05/11/2019 18:00 GMT+7

Để đồi cho chim về ở, hơn 30 năm coi đàn cò như con

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 'Mấy năm có hai con bồ nông to bằng con ngỗng hay về. Năm nay không biết đi đâu mà chưa thấy' - ông Của tần ngần nói.

Để đồi cho chim về ở, hơn 30 năm coi đàn cò như con - Ảnh 1.

Ông Của và hai cháu nội đứng ngắm hàng trăm con cò bay về - Ảnh: MY LĂNG

Ông cụ người Mường nhỏ gầy cười hiền hậu, đứng bên hai đứa cháu nội giữa nương ngô ngóng đàn cò bay về trong lúc hoàng hôn dần tắt nắng. Đã 32 năm nay, ông luôn bảo vệ và coi đàn cò như con cháu mình.

Trong bóng chiều nhập nhoạng, ông cụ chắp tay sau lưng đứng cạnh hai đứa cháu nội, lặng ngắm hàng trăm con cò trắng muốt bay về, lượn chơi mấy vòng rồi mới chịu đậu trên đồi cây. 

Lát sau, đàn khác lại kéo về, ngày một nhiều. Khoảng trời rợp cánh cò. Có lúc hàng mấy trăm con bay lượn về phía ba ông cháu ngay trên đầu. 

“Chúng nó là một phần cuộc đời tôi. Tôi cố giữ cho được đến ngày hôm nay là gần trọn đời mình rồi. Sau này con cháu tôi sẽ thay tôi chăm sóc bọn nó. Hôm nào mà chúng không về là nhớ lắm, tôi lại ra bờ ao chờ.

Ông PHẠM VĂN CỦA

Để đồi cho chim về ở

Khung cảnh thiên nhiên đẹp đến choáng ngợp và cảm giác yên bình ấy khiến bất cứ trái tim nào cũng phải tan chảy. Ông cụ tên Phạm Văn Của, 81 tuổi, một người Mường ở thôn Thọ Liên, xã Kiên Thọ - xã miền núi của huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa).

"Ngày trước nhìn như ri là thấy cò đậu trắng cây, nhiều không đếm được, 3.000-4.000 con. Chiều nghe tiếng kêu là thấy cò về trắng xóa, bay kín trời, đậu trắng cả cây. Giờ chỉ hơn 1.000 con. Có nhiều loại lắm: cò trắng, cò nâu, cò bợ, bồ nông, khướu, bìm bịp, chào mào, họa mi, chim tổ sâu... Bồ nông hôm nọ về sáu con mấy hôm lại đi rồi. Năm trước về 300 con một lúc: bồ nông, bìm bịp, họa mi, chim tổ sâu..." - ông Của cho hay. 

Ông cụ tiếc nuối kể, từ năm 2013, người ta đặt mìn phá đá làm con đường trước nhà, đông người và xe đi lại, đàn cò về ít hơn, chỉ bằng 1/4 ngày trước.

Cả huyện Ngọc Lặc chỉ mỗi nhà ông có vườn cò tự nhiên mà ông bảo là "lộc trời cho". "Lộc trời" có từ 32 năm trước (1987). Lúc đầu chỉ có 10 con cò đen về. Người ta lấy nỏ bắn, ông ngăn lại. Đến mùa sinh sản, cò về nhiều hơn. 

Trên đồi khi đó rất nhiều cây keo. Ông còn trồng thêm luồng, tre, bương, bưởi rừng, quế rừng... đủ loại cây cho cò về sinh sản. Ông trồng tre, luồng làm thành hàng rào quanh đồi để chặn không cho người ta vào bắt chim, lấy trứng. Rồi cò, chim kéo về ngày một nhiều hơn.

"Chim về tứ phía. Có năm một lúc gần 400 con cò, khướu, bìm bịp, chào mào, cò ốc... về. Mấy năm có hai con bồ nông to bằng con ngỗng hay về. Năm nay không biết đi đâu mà chưa thấy" - ông Của tần ngần nói.

Ông cho biết, hằng năm từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch là mùa sinh sản của chim, cò. "Mùa sinh sản chim kêu inh ỏi, đậu kín cây - ông Của cho hay - Một cây măng, nó làm 3-4 tổ. Các cây rừng có cây 30-40 tổ. Mùa chim làm tổ sinh con đẻ cái, mình hơi vất vả, phải thường xuyên đi xem có ai vào trộm trứng, bắn chim không. Vất vả nhưng vui với cảnh đời".

Với ông, đàn chim không chỉ là chim trời, mà ông coi chúng như con cháu. Cả cuộc đời lam lũ, tài sản vợ chồng ông có 6,4ha, riêng quả đồi này rộng 4ha vợ chồng ông không trồng cây làm kinh tế mà chỉ để làm nơi cho cò, chim bay về. 

Nhà có bảy đứa con ăn học, có lúc phải vay tiền ngân hàng, nhưng vợ chồng ông Của vẫn không chặt cây trên đồi bán lấy tiền trang trải cuộc sống.

Năm ngoái người ta đánh xe hơi đến bảo trả ông 3 triệu đồng để lên đồi bắn 3 tiếng nhưng ông từ chối. "Tiền tôi không có, nhưng sao vì mấy triệu bạc mà để người ta vào bắn giết chúng nó. Từ năm 1987 đến giờ, tôi cứ để đồi đấy cho chúng nó về, sinh con đẻ cái, làm tổ. Lộc trời cho mà. Ở dưới đồi tôi làm cái chòi, chiều hay đứng đó ngắm chúng nó về. Nghe chúng nó hót hay, ngắm cảnh đẹp, vừa động viên tuổi già vừa cho con cháu vui vẻ" - ông cười hiền hậu bảo.

Để đồi cho chim về ở, hơn 30 năm coi đàn cò như con - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Của - Ảnh: MY LĂNG

Huấn luyện cháu "nối nghiệp" ông

Mùa khô, ban ngày ông nhiều lần đi kiểm tra đồi cây để tránh bị cháy rừng. Đêm tối, kể cả mùa đông rét buốt, ông vẫn lọ mọ bật đèn pin lên đồi kiểm tra xem sức khỏe cò thế nào. "Có hôm lên muộn quá, soi thấy chúng nó ngủ mê man. Hôm nào tôi cũng phải lên đồi xem cò thế nào, khỏe hay yếu" - ông bảo.

Đi kiểm tra một vòng, thấy cò ngủ yên hết, ngồi im đến 21h-22h không thấy ai vào bắn chim, ông mới an tâm đi ngủ. Mùa chim, cò đẻ thì 1h sáng ông mới về, sợ người ta soi đèn bắt trộm. Tối, ông ngủ trong cái chòi dưới ao, vừa canh cá, vừa canh đồi chim. "Có khi 1h sáng, tôi giật mình dậy lên đồi vì nghe tiếng chúng kêu quạc quạc" - ông nói.

Để giữ được vườn chim 32 năm nay, ban ngày lẫn đêm ông cụ phải canh chừng bảo vệ đàn chim khỏi bọn săn bắn, trộm chim. Mấy hôm trước, ông và con rể bắt được bốn người vào bắn trộm chim đưa lên xã. 

"Hôm đó 3h sáng tôi dậy, ra thấy hắn cắm một dàn cò giả làm mồi để cò đi ăn sáng là bắt. Tôi thu hết cò giả, đưa lên xã. Xã phạt 600.000 đồng cảnh cáo. Có lần ba người xông vào bắt chim. Nó bảo chim trời chứ có phải chim nhà ông nuôi đâu, chúng tôi bắt về cải thiện bữa ăn. Tôi bảo chim nhà tôi để cho đẹp cảnh chứ không phải để ăn thịt, chúng nó định đánh tôi. Tôi hô lên, con cháu chạy ra nên tụi nó sợ, xin lỗi rồi đi luôn" - ông kể.

Anh Lương Viết Long, con rể ông Của, cho hay: "Tôi về làm rể đã 18 năm, thấy việc làm của bố rất đáng trân trọng nên cùng ông bảo vệ đàn cò. Ông sức khỏe ngày càng yếu, mắt không còn tinh nữa. Mỗi tối khi ông mang đèn pin lên đồi kiểm tra, tôi cũng đi theo. Con cháu thấy việc làm của ông rất ý nghĩa nên noi gương cùng ông chăm sóc, bảo vệ đàn chim".

Ông Của có 17 cháu nội, ngoại. Từ bé, bọn nhỏ đã theo ông lên đồi chăm sóc chim. Ông chỉ cho bọn nhỏ đi theo ban ngày vì ban đêm sợ rắn rết, côn trùng và rất nhiều muỗi. Ông dạy các cháu biết tên từng loại chim, cách nhìn phân chim để biết sức khỏe bọn chúng. 

"Con theo ông ra vườn chim từ hồi nhỏ. Sau này lớn lên con chắc chắn sẽ thay ông nội bảo vệ đàn cò. Ở đây chỉ mỗi nhà con có vườn cò nên con tự hào lắm" - em Phạm Văn Thuận, 14 tuổi, cháu nội ông Của, nói.

"Đàn chim như con cháu của tôi"

Chỉ vào căn nhà, ông cho hay mới xây được sáu năm nay. Khi làm nhà, ông phải vay mượn. Nếu lên đồi chặt tre bán, rẻ cũng được 200.000-300.000 đồng, đắt thì cả triệu đồng một bụi tre. Nhưng ông không chặt. "Chặt cây là động, cò đi hết. Trông thấy chúng nó về tôi cũng thích, quý hóa. Đàn chim như con cháu của mình, sao nỡ đuổi chúng đi chỗ khác. Đã 32 năm chúng nó vẫn về với mình. Nó quý mình mới đến.

Tôi giữ để đất nước có cảnh đẹp. Tôi tính tiền tỉ ăn tiêu cũng hết, nhưng để cảnh đẹp này thì không bao giờ hết. Đây là tài sản chung của gia đình, của đất nước. Người dân qua lại được ngắm nghía cảnh đẹp. Có đoàn phi chính phủ mới về đây ở mấy ngày. Người nước ngoài đến đây thích lắm. Họ quay phim, chụp ảnh. Tôi không bán vé, cho vào tự do. Bán vé được mấy đồng mà mất đi ý nghĩa" - ông cụ người Mường mỉm cười bảo.

'Những đôi tay yếu' tử tế với môi trường

TTO - Một nhóm người khuyết tật có cách bảo vệ môi trường bằng hành động được gọi là việc làm của "những đôi tay yếu" Hòa Nhập Xanh. Họ đã viết lên một câu chuyện tử tế.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên