26/05/2011 07:30 GMT+7

Đế chế FIFA

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TT - Ngày 1-6-2011, Đại hội đồng Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sẽ bầu vị chủ tịch mới trong một làn sóng chỉ trích dữ dội. Chưa bao giờ xung đột tại tổ chức bóng đá quyền lực nhất hành tinh này lại gay gắt như bây giờ. Với bức tranh toàn cảnh chứa quá nhiều mâu thuẫn nội tại, nhiều người tin rằng FIFA đã đến lúc cải tổ...

TT - Ngày 1-6-2011, Đại hội đồng Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sẽ bầu vị chủ tịch mới trong một làn sóng chỉ trích dữ dội. Chưa bao giờ xung đột tại tổ chức bóng đá quyền lực nhất hành tinh này lại gay gắt như bây giờ. Với bức tranh toàn cảnh chứa quá nhiều mâu thuẫn nội tại, nhiều người tin rằng FIFA đã đến lúc cải tổ...

Kỳ 1: Những ngày nóng bỏng

FIFA có tới 208 tổ chức thuộc quyền, nhiều hơn hẳn Liên Hiệp Quốc chỉ có 192 đất nước thành viên. Nếu nói bóng đá là phương tiện nối liền và gắn kết các dân tộc thì FIFA là hiện thân của tình hữu nghị đó.

FIFA tập hợp 260 triệu cầu thủ trên toàn thế giới, tương đương dân số của một cường quốc, và nếu kể cả số người hâm mộ thì FIFA vừa có phạm vi hoạt động toàn cầu, lại vừa có ảnh hưởng sâu sắc tới hàng tỉ người.

Chiếc ghế bành giá 2.500 euro

FIFA có trong tay những phương tiện tài chính khổng lồ, một cơ cấu tài chính khoáng đạt và một quyền năng lạ kỳ với đồng tiền ngày càng nhiều lên trong bóng đá. Chỉ riêng một khoản thu nhập (World Cup) và chỉ mới tính theo một nguồn thu (bản quyền truyền hình và thương mại) đã cho chúng ta hình dung sức mạnh tài chính của tổ chức này. Nước đăng cai World Cup có thể lỗ, các đội tuyển quốc gia có thể gặp rủi ro, các CLB có thể nợ đầm đìa, nhưng FIFA thì bao giờ cũng lãi to với đơn vị tính là triệu euro.

Trụ sở mới của FIFA khánh thành ngày 29-5-2007 tại Zurich (Thụy Sĩ). Đây là một địa chỉ rất dễ tìm. Bạn đến Zurich, hỏi bất cứ ai cũng có thể tìm ra ngay con đường đến “Home of FIFA” - tên gọi của trụ sở này. Đến điểm cuối của một đường xe điện, bạn xuống tàu cạnh một công viên lớn, đi bộ khoảng vài trăm mét, rẽ trái là đường phố nổi tiếng:”Phố FIFA”. Trụ sở FIFA nằm trên con phố ngắn ngủi này. Ngắn ngủi nhưng cũng đủ tạo nên cảm giác đặc biệt: FIFA như là một lãnh địa riêng, giống như Vatican ở Roma.

Lãnh địa gồm một ngôi nhà chín tầng với sáu tầng ngầm chìm trong lòng đất, kèm theo là sân bóng đá hiện đại. FIFA không sử dụng năng lượng hóa thạch, không thải khí CO2, đây là một công trình kiến trúc sinh thái trị giá 210 triệu euro. Văn phòng chủ tịch Sepp Blatter nằm ở tầng trên cùng. Ông ngồi trong chiếc ghế bành có giá 2.500 euro, tường, sàn và bàn ghế đều chế tạo từ gỗ lấy ở gốc cây hạt dẻ khai thác trong rừng rậm châu Phi. Lương của Blatter là 1,5 triệu euro/năm do ông tự quyết định. Hết ngày làm việc, ông trở về một căn hộ tiện nghi với giá 1.450 euro/tuần, dĩ nhiên cũng do FIFA chi trả.

Chủ tịch FIFA có quyền uy của một nguyên thủ quốc gia, có sức mạnh tài chính như các nhà doanh nghiệp hàng đầu thế giới và có cả phần nào bí hiểm mang màu sắc tôn giáo. Đấy là cái chức không dễ gì có được, cái cương vị có thể tạo nên sóng gió. Ông Joao Havelange ngồi trên ghế này 24 năm. Sepp Blatter đã có 13 năm trị vì và cuộc chiến không chỉ nhằm giữ ghế cho ông mà còn ở chỗ ông giữ cái quyền truyền ngôi cho ai.

Đối diện cải tổ

Có thể nói ông Blatter là một người lỗi lạc. Ông đã thắng trong tất cả các cuộc đối đầu và ông có cách kéo về bên mình những đồng minh đầy sức mạnh. Một trong những đồng minh gắn bó nhất là Michel Platini, và ngay cả đối thủ hôm nay - Mohamed Bin Hammam cũng từng là chiến hữu của ông.

Giới quan sát có đôi chút ngỡ ngàng khi đầu năm 2011 chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) Platini công khai phê phán chủ tịch FIFA Blatter. Đầu tiên, ông Platini nói rằng trao quyền đăng cai World Cup 2022 ngay từ tháng 12-2010 là quá sớm và không cần thiết. Sau đó Platini khẳng định Blatter làm tất cả những gì mà ông ấy muốn, tuy nhiên “ông ấy cần thận trọng. FIFA là tổ chức bóng đá cao nhất, nhưng FIFA chỉ tổ chức mỗi bốn năm một giải, còn các liên đoàn châu lục, các liên đoàn quốc gia, các CLB phải làm tất cả mọi việc”. Cho nên Michel Platini nhấn mạnh: ”FIFA cần hết sức chú trọng đến khái niệm fair play - chơi đẹp”. Đồng thời ông Platini cũng không hài lòng vì FIFA buông lỏng cuộc chiến chống nợ nần và mất mát ở các CLB. UEFA, trái lại, muốn có một cuộc chơi đẹp về mặt tài chính.

Kết quả cuộc chiến này là một thỏa hiệp: UEFA khẳng định trên một văn bản các LĐBĐ quốc gia châu Âu sẽ đứng đằng sau Blatter trong cuộc bầu cử đã có lúc tưởng rằng gay go sắp tới. Và đổi lại, có dư luận nói rằng ông Blatter sẽ không ngồi nguyên trên ghế đến hết nhiệm kỳ, năm 2015, mà nhường quyền lại cho ông Platini vào năm 2013. Và với cương vị đương quyền, chắc Platini sẽ thắng nốt cuộc bầu cử năm 2015: cuộc chuyển giao quyền lực FIFA đã được tính rất xa.

Nhưng LĐBĐ Anh lại có một thái độ khác hẳn. Khoảng 20 năm nay truyền thông Anh Sunday Times, Guardian, BBC...) luôn đặt FIFA vào thế phòng ngự nhiều khi rất khó xử. Hiệp hội Bóng đá Anh cũng là một trong những LĐBĐ quốc gia hiếm hoi công khai lên án một số hoạt động trong FIFA bị xem là mờ ám và tham nhũng. Lời phản đối cũng vang lên từ diễn đàn Quốc hội Anh. Nhưng so với những cáo buộc tiền bạc liên quan đến Công ty ISL những năm 1995-1998, so với cuộc làm ăn mờ ám với VISA đầu thế kỷ 21, cuộc bỏ phiếu đầy nghi hoặc cho quyền đăng cai World Cup 2018-2022 có trọng lượng lớn hơn nhiều, đặc biệt về quy mô và hậu quả.

Cáo buộc từ nước Anh lần này liên quan đến sáu nhân vật trong Ủy ban Thường vụ FIFA. Đấy là 1/4 số thành viên ban lãnh đạo cao nhất FIFA. Nếu kể thêm hai ủy viên trước đây đã bị tiểu ban đạo đức loại bỏ thì con số đó lên tới 1/3. Thật là quá sức tưởng tượng. Điều này khiến Blatter phải liên tục thay đổi thái độ: từ chiến lược “bức tường im lặng” chuyển sang câu hỏi “bằng chứng đâu”, tới thái độ “sẵn sàng hợp tác” và cuối cùng là “có thể thay đổi”. Ngày 19-5 vừa qua, lần đầu tiên Blatter tỏ rõ một thay đổi có tính nguyên tắc:”Nếu cần, có thể xác định lại quyền đăng cai World Cup 2022”. Là tự phê phán? Hay là giáng đòn quyết định vào ông Bin Hammam, người đã dành quyền cho Qatar?

Ông Jacques Rogge, chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), cũng đã nhập cuộc. Ông nhắc lại vụ bê bối của IOC liên quan đến vấn nạn hối lộ nhân Thế vận hội Salt- Lake- City nổ ra năm 1999: ”Chúng tôi muốn thuyết phục FIFA thực hiện sự cải tổ giống như IOC đã làm ngày ấy. Chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng rằng công tác quản lý và điều hành ở những tầm cao như vậy là thật sự trong sạch”.

Không phải câu hỏi “Ai sẽ là chủ tịch FIFA?” mà câu hỏi “FIFA sẽ thay đổi thế nào?” mới là quan trọng.

Thu nhập của FIFA về bản quyền truyền hình và thương mại qua các kỳ World Cup

VŨ CÔNG LẬP

______________________

Có một định nghĩa khác: “FIFA là một cái máy in tiền trên phạm vi toàn cầu. World Cup thật ra là một giấy phép in tiền!”. Còn giới truyền thông thì cho rằng ”Blatter và FIFA của ông đang bơi trong tiền bạc”. Vậy phía sau “biển tiền” mà FIFA sở hữu, cái gì đang diễn ra?

Kỳ tới: Hai mặt của đồng tiền

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên