​Dạy cầm chừng, chờ hướng dẫn

H.HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi
H.HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi

TT - Tình trạng này đang diễn ra đối với khối 12 ở nhiều trường THPT.

Sau khi dự thảo quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ được công bố, các trường đã có thể lên kế hoạch ôn tập cho học sinh nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn cần được hướng dẫn, quy định cụ thể. 

Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) chọn môn thi tốt nghiệp năm 2015. Đây là một trong những trường sớm tổ chức thăm dò cách chọn môn thi của học sinh - Ảnh: Như Hùng
Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM) chọn môn thi tốt nghiệp năm 2015. Đây là một trong những trường sớm tổ chức thăm dò cách chọn môn thi của học sinh - Ảnh: Như Hùng

* NGUYỄN THỊ THU CÚC (hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TP.HCM):

Bộ cần sớm công bố cấu trúc đề thi

Điều khiến chúng tôi lo lắng nhất hiện nay chính là những vấn đề liên quan đến đề thi. Đọc thông tin trên các phương tiện đại chúng, tôi thấy Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi của kỳ thi quốc gia sẽ phân hóa tốt thí sinh.

Nhưng “phân hóa tốt” như thế nào thì giáo viên không biết. Nhất là năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng nhập lại thành một, kể cả học viên hệ giáo dục thường xuyên cũng thi chung đề thì không biết đề thi sẽ phân hóa ra sao?

Vì vậy, trường chúng tôi mong chờ Bộ GD-ĐT sớm công bố cấu trúc đề thi (giống như việc công bố cấu trúc đề thi tuyển sinh đại học của những năm trước) để giáo viên yên tâm giảng dạy và lên kế hoạch ôn thi cho học sinh.

Ví dụ, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói rằng đề thi năm nay chủ yếu trong chương trình lớp 12. Thế thì đề thi có phần nội dung kiến thức nằm trong chương trình lớp 10, 11 hay không, nếu có thì chiếm bao nhiêu phần trăm trong nội dung đề thi? Hiện tại vì đang trong năm học nên các giáo viên khối 12 cố gắng dạy kỹ và dạy tốt chương trình lớp 12. Việc ôn lại kiến thức lớp 10, 11 thì chờ... cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT.

Những năm trước, hai kỳ thi tổ chức riêng rẽ nên giáo viên dễ dàng có cách dạy phù hợp với từng đối tượng học trò. Năm nay nếu chỉ dạy và ôn chương trình lớp 12, khi học sinh đi thi mà đề thi có phần chương trình lớp 10, 11 thì thiệt thòi cho các em quá! Còn nếu cứ dạy, ôn cả chương trình lớp 10, 11 nhưng đề thi không ra phần này cũng tội cho học sinh.

* Thầy DƯƠNG VĂN THUẦN (hiệu trưởng Trường THPT Tiền Phong, Hà Nội)

Khoảng 1-2 tuần nữa sẽ tổ chức đăng ký ôn tập

Khoảng 1-2 tuần nữa chúng tôi sẽ chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 tổ chức cho học sinh đăng ký dự kiến môn thi. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập cho học sinh theo hình thức tăng thời lượng ôn tập các môn thi trong thời gian học chính. Ngoài ra, những học sinh có nguyện vọng dự thi để lấy kết quả xét tuyển ĐH-CĐ có thể đăng ký với nhà trường để tổ chức ôn thi ngoài giờ học chính khóa. Dự kiến nhà trường kết thúc năm học vào khoảng ngày 22-5 đối với học sinh lớp 12, sau đó dành thời gian cho học sinh ôn tập.

*HÀ THỊ PHƯƠNG LAN (phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội):

Sẽ khó khăn hơn cho các trường trong quản lý học sinh

Với việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia muộn hơn gần một tháng so với dự kiến ban đầu và muộn hơn một tháng so với thời điểm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước, chắc chắn sẽ phải có những điều chỉnh trong việc tổ chức ôn tập, quản lý học sinh, hoàn tất hồ sơ đăng ký dự thi của học sinh. Hiện chúng tôi vẫn đang phải chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT về việc này.

Theo định biên mọi năm thì muộn nhất là cuối tháng 5 các trường phải hoàn thiện hồ sơ học sinh lớp 12, kết thúc năm học.

Nhưng với việc lùi thời gian thi như năm nay, chúng tôi chưa biết khi nào phải hoàn thiện hồ sơ, công tác quản lý học sinh, tổ chức ôn tập cũng phải thay đổi. Hiện tại chúng tôi mới chỉ đạo giáo viên của tám môn thi vừa dạy học theo chương trình vừa kết hợp tổ chức hướng dẫn ôn tập cho học sinh.

* Thầy NGUYỄN TÙNG LÂM (hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội):

Lo ngại các trường thả nổi học sinh

Việc lùi thời gian thi đến tháng 7 thay vì tháng 6 như dự kiến là thông tin khiến các nhà trường, học sinh phấn khởi, bởi các em sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc học tập, ôn luyện.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng nên xem xét và quy định rõ việc dạy học trong thời gian này ra sao. Nếu như quy định hiện nay thì các nhà trường sẽ nghỉ hè từ đầu tháng 6. Vậy trong thời gian này đến trước khi thi (tháng 7), các trường có tiếp tục tổ chức hoạt động giáo dục, học tập cho học sinh hay học sinh tự ôn tập?

Nếu nhà trường vẫn hoạt động thì giải quyết chế độ cho giáo viên như thế nào? Việc thu đối với học sinh thực hiện ra sao, tránh tình trạng lợi dụng việc này để thu trái quy định.

Với những đổi mới của kỳ thi năm tới, tôi cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT cần chỉ đạo rõ hơn để thí sinh, phụ huynh và các nhà trường thấy được vai trò của kỳ thi THPT quốc gia này không chỉ nhằm tuyển chọn học sinh vào ĐH, CĐ mà phải quan niệm đây là kỳ thi đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh THPT. Đánh giá đầu ra theo đúng nghị quyết 29TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

Các nhà trường THPT phải thấy trách nhiệm cao trong việc đánh giá quá trình rèn luyện của học sinh.

Nên những học sinh nào thiếu ý thức rèn luyện; tinh thần, thái độ học tập không chuyên cần, liên tục vi phạm những điều nhà trường THPT cấm thì không được dự thi tốt nghiệp. Không nên để tình trạng các nhà trường thả nổi học sinh cứ học hết lớp 12 là nâng điểm, nâng xếp loại để học sinh đủ điều kiện đi thi mà không có một yêu cầu giáo dục chặt chẽ.

* Thầy NGUYỄN QUANG MINH (tổ trưởng tổ sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, TP.HCM):

Cần chuẩn bị tâm lý cho học sinh

Trước đây, khi nghe tin kỳ thi quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 6, giáo viên chúng tôi vội vàng dạy cấp tập cho học sinh vì sợ không đủ thời gian truyền tải hết kiến thức cần thiết cho các em đi thi. Nay dự thảo lại nói tháng 7 mới thi, chúng tôi thở phào nếu được như vậy thì bình tĩnh hơn một chút, không phải “chạy” chương trình nữa.

Mặc dù vậy nhưng với những giáo viên trẻ, ít kinh nghiệm thì rất bị động. Tôi chỉ mong sao những thay đổi về thi cử như thế này Bộ GD-ĐT hãy công số sớm, trước khi thực hiện chính thức một năm để giáo viên chúng tôi có thời gian chuẩn bị, lên kế hoạch giảng dạy cho phù hợp. Ngay cả tâm lý học sinh cũng cần chuẩn bị chứ không phải cứ nói là làm ngay khiến các em rất ưu tư.

Đến thời điểm này, học kỳ 1 đã kết thúc nhưng các thông tin về kỳ thi vẫn chưa chính thức. Phụ huynh, học sinh cứ đồn đoán đủ thứ liên quan. Đợt vừa rồi có phụ huynh còn hỏi tôi “có phải đề thi năm nay tương tự đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 hay không?” khiến tôi tá hỏa.

Một kỳ thi mà kết quả được dùng để xét tuyển sinh đại học thì mức độ không thể tương tự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước được. Kể câu chuyện như thế để thấy rằng học sinh đang có tâm lý vừa học vừa chờ - chờ xem năm nay các em sẽ thi như thế nào. Ngay cả một số giáo viên hiện cũng rất bối rối.

* Thầy NGUYỄN TRUNG DŨNG (hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội):

Mỗi môn học tăng 1-2 tiết/tuần

Vì trường tôi là trường ngoài công lập, học sinh tựu trường trước một tháng so với các trường công lập khác nên chúng tôi có thể linh hoạt trong việc thực hiện kế hoạch dạy học.

Cụ thể, học sinh lớp 12 ngay từ học kỳ 1 đã được bố trí tăng 1-2 tiết/tuần đối với tám môn học có trong kỳ thi quốc gia. Đầu học kỳ 2, chúng tôi sẽ họp cha mẹ học sinh toàn trường để xin ý kiến. Căn cứ vào ý kiến và nguyện vọng của cha mẹ học sinh, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi ôn tập ngoài giờ học chính khóa.

Với việc tăng thêm một tháng để ôn tập trước khi bước vào kỳ thi, học sinh sẽ có thêm thời gian ôn tập. Tuy nhiên với một kỳ thi có nhiều điểm mới như kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi cũng mong Bộ GD-ĐT có gợi ý về cấu trúc đề thi để các nhà trường có định hướng cho học sinh trong việc ôn tập, tùy theo mục đích thi để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ.

Phó hiệu trưởng một trường THPT tư thục ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên):

Vừa dạy vừa chờ, ngổn ngang trăm mối

Bộ GD-ĐT mới thay đổi quy chế thi năm trước, năm nay lại thay đổi nữa. Giáo viên trường tôi cứ ước ao phải chi Bộ GD-ĐT công bố ngay từ năm trước thì họ không phải lo lắng, bất an như bây giờ.

Bức xúc quá tôi nói thế chứ Bộ GD-ĐT đã quyết, các trường phải làm theo. Chúng tôi đang ngóng chờ Bộ GD-ĐT sớm ban hành quy chế thi. Người ta bảo thi như thế nào thì dạy và học như thế ấy. Vậy mà đến giữa năm học rồi mà cả giáo viên, học sinh cũng không biết “mặt mũi” cấu trúc đề thi như thế nào cho các em rèn luyện.

Đến thời điểm này, các học sinh đã đặt ra hàng loạt câu hỏi với chúng tôi: môn tiếng Anh năm nay có còn câu hỏi tự luận hay không, nếu còn thì Bộ GD-ĐT sẽ ra theo kiểu nào (đừng như năm trước, giáo viên cứ phải đoán già đoán non dẫn đến tình trạng ôn thi một kiểu, còn đề thi lại ra kiểu khác khiến một số học sinh khóc ròng).

Ở môn địa lý: những năm trước thi tuyển sinh đại học không cho sử dụng Atlat, chỉ có kỳ thi tốt nghiệp mới cho sử dụng Atlat. Vậy kỳ thi năm nay có cho sử dụng hay không. Ở trường tôi, ban giám hiệu vẫn chỉ đạo giáo viên phải dạy cho học trò cách sử dụng Atlat và chờ... quy chế thi.

Rồi việc tổ chức thi theo cụm khiến trường chúng tôi đang rất băn khoăn. Những năm trước các em thi theo đơn vị trường THPT nên nhà trường tổ chức xe đưa đón các em đi thi. Năm nay nếu các em thi theo đơn vị đăng ký tuyển sinh vào đại học thì sẽ rất khó khăn. Tóm lại, trường chúng tôi vừa dạy vừa chờ trong tâm trạng “ngổn ngang trăm mối tơ vò”...

H.HƯƠNG - VĨNH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên