22/12/2013 10:02 GMT+7

Dễ chán và không có động lực làm việc

NGỌC VÂN (Q.7, TP.HCM)
NGỌC VÂN (Q.7, TP.HCM)

TT - * Tôi tốt nghiệp ngành ngoại thương và hiện là chuyên viên tại một công ty lớn. Từ lúc ra trường tới giờ tôi nhảy việc ba lần trong hai năm. May mắn là tôi thường được làm đúng chuyên ngành học, môi trường làm việc và mức thu nhập ổn... nhưng không hiểu sao làm được một thời gian tôi lại thấy chán, không còn động lực làm việc. Tôi hỏi thăm bạn bè xung quanh thì biết nhiều người cũng rơi vào trường hợp tương tự.

NST đã đem băn khoăn này đến gặp chuyên gia tại một vài đơn vị và được chia sẻ như sau:

* Bà LÊ THỊ ĐOAN TRINH (trưởng phòng học tập và phát triển Công ty VNG):

Cần hiểu đúng thế mạnh của mình

Quan sát và tiếp xúc của cá nhân tôi với nhiều sinh viên từ nhiều nhóm ngành khác nhau cho thấy hầu hết các bạn không hình dung rõ ràng về công việc mình muốn làm, cũng không xác định đâu là ngành phù hợp với thế mạnh của mình. Có thể do có ít thông tin nên các bạn đã chọn theo số đông, công việc giống bạn bè hoặc người thân.

Thực tế nhiều đơn vị đào tạo cũng thiếu cọ xát thị trường, ít thông tin thực tế nên cho ra lò một lượng lao động mơ hồ, số khác ảo tưởng về bản thân. Nhiều bạn nghĩ mình tài giỏi chỉ phù hợp vị trí quản lý, chủ doanh nghiệp... nên khi bước vào đời phải làm từ những việc nhỏ, làm ngày đêm, rèn luyện lại từng kỹ năng sẽ dễ nản lòng, muốn bỏ việc.

Thường trong ba năm đầu tâm lý chung sẽ như thế nên theo tôi lúc này các bạn phải kiên nhẫn làm việc với thái độ tích cực nhất. Qua mốc thời gian trên, các bạn sẽ phần nào hình dung đâu là công việc phù hợp nhất.

Tôi muốn nói thêm về khái niệm “work smart, not work hard” (tạm dịch: nên làm việc một cách thông minh hơn là làm cật lực). Chúng ta chỉ có thể áp dụng “work smart” khi đã tích lũy đủ thời gian “cày bừa” trong công việc. Nếu bạn muốn thuần thục một kỹ năng, thấu hiểu một mảng công việc nào đấy, bạn phải dành thời gian làm đi làm lại việc đó rất nhiều lần. Sau khi có một khoảng thời gian trải nghiệm thực tế, bạn mới có thể rút ra cho mình một số bí kíp để làm việc ấy nhanh, hiệu quả hơn và đam mê hơn.

* Ông BÙI ĐỨC CHÍNH (CEO Công ty giải pháp nhân lực BCC):

Đôi khi sự chán nản bắt nguồn từ việc bạn phân vân giữa đâu là công việc của đam mê và đâu là sở thích nhất thời. Nếu suốt ngày chỉ suy tư mà không thật sự bắt tay vào làm, trải nghiệm thì người trẻ rất dễ rơi vào tâm trạng hoang mang, hoài nghi chính mình. Lăn mình vào công việc là cách bắt buộc để tìm ra câu trả lời.

Trải nghiệm còn đòi hỏi thêm yếu tố thời gian đủ để kết luận được chính xác. Do đó nên làm công việc đã nhận với hết khả năng và lòng nhiệt thành trong khoảng thời gian ít nhất một năm rồi hãy so sánh, tránh thái độ làm việc kiểu “thử cho biết” vì điều này ảnh hưởng tới doanh nghiệp lẫn chính bạn.

Khi hết mình với công việc, những thành quả tạo ra sẽ giúp bạn có cơ hội nhìn lại, chọn con đường tạo ra giá trị tốt đẹp, phù hợp nhất để góp phần phát triển bản thân lẫn xã hội. Nên nhớ việc làm ở mỗi thời điểm đều có sự khắc nghiệt nhất định. Bình tĩnh đón nhận, không ngừng vận động, tin tưởng vào tương lai và nỗ lực làm việc hết sức sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác chán ngán công việc.

NGỌC VÂN (Q.7, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên