30/05/2014 20:12 GMT+7

Đề nghị không cho nhập tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Đó là ý kiến của đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) tại thảo luận ở hội trường trong phiên họp Quốc hội chiều 30-5.

Không nhập tàu biển qua sử dụng để phá dỡVận tải biển VN: "Bỏ sân nhà, đá sân khách" Vung tiền mua tàu già

SjHUSM9w.jpgPhóng to
Tàu Vinalines Global đóng năm 1994 tại Nhật Bản, được Vinalines mua về năm 2008 - Ảnh: Marine traffic

Phiên họp này đã dành thời gian để nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), đồng thời thảo luận lần cuối về dự thảo này trước khi Quốc hội bấm bút thông qua tại phiên họp ngày 23-6.

Tuy nhiên, quỹ thời gian của phiên thảo luận chỉ đủ cho 18 đại biểu bày tỏ chính kiến của mình trong số 28 đại biểu bấm nút đăng ký, cho thấy sự quan tâm lớn đến vấn đề sát sườn với cuộc sống hàng ngày này.

Về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nhiều ý kiến ĐB Quốc hội đề nghị rà soát, bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; bổ sung quy định về hàng rào kỹ thuật đối với phế liệu được phép nhập khẩu nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để nhập chất thải vào Việt Nam; nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước; quy định việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu, thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu.

Đề nghị cụ thể của đại biểu Hoàng là bỏ khoản 3 điều 81 trong dự thảo luật qui định: “Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Chính phủ quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu”.

ĐB Hoàng nêu ra nhiều lý do để bảo vệ cho chính kiến nói trên. Thứ nhất, xu hướng dịch vụ phá dỡ tàu biển cũ di chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triền và kém phát triển ngày càng rõ nét. Đây chính là hình thức vận chuyển các chất thải nguy hại trên quy mô toàn thế giới và hậu quả là các nước nghèo sẽ nhận được ngày càng nhiều chất thải, nhất là chất thài nguy hại.

Thứ hai, khi phá dỡ một con tàu biển cũ có thể đem lại 90 - 95% nguồn thép phế liệu nhưng đã để lại một khối chất độc nguy hại không nhỏ chiếm 5 - 10% trọng luợng tàu bao gồm: chất amiăng cách nhiệt, nước bẩn đáy tàu, xăng dầu và nhiên liệu gây ra sự cố tràn dầu. Đặc biệt, lớp sơn thân tàu có chứa oxýt chì, thủy ngân, asen và kim loại nặng khác.

Các chất độc nguy hại này mang nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây hại đến môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, là nguyên nhân phát sinh ra các căn bệnh thần kinh, ung thư…

Thứ ba, quy định như nói trên (khoản 3 điều 81 của dự thảo luật) tạo nên sự mâu thuẫn với khoản 9 điều 7 trong dự thảo Cấm nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức. Nếu trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường quy định cho phép việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ thì vô hình trung dễ làm phát sinh thêm một lượng lớn chất thải nguy hại nhập vào nước ta.

Ngoài ra, vẫn còn những băn khoăn việc nhập khẩu phế liệu, nên các đại biểu đề nghị phải qui định rõ nhóm phế liệu nào được nhập khẩu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhìn nhận các ý kiến trên xác đáng, nên đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, làm rõ khái niệm “phế liệu” để phân biệt với “chất thải”. Đồng thời chỉnh sửa lại quy định về nhập khẩu phế liệu, trong đó quy định phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài phải đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng quy định…

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên