Theo thầy Võ Thanh Liêm - phó hiệu trưởng, tất cả học sinh của trường là người dân tộc Bru - Vân Kiều, vì thế hầu hết các em sau khi học xong chương trình lớp 9 tại trường, một số tiếp tục học lên THPT, còn lại trở về địa phương sinh sống. “Con chữ học được trong trường rồi sẽ rơi rụng dần trên các mảnh nương, cánh rừng... Nhưng nếu dạy thêm cho các em cách trồng lúa nước nữa sẽ là một cách hay để các em “có nghề” làm ăn sau này” - thầy Liêm thổ lộ.
Thực hành trên ruộng
"Con chữ học được trong trường rồi sẽ rơi rụng dần trên các mảnh nương, cánh rừng... Nhưng nếu dạy thêm cho các em cách trồng lúa nước nữa sẽ là một cách hay để các em “có nghề” làm ăn sau này" Thầy VÕ THANH LIÊM(phó hiệu trưởng) |
Từ ý nghĩa đó, khoảng năm năm trước nhà trường “xin” được hơn 1.000m² ruộng lúa của xã Mai Thủy ở cạnh trường. Và thửa ruộng xin được ấy trở thành ruộng học của học sinh lớp 8, 9. Làm ruộng nước cứ tưởng như chuyện đã ngàn xưa rồi, vậy nhưng với các em người Bru - Vân Kiều thì lại rất mới. Bởi thế vào những ngày vào vụ sản xuất, ruộng lúa của trường là nơi đông vui nhất. Các em lớp 8, 9 được lội ruộng bùn học cách thức làm đất, tháo nước ngâm ruộng, gieo mạ... Các em lớp dưới chưa được học thì theo chân anh chị ra ruộng ngồi xem, bàn tán rất xôm chuyện. Suốt vụ lúa, mỗi lần đến tiết học trồng lúa (trong bộ môn dạy nghề) là các em lại tay cuốc, tay cào ra ruộng như các bác nông dân trên các thửa ruộng khác.
Em Hồ Thị Phương, lớp 9, quê ở bản Eo Bù, xã Kim Thủy, không giấu được niềm vui khi nói về chuyện học làm ruộng: “Bản em không có mấy cái ruộng lúa nước mô, học ở trường được học luôn mần cái lúa nước nên vui lắm. Xong cái chữ lớp 9 về xin ba mạ tìm đất mần cái lúa nước sẽ được no cái bụng mãi”.
Hồ Văn Công thì bẽn lẽn: “Học cái lúa nước lạ lắm, ban đầu không thích mô, lười lắm, vì nhà mình không có cái ruộng đó để mần...”. Ban đầu không thích, nhưng rồi qua vài lần ra ruộng nay Công lại là người thích học nhất, chưa bỏ buổi thực hành nào. Bây giờ Công cũng như các bạn đã biết rành rẽ cách thức trồng cây lúa nước rồi: “Phải cuốc đất, san bằng mặt ruộng, lên luống gieo cái hạt lúa xuống bùn làm mạ, nhổ cái mạ lên cấy cho thành cây lúa thì con gái, hoặc gieo thẳng cái hạt xuống bùn cho lên cây lúa... Rồi chờ hơn ba tháng mới ra cắt cái hạt lúa về đâm thành gạo ăn...” - Công vừa bấm ngón tay vừa kể rành rọt.
“Giảng viên lúa nước”
Cô giáo Nguyễn Thị Thu dù được đào tạo ngành sư phạm nữ công nhưng giờ lại đảm đương khá tốt vai trò một giáo viên dạy trồng lúa. Cô bộc bạch: “Vốn là con em nông dân nên chỉ cần học thêm chút ít kiến thức và kỹ thuật trồng lúa là thành “giảng viên lúa nước” ngay thôi. Được cái các em rất ham học, thích học nên thầy cô cũng vui”.
Thầy Lê Anh Đạt ngoài công việc giảng dạy và phụ trách Đội cũng là một “giảng viên lúa nước” trên ruộng. Thầy Đạt cho biết: “Sau khi được hướng dẫn, dần dần các em làm được cả, từ đầu vụ cấy cho đến thu hoạch thóc nhập cho nhà trường... Vui nhất là mỗi khi đến vụ thu hoạch, cả trường như mở hội. Sân trường đầy rơm rạ, chỗ này là nhóm quạt thóc, chỗ kia một nhóm phơi lúa rất nhộn nhịp...”.
Lúa trồng hai vụ, thu hoạch được hơn 1 tấn, quy ra tiền 5 triệu đồng. Tất cả đều chuyển cho quỹ nhà bếp của trường, phụ thêm cho bữa ăn của các em hằng ngày ngoài tiêu chuẩn Nhà nước lo. “Một điều nữa mà các em biết thêm được qua những buổi học trồng lúa nước là các thầy, các cô đã kể về lịch sử cây lúa nước và nghề làm nông của người dân VN như những giờ học sử ngoại khóa. Điều này với các em học sinh người dân tộc Bru - Vân Kiều cũng là điều mới lạ” - thầy Liêm nói.
Phóng to |
Thầy giáo Lê Anh Đạt hướng dẫn các em cách phát hiện sâu cắn lá lúa trong giờ học nghề trồng lúa nước - Ảnh: Lam Giang |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận