18/02/2019 10:26 GMT+7

Dạy cách nhường nhịn nhau

HÀ MY ghi
HÀ MY ghi

TTO - Mặc dù có giảm so với tết năm 2018, tết năm nay vẫn còn đến 6.000 người phải nhập viện do dùng nắm đấm giải quyết mâu thuẫn.

Dạy cách nhường nhịn nhau - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm ngẫu nhiên hai bệnh nhân vào tối 30 tết vừa qua tại Bệnh viện Việt - Đức. Một trong hai người vào viện do đánh nhau và có uống rượu trước đó - Ảnh: LAN ANH

Hai vị khách người nước ngoài có thời gian sinh sống, làm việc tại Việt Nam chia sẻ góc nhìn của họ về vấn đề này.

* Ông Joe Edwards (người Anh): Căng thẳng và rượu bia dẫn đến bạo lực

joeedwards

Theo tôi, ở Việt Nam có nhiều trường hợp mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau là do mùa lễ, đặc biệt là tết, nhiều người phải chịu áp lực, đặc biệt những người gặp khó khăn về mặt tài chính. 

Căng thẳng là một trong các nguyên nhân khiến con người trở nên hung hăng và bạo lực hơn, ngay cả khi không chịu ảnh hưởng của rượu bia. Trong khi đó, tết là thời gian nhiều người ăn tiệc và uống khá nhiều thức uống có cồn. Hai yếu tố vừa nêu là "công thức" cho một cuộc cãi vã lớn dẫn đến bạo lực, đặc biệt khi tần suất tụ tập lại ngày càng lớn.

Đây không chỉ là vấn đề mà Việt Nam đang đối mặt. Tại Anh, vào mùa Giáng sinh chúng tôi cũng gặp vấn đề tương tự. Sự gia tăng bạo lực vào các kỳ nghỉ lễ lớn có lẽ là vấn đề các nước đều chứng kiến.

Trong sáu năm sinh sống tại Việt Nam, tôi thường xuyên nghe báo đài nói về những cuộc cãi vã và xích mích của người dân. Tuy nhiên, tôi chưa thật sự thấy một cuộc ẩu đả mà dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, do luôn có người can ngăn kịp thời và sự nóng giận của hai bên không tương đồng nên có người nhường.

Cũng chưa lần nào tôi ngồi ở quán bia, quán nhậu mà thấy khách cãi nhau to tiếng và bắt đầu sử dụng bạo lực để giải quyết. Ngược lại, tôi thấy người Việt khá lành tính, vì khi bắt đầu có cuộc cãi vã lớn, nhiều người can thiệp để tránh dẫn đến tình huống bạo lực. Tôi cho rằng mạng xã hội đã phần nào ghi nhận cái mặt xấu và nói quá lên, khiến người ngoài nhìn vào có một ấn tượng không đúng với đất nước và con người Việt Nam.

Nói về cách giải quyết vấn đề này, tôi nghĩ tốt nhất là học cách lắng nghe và đừng tiếc lời xin lỗi khi sự cố ngoài ý muốn xảy ra. Theo tôi, phần lớn tình huống đều có thể được giải quyết khi một trong hai bên chịu nhường nhau một chút. Chính vì vậy nếu can thiệp, cần giáo dục con người cách để nhường nhịn nhau nhiều hơn.

* Ông Frédéric Coutu (người Canada): Do luật pháp còn lỏng lẻo

fredericcoutu

Do tiếng Việt khá tốt, tôi được tiếp xúc nhiều với các bạn trẻ và nội dung các bạn chia sẻ trên mạng xã hội, dù tôi mới sống ở Việt Nam được gần một năm.

Tôi còn nhớ lần đầu thấy một cuộc cãi vã dẫn đến ẩu đả ở Việt Nam được ghi hình và đăng tải trên mạng xã hội. Tôi không thể diễn tả được suy nghĩ của mình lúc đó vì không tưởng tượng được rằng con người với nhau mà lại có thể cư xử kém văn minh như vậy, chưa kể họ đều là những người sinh sống ở các thành phố lớn của Việt Nam. Tôi cứ ngỡ những điều như vậy chỉ tồn tại trên phim ảnh và xã hội xưa.

Có lẽ vì bản chất người Việt quá tốt bụng và thường xuyên dung thứ cho nhau nên ngay cả khi một cuộc ẩu đả xảy ra ngoài đường và cảnh sát đến xử lý, họ cũng thường "bỏ qua cho" cùng lời cảnh báo nếu hậu quả để lại không quá nghiêm trọng.

Tôi từng nghe những câu chuyện, thậm chí hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về cá nhân sử dụng bạo lực với cảnh sát. Đây có lẽ là điều làm tôi ngỡ ngàng nhất vì ở Canada và Mỹ, việc sử dụng bạo lực chống lại người thi hành công vụ hầu như không thấy ở đời thực, dù vì lý do gì đi nữa. Phần nhiều do luật pháp gắt gao và rõ ràng.

Người Canada vốn có tính khí ôn hòa nên cách giải quyết mâu thuẫn của chúng tôi thường không sử dụng bạo lực. Khi hai người có mâu thuẫn, chúng tôi chỉ nói chuyện thôi đã là đủ. Nếu như nói chuyện chưa giải quyết được thì có thể nhờ người thứ ba hoặc người thực thi công vụ như cảnh sát giải quyết giúp. 

Ngay cả khi có một cuộc cãi vã dẫn đến ẩu đả, các bên liên quan sẽ được giải thích rõ ràng về sai trái của hành vi đó, và cách nói chuyện sao cho hiệu quả để tránh điều tương tự xảy ra. Một khi ẩu đả xảy ra và cảnh sát đứng ra giải quyết, vụ việc sẽ được lưu trong hồ sơ của các bên liên quan. Như vậy, các cá nhân này tìm kiếm công việc cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.

Như một phần giải pháp, tôi nghĩ bản thân người thi hành công vụ cần phải lịch sự và dễ chịu với người dân như chính cảnh sát của Canada vậy. Làm được điều này, nhiều người dân sẽ lấy làm gương và học tập theo, thay vì "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" mỗi khi mâu thuẫn xảy đến. Điều này trẻ em nên được dạy ở trường học từ khi còn bé. 

Tuy nhiên, lịch sự không đồng nghĩa với dễ dãi. Tôi thấy ở Việt Nam luật pháp khá lỏng lẻo các đối tượng sử dụng bạo lực với người khác không bị một hình phạt rõ ràng nào, trừ khi có người bị thương nặng.

Giúp đỡ người kém may mắn

Theo ông Frédéric Coutu, một giải pháp khác cho vấn đề người ta hay sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là con người nên giúp đỡ lẫn nhau. "Trong xã hội không phải ai cũng có được một gia đình hoàn hảo, nhận được toàn bộ sự yêu thương, lớn lên trong một môi trường tốt và có điều kiện tài chính ổn định.

Thiếu đi một trong số những điều này, con người ta dễ dàng trở nên bạo lực hơn nên khi chúng ta giúp đỡ những người kém may mắn, họ sẽ không còn tự ti và học được cách hòa mình vào xã hội, có cảm tình hơn với những người khác. Dù đây không phải một cách giải quyết vấn đề trực tiếp, tôi nghĩ đó là giải pháp gián tiếp khá hiệu quả" - ông Frédéric Coutu nhìn nhận.

Tuân thủ luật và nhường nhịn nhau khi ra đường Tuân thủ luật và nhường nhịn nhau khi ra đường

TTO - “Tôi tham gia Giải chạy Kizuna Ekiden để truyền đến cộng đồng thông điệp hãy tập thể thao và tham gia giao thông an toàn. Khi ra đường, mọi người hãy tuân thủ luật và nhường nhịn nhau”.

HÀ MY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên