Mãn kinh là lúc người phụ nữ chấm dứt kinh nguyệt, không thể có con được nữa. Thời kỳ mãn kinh thường kéo dài 3-5 năm, từ lúc sắp hết kinh nguyệt với các dấu hiệu suy giảm chức năng buồng trứng, cho đến những năm đầu sau khi ngừng hẳn. Phụ nữ đến tuổi mãn kinh sớm là những người hút thuốc lá, uống rượu, chiếu tia xạ trị bệnh, bị rối loạn tự miễn, cắt tử cung nhưng còn chừa 2 buồng trứng…
Phụ nữ thường nhận ra thời kỳ mãn kinh bởi một vài thay đổi trong kinh nguyệt. Điều này chứng tỏ có những thay đổi quan trọng trong hệ nội tiết của phụ nữ. Khi một phụ nữ gần đến tuổi mãn kinh, buồng trứng của họ sản xuất ngày càng ít oestrogen (hoóc môn sinh dục nữ) hơn. Hiện tượng rụng noãn ngừng và sản xuất progesteron cũng đột ngột giảm sút đi. Tuyến yên ở hạ não phản ứng lại bằng cách kích thích sản xuất thêm nhiều hormon ấy hơn. Sự cân bằng nội tiết không còn giữ được, sau cùng cơ thể tái lập được một cân bằng mới.
Một phụ nữ coi như đến tuổi mãn kinh khi khoảng 6 tháng không còn thấy kinh nguyệt nữa. Thời gian sau này được gọi là sau mãn kinh. Thực tế cho thấy ở tuổi 48 trở lên, hoạt động chế tiết của buồng trứng bắt đầu bị rối loạn, sau đó ngưng hoạt động hẳn ở tuổi 50 và trên 50.
Theo thống kê, cứ 5 phụ nữ thì có một người bị xáo trộn tâm, sinh lý, không thể chịu đựng nổi, 80% còn lại sống trong trạng thái vô thức (inconscient).
Do tình trạng thiếu hụt oestrogen - hoóc môn sinh dục nữ nên thời ký mãn kinh của phụ nữ sẽ có những triệu chứng:
- Triệu chứng thường gặp vào tuổi mãn kinh là những cơn nóng bừng lan khắp cơ thể, cụ thể là sẽ thấy hiện tượng đỏ bừng khởi đầu từ ngực lan dần lên cổ, mặt, đầu và từ đấy lan ra khắp cơ thể.
- Thay đổi về chức năng thần kinh thực vật: nóng nảy, vã mồ hôi - nhất là về ban đêm làm mất ngủ, mệt nhọc. Tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu gắt. Tóc khô, rụng, dễ gãy. Da khô, nhám, nhăn nheo do mất dần lớp mỡ dưới da. Âm hộ, âm đạo bị teo dần làm người phụ nữ sợ giao hợp vì đau đớn. Tuyến vú trở nên mềm nhão, giọng nói bị ồ, lông chi mọc nhiều hơn... Ở tuổi mãn kinh thường dễ mắc chứng loãng xương, và bệnh lý mạch vành...
- Những đốm màu nâu có thể xuất hiện, nhất là ở những vùng tiếp xúc ánh sáng như mặt, cánh tay, chân, bàn tay.
- Tâm sinh lý thay đổi: dễ gắt gỏng, suy nhược thần kinh, mất ngủ, mất hứng thú trong quan hệ vợ chồng.
Có một tình trạng không hề nhỏ mà ở phụ nữ mãn kinh thường hay gặp đó là sự lo lắng và trầm cảm. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhiều khi không phải do yếu tố bệnh lý mà chính là yếu tố tâm lý. Từ một phụ nữ dành hết thì giờ lo cho gia đình đột nhiên thấy con mình đã lớn và chúng không cần mình nữa. Rồi phụ nữ tuổi mãn kinh đột nhiên có thể thấy một vài nếp nhăn hay thấy mập... Chứng trầm cảm có thể đến từ từ mà không có tiền sử nào cả là đặc điểm của mãn kinh.
Để đi qua được giai đoạn mãn kinh một cách nhẹ nhàng, các chị em nên chuẩn bị trước tâm lý cũng như kiến thức cho mình. Đó là:
- Những bài thể dục, hay bài tập yoga sẽ là sự lựa chọn tốt cho các bạn, hãy tập luyện ngay từ bây giờ để có được một cơ thể dẻo dai và cải thiện được phần nào những triệu chứng mãn kinh, giúp bạn tự tin hơn.
- Dinh dưỡng hợp lý giúp cải thiện được những rắc rối mà triệu chứng mãn kinh mang lại.
Một số lời khuyên về dinh dưỡng cho phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh:
- Bổ sung canxi: Ăn, uống 2-4 phần ăn các sản phẩm sữa và các thực phẩm giàu canxi mỗi ngày sẽ giúp đảm bảo rằng bạn đang nhận được đủ lượng canxi trong chế độ ăn uống hàng ngày. Canxi được tìm thấy trong các sản phẩm sữa, cá có xương, bông cải xanh, và các loại đậu. Một lượng đầy đủ canxi cho phụ nữ tuổi từ 51 trở lên là 1.200mg mỗi ngày.
- Tăng lượng sắt: Ăn ít nhất 3 phần ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt mỗi ngày sẽ giúp đảm bảo lượng sắt cho cơ thể. Sắt có nhiều trong thịt nạc đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng, rau lá xanh, các loại hạt, ngũ cốc và các sản phẩm phong phú. Lượng sắt cần thiết cho phụ nữ một ngày là 8mg.
- Bổ trợ chất xơ: Cần cung cấp đủ lượng chất xơ cho cơ thể. Chất xơ được lấy chủ yếu từ các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại bánh mì, mì ống, gạo, trái cây tươi, rau xanh. Một phụ nữ trưởng thành cần nhận được khoảng 21gram chất xơ mỗi ngày. Mỗi ngày phụ nữ nên ăn 1,5 chén trái cây và 2 chén rau sẽ cung cấp đủ lượng chất xơ cho cơ thể.
- Uống nhiều nước: 70% cơ thể là nước, chính vì thế cần bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể để đảm bảo các bộ phận đặc biệt là tiêu hóa, bài tiết hoạt động một cách thông suốt. 8 ly nước mỗi ngày sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho hầu hết những người lớn khỏe mạnh.
- Duy trì một trọng lượng khỏe mạnh. Giảm cân nếu bạn đang thừa cân bằng cách cắt giảm khẩu phần ăn và làm giảm các loại thực phẩm nhiều chất béo, tuyệt đối không nên bỏ bữa.
- Giảm các loại thực phẩm nhiều chất béo. Chất béo chỉ nên cung cấp 25% đến 35% hoặc ít hơn của tổng số calo hàng ngày của bạn. Ngoài ra, mức giới hạn chất béo bão hòa ít hơn 7% trong tổng số calo hàng ngày của bạn. Chất béo bão hòa làm tăng cholesterol và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chất béo bão hòa được tìm thấy trong thịt mỡ, sữa nguyên kem, kem và phomat. Hạn chế lượng cholesterol đến 300 milligrams (mg) hoặc ít hơn mỗi ngày.
- Sử dụng đường và muối trong chừng mực. Quá nhiều natri trong chế độ ăn uống có liên quan đến huyết áp cao. Nên hạn chế sử dụng các loại thịt hun khói, các thực phẩm nướng vì những thực phẩm này thường chứa lượng muối cao và cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Hạn chế uống rượu. Phụ nữ nên hạn chế uống rượu, tốt nhất là không nên uống, nếu có uống thì chỉ nên uống rượu vang và uống dưới 1 ly rượu mỗi ngày vì rượu có thể làm tăng những cơn nóng bừng vào thời kỳ mãn kinh.
- Nên ăn các thực phẩm có chứa isoflavone (estrogen thực vật). Đậu nành là một trong những thực phẩm có thể làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh. Đậu nành cũng làm giảm lượng cholesterol và giảm bớt những cơn nóng bừng, bốc hỏa, đổ mồ hôi vào ban đêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận