Học sinh tìm mua sách giáo khoa, sách tham khảo tại một nhà sách ở Q.5, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Chẳng lẽ phải chờ các tác giả chỉnh sửa xong, rồi Bộ GD-ĐT thẩm định lại mới tiến hành dạy học?
Vấn đề quả thực nan giải với những ai vẫn quen dạy học theo sách giáo khoa (SGK), xuất phát từ quan điểm xưa cũ "SGK là pháp lệnh". Tuy nhiên, khi Bộ GD-ĐT đã thực hiện nguyên tắc "một chương trình - nhiều bộ SGK" thì cũng có nghĩa là xóa bỏ hoàn toàn quan điểm "SGK là pháp lệnh" để chuyển sang quan điểm mới "chương trình là pháp lệnh". Tức là giáo viên sẽ dạy học theo chương trình, chứ không phải theo SGK.
Như vậy, văn bản chương trình học là cơ sở trọng yếu để giáo viên chiếu theo đó tiến hành việc dạy học của mình, còn SGK chỉ là công cụ trợ giúp giáo viên (và học sinh) thực hiện dạy học. Dựa trên chương trình học, giáo viên sẽ thiết kế bài học (tức giáo án) cho học sinh; còn việc dùng hay không dùng SGK, chọn dùng SGK nào là do giáo viên quyết định.
Khi đã dạy học theo chương trình thì giá trị cao thấp và những bất cập trong SGK không cản trở quá nhiều đối với việc dạy học. Những bất cập trong cuốn SGK Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều được giải quyết thế nào sẽ do Bộ GD-ĐT quyết định, còn giáo viên vẫn có thể dạy học bình thường theo chương trình hiện hành.
Tuy thế, việc chuyển từ "dạy học theo SGK" sang "dạy học theo chương trình" không phải là vấn đề đơn giản. Do thói quen xưa cũ, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vẫn lẫn lộn chương trình học với SGK trong một thuật ngữ kép là "chương trình SGK". Vì vậy, Bộ GD-ĐT vẫn quan tâm trước hết đến việc biên soạn, lựa chọn và phát hành các bộ SGK cho giáo viên.
Còn việc tập huấn chương trình học mới chỉ được tiến hành chậm trễ với nhiều tầng nấc khác nhau theo kiểu "tuyên truyền" từ trên xuống. Nên đa số giáo viên vẫn chưa hiểu "dạy học theo chương trình" là như thế nào (thậm chí họ chưa nhận được văn bản chương trình mới của Bộ GD-ĐT). Thêm nữa, giáo viên vẫn chưa biết cách thiết kế bài học của riêng mình cho học sinh mà không cần dựa vào SGK là như thế nào!
Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng in ấn và phát hành văn bản chương trình giáo dục phổ thông mới (đã có hiệu lực từ năm 2018) cho tất cả giáo viên các cấp học phổ thông, để các thầy cô dùng nó làm tài liệu dạy học cơ bản mà không lệ thuộc vào SGK; đồng thời khẩn trương tập huấn giảng dạy chương trình đó dựa trên khoa học giáo dục hiện đại với các bộ môn phát triển chương trình học, phương pháp dạy học, đo lường và đánh giá, thiết kế bài học...
Chỉ đến khi tất cả giáo viên đứng lớp tiếp cận được với khoa học giáo dục hiện đại thì công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông mới thực sự bắt đầu.
Mua sách nhưng chưa một lần mở ra
Sách Giáo dục thể chất lớp 1 mới có nội dung kiến thức đa dạng các hình thức tập luyện, phong phú các trò chơi vận động cho học sinh. Các nhà biên soạn kỳ vọng sẽ giúp học sinh hình thành các kỹ năng vận động cơ bản, tập thói quen luyện tập thể dục thể thao. Thông qua những hoạt động đó, học sinh sẽ được hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, hợp tác.
Thế nhưng trong thực tế học cả tháng nhưng cuốn sách Giáo dục thể chất vẫn chưa một lần được học sinh sử dụng. Giáo viên thể dục cũng nói rằng tiết học thể dục chủ yếu tổ chức ngoài trời. Học sinh lớp 1 chủ yếu làm theo mẫu nên không cần SGK. Mà có cần cũng không thể học vì các em đã biết chữ đâu để đọc nội dung hay hiệu lệnh? Giáo viên lại phải hướng dẫn thì cần sách làm gì cho rắc rối?
Nâng cao chất lượng cho môn học không phải học sinh có bộ sách thể dục, mà chính là việc đầu tư sân bãi, phòng tập cho các em bài bản, chu đáo. Việc phát hành thêm bộ SGK thể dục chỉ làm ngân sách nhà nước phải chi thêm một khoản tiền không nhỏ cho việc viết sách, thẩm định, xuất bản. Đồng thời làm tăng thêm gánh nặng tiền bạc cho phụ huynh, trong khi họ đã phải mua quá nhiều từ SGK đến các loại sách tham khảo.
Phạm Ngọc Huyền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận