằm bảo vệ tốt nhất vườn cây ăn trái vốn là thế mạnh của tỉnh.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập vềsinh thái ĐBSCL):

Phải thay đổi tư duy thì nghị quyết120 mới khả thi

Để ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 4.

Việc thực hiện nghị quyết 120 xem ra sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải được phân tích để tìm giải pháp tương ứng. Tư duy về an ninh lương thực. Lâu nay cách nghĩ của chúng ta là lương thực đồng nghĩa với tự cung tự cấp và sản lượng càng nhiều càng tốt và đơn thuần là lúa gạo. Thực tế mỗi năm đồng bằng sản xuất ra 25 triệu tấn lúa nhưng xuất khẩu đi hơn một nửa. Do thâm canh liên tục trong đê bao, đất đai bị bạc màu, cạn kiệt nhanh. Tiếp tục cách này, sau khoảng 20-25 năm sức sản xuất của đất suy giảm, an ninh lương thực sẽ bị đe dọa. Hơn nữa, ngày nay khái niệm an ninh lương thực cần đi kèm với an ninh dinh dưỡng, tức là các thành phần thực phẩm khác chứ không chỉ có gạo. Nếu vẫn giữ tư duy an ninh lương thực bằng số lượng thì việc chuyển sang chất lượng nông nghiệp và làm kinh tế nông nghiệp như nghị quyết 120 sẽ không khả thi.

Thứ hai, tư duy "liên hoàn kế" của nghị quyết để đạt được mục tiêu bền vững liên hoàn cả 3 mặt kinh tế, xã hội, môi trường vẫn chưa được thấm và dễ bị hiểu đơn giản như lâu nay là "chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi", tức là chỉ chuyển từ cây nọ sang cây kia, từ nuôi con nọ sang con kia, sản lượng cao hơn là được mà không tính đến chất lượng, thị trường, môi trường bị ảnh hưởng như thế nào và tác động xã hội, người nông dân bỏ xứ đi TP tìm việc làm như thế nào. Theo tinh thần nghị quyết 120, đối với nông nghiệp, "liên hoàn kế" nên được hiểu là giảm thâm canh, tăng chất lượng, tăng giá trị thông qua chế biến và chuỗi giá trị, vươn tới thị trường giá trị cao. Song song đó xem nước mặn, nước lợ cũng là tài nguyên thì nên hạn chế ngăn mặn, cản trở dòng chảy để phục hồi thủy sản biển, phục hồi sông ngòi để giảm sử dụng nước ngầm, giảm sụt lún.

Thứ ba là tư duy thuận thiên, tôn trọng quy luật tự nhiên cũng sẽ gặp khó khăn. Lâu nay tư duy quy hoạch phát triển ĐBSCL chỉ chú trọng 3 điều: đất liền, nước ngọt cho sản xuất, và hệ canh tác nước ngọt, chủ yếu là lúa, bỏ qua môi trường nước sông ngòi và sự liên thông với biển; từ đó không ngại can thiệp thô bạo, trái quy luật tự nhiên bằng những công trình lớn ngăn dòng chảy, ngăn cách sông ngòi nội địa với biển, tách đồng ruộng ra khỏi nước lũ hàng năm.

Thứ tư là chuyện loạn quy hoạch, từng ngành và từng địa phương sẽ vẫn mong muốn theo đuổi mục đích thành tích riêng của mình, bỏ quên tổng thể của cả đồng bằng.

Để ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 5.
C.QUỐC - B.ĐẤU - M.TRƯỜNG - T.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên