19/10/2023 10:05 GMT+7

Để bóng đá Việt Nam phát triển bền vững: Phải mời thêm nhiều ông chủ

SĨ HUYÊN
và 1 tác giả khác

Đây là khẳng định của ông Phạm Phú Hòa - người từng là phó tổng giám đốc phụ trách tài trợ trong hai nhiệm kỳ của Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) - với Tuổi Trẻ.

Công nghệ tổ chức trận đấu cũng cần thay đổi để thu hút khán giả đến sân - Ảnh: ANH TUẤN

Công nghệ tổ chức trận đấu cũng cần thay đổi để thu hút khán giả đến sân - Ảnh: ANH TUẤN

Ông Phạm Phú Hòa cũng từng là giám đốc điều hành và góp công không nhỏ đưa CLB Gạch Đồng Tâm Long An đoạt hai danh hiệu vô địch V-League 2005, 2006.

Ông Hòa nói:

- Dù đã đi qua hơn hai thập niên theo mô hình chuyên nghiệp nhưng hầu hết các CLB đều tồn tại bởi “bầu sữa” của một ông bầu. Trong kinh doanh, không một ông bầu hay doanh nghiệp nào cũng luôn thành công. Và điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của CLB qua việc cầu thủ bị nợ lương, nợ phí lót tay, thiếu tiền thưởng...

“Đông tay sẽ vỗ nên kêu”

* Dù đã chia tay bóng đá nhưng từng là giám đốc điều hành của CLB, là người phụ trách tài chính của VPF, ông nhìn mùa bóng mới thế nào?

Ông Phạm Phú Hòa

Ông Phạm Phú Hòa

- Sẽ rất khó khăn. Đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn kinh tế như hiện nay, các ông bầu cũng như các nhà tài trợ lớn rất dễ đuối sức trong việc duy trì nguồn tài chính cho CLB.

Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề của Tuổi Trẻ: phải có thêm thật nhiều ông chủ lớn cũng như nhỏ tham gia vào hoạt động và phát triển của bóng đá Việt Nam.

Hiện nay sẽ rất khó để tìm kiếm những nhà tài trợ với giá trị vài tỉ đồng cho bóng đá.

Trong khi đó ở các địa phương, số lượng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa là rất đông.

Đã từng làm công tác kêu gọi tài trợ nên tôi biết các DN này cũng có nhu cầu quảng cáo, cũng muốn đóng góp cho bóng đá địa phương...

Với khả năng của họ, một vài trăm triệu đồng/năm thậm chí một vài chục triệu đồng/năm cũng là đóng góp quý giá với CLB. “Đông tay sẽ vỗ nên kêu8, CLB huy động được nguồn lực này mới có hy vọng phát triển bền vững.

* Nói nghe thì dễ nhưng làm thế nào để kéo họ vào guồng máy bóng đá mới là vấn đề?

- Các ông bầu cũng biết nguồn lực từ cộng đồng DN, nhưng nhiều người vẫn xem đội bóng là của mình và luôn gắn thương hiệu của DN vào tên gọi của CLB. Đây là bất lợi rất lớn cho CLB khi kêu gọi tài trợ.

Điều này do không một cá nhân, DN nào đồng ý bỏ tiền tài trợ, nhưng DN chủ quản của CLB lại được hưởng lợi. Đây là khúc mắc rất lớn trong việc huy động tài trợ cho CLB.

* Theo ông, gỡ khúc mắc này như thế nào?

- Học bóng đá nước ngoài thôi. Xem bóng đá Anh, Tây Ban Nha, Đức... đâu có CLB nào gắn tên DN vào CLB. Emirates tuy tài trợ nhưng chỉ được gắn tên lên sân đấu của CLB Arsenal. Vậy là ổn.

Với bóng đá Việt Nam, dù bỏ đi cái tên T&T và Gạch Đồng Tâm, người hâm mộ đều biết rằng đó là hai CLB nổi tiếng: Hà Nội của bầu Hiển, Long An của bầu Thắng. Khi tên DN nhường chỗ cho tên của địa phương, việc kêu gọi tài trợ sẽ khả quan hơn bởi khi đó sẽ dễ dàng đáp ứng được các yêu cầu mà những DN khác đặt ra với CLB.

Thậm chí CLB có thể thuyết phục địa phương cho phép thay tên sân vận động bằng thương hiệu của một DN trên địa bàn để tạo thêm nguồn thu. Chỉ có linh động trong cách làm mới có thể huy động được nguồn lực tài chính từ cộng đồng.

Làm mới công nghệ tổ chức trận đấu

* Như vậy, CLB cũng phải chuyển mình?

- Đúng vậy. Đội ngũ làm marketing, truyền thông của CLB phải năng động hơn, sáng tạo hơn trong việc đưa ra những hình thức để đáp ứng quyền lợi với đối tác. Mỗi địa phương đều có hàng ngàn DN nhỏ và vừa.

Nếu biết cách mời gọi, đáp trả thiết thực các yêu cầu thông qua các hình thức quảng cáo đa dạng trước, trong và sau trận đấu trên nhiều nền tảng khác nhau... thì các ông chủ nhỏ và vừa sẽ tiếp sức cho các CLB.

Nhiều sân ở Việt Nam vẫn còn đặt bảng quảng cáo cố định quanh sân. Vậy thì làm sao đáp ứng được nhu cầu quảng cáo của số lượng lớn nhà tài trợ như đã nói ở trên. Vì vậy, CLB phải đầu tư bảng quảng cáo theo kiểu màn hình để chạy thương hiệu của các nhà tài trợ.

* Cách tổ chức trận đấu có cần phải làm mới?

- Chuyện làm mới cách tổ chức trận đấu cũng phải tính đến. Xem trận đấu ở Nhật tôi rất thích khi họ đặt màn hình lớn quay lại các pha bóng đẹp, các pha làm bàn... cộng với những lời bình luận rất vui khác với kiểu bình luận chính thống trên tivi.

Điều này giúp không khí trận đấu rất sôi động, náo nhiệt... Nhìn chung công nghệ tổ chức phải mang tính giải trí cao với khán giả chứ không chỉ đến sân xem xong rồi về.

Bóng đá Việt hiện vẫn phụ thuộc vào một vài ông chủ - Ảnh: MINH ĐỨC

Bóng đá Việt hiện vẫn phụ thuộc vào một vài ông chủ - Ảnh: MINH ĐỨC

Gắn kết với địa phương

Với kinh nghiệm của mình, ông Phạm Phú Hòa cho rằng “trên địa bàn đóng quân của mình, CLB luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.

Do sức lan tỏa rất lớn và rất xa của bóng đá trong xã hội, trong đời sống cộng đồng nên thành tích của CLB phần nào gắn với hình ảnh của địa phương khi được truyền thông nhắc đến hằng ngày trên đủ loại phương tiện.

Do đó nếu lãnh đạo CLB có sự kết nối chặt chẽ, tạo được niềm tin với lãnh đạo UBND tỉnh thành, điều đó trở thành một kênh thông tin thiết thực để trở thành lời kêu gọi doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng chung tay đóng góp, xây dựng và phát triển bóng đá địa phương.

Vì vậy thư ngỏ của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trong việc kêu gọi ủng hộ đội bóng là điều rất quý với đội bóng".

Bóng đá Việt Nam đặt nhiều mục tiêu năm tớiBóng đá Việt Nam đặt nhiều mục tiêu năm tới

Hôm qua (15-10), Đại hội thường niên Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) năm 2023 tại Hà Nội đã thông qua nhiều nhiệm vụ, mục tiêu quan trọng cho bóng đá Việt Nam trong năm 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên