Dân bức xúc vì trụ trì rước tượng mình vào chùa
Phóng to |
Nhà tắm, nhà vệ sinh được xây sát cạnh chùa chính - Ảnh: H.Hương |
Ngày 5-11, hàng nghìn người dân cùng kéo đến chùa Chân Long để đưa pho tượng mới không rõ nguồn gốc ra khỏi chùa. Giải thích với người dân, sư trụ trì Thích Minh Phượng nói rằng đó là tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nhưng người Chàng Sơn thì cho là pho tượng nặng 350kg bằng đồng có môi đỏ như son, lông mày đen rậm quá giống với sư Thích Minh Phượng. Làng trên xóm dưới ở Chàng Sơn chia thành hai phe, đấu đá, cự cãi lẫn nhau.
Tượng cổ mất tích, tượng mới gây tranh cãi
Theo báo cáo của UBND xã Chàng Sơn, bức tượng cổ vua cha Ngọc Hoàng bằng đất nung, bên ngoài sơn son có niên đại từ 300-400 năm. Vào năm 2012, người dân Chàng Sơn hoảng hốt khi pho tượng bỗng dưng mất tích khỏi gian thờ. Trong khi đó, trong biên bản buổi làm việc vào tháng 5-2012 với chính quyền xã, sư trụ trì Thích Minh Phượng thừa nhận “pho tượng không phải bị mất mà do bị mối xông vỡ nát. Sư trụ trì đã bỏ tượng bị vỡ vào bao tải và đem ra sông Tây Ninh gần đó đổ xuống”. Tuy nhiên, cả chính quyền và người dân không hề chứng kiến, cũng không hề có chứng cứ về việc pho tượng bị hỏng, vỡ nát.
Biên bản làm việc của UBND xã Chàng Sơn với sư trụ trì suốt từ năm 2010-2013 dài gần 100 trang. Lãnh đạo UBND xã Chàng Sơn cho biết “từ năm 2010-2012, sư trụ trì đã mang về tổng cộng 30 pho tượng mới không rõ nguồn gốc”. [...]. Trước sự phản ứng của người dân, sư trụ trì buộc phải mang những bức tượng mới ra khỏi chùa chính”. Những bức tượng này đến sáng 7-11 vẫn được xếp vào một góc nhà phía trái chùa.
Đỉnh điểm của bức xúc là khi sư trụ trì Thích Minh Phượng tự ý đặt pho tượng bằng đồng mà người dân cho là giống sư trụ trì tại tam bảo chùa chính. “Tượng của chùa làng tôi chủ yếu bằng đất nung, bên ngoài có sơn son chứ không phải vàng chói lên như thế”, anh Chu Văn Sơn (nhà đối diện cổng chùa) bức xúc nói.
Bức tượng mới vừa bị người dân đưa ra khỏi chùa - Ảnh: UBND xã Chàng Sơn |
Làm nhà vệ sinh ngay cạnh tam bảo
Có lẽ ít có ai còn nhận ra Chân Long Tự là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Sát cạnh tam quan, nằm hiên ngang phía phải ngôi chùa là ngôi nhà để ôtô của sư trụ trì. Ngôi nhà lợp tôn, có cửa sắt kéo được khóa chặt. Trước cửa chùa chính, hàng thịt, hàng cá được bày la liệt. Chuyện bán mua diễn ra hằng ngày.
Không những thế, sát bên trái chùa chính, một khu nhà vệ sinh, nhà tắm cũng được sư trụ trì xây dựng. Chính quyền xã đã nhiều lần đình chỉ thi công nhưng khu vệ sinh này vẫn được xây dựng và tồn tại từ năm 2010 đến nay. Hố làm bể phốt nhà vệ sinh được đào ngang thân chùa chính. Trong biên bản làm việc với UBND xã Chàng Sơn năm 2012, sư Thích Minh Phượng thừa nhận việc làm nhà vệ sinh ngay bên cạnh tam bảo. Nhưng ông khẳng định: “Việc xây nhà vệ sinh đơn giản nhằm phục vụ cá nhân. Nếu các ông (chính quyền xã - PV) bảo đúng thì nó đúng, nếu các ông bảo sai thì nó sai”.
Ngày 7-11, phóng viên Tuổi Trẻ và người dân đã nhiều lần liên lạc với sư Thích Minh Phượng nhưng không thành. Sư khóa cửa đi vắng. “Điều chúng tôi muốn bây giờ là hãy trả lại cho dân Chàng Sơn sự bình yên. Chỉ vì những xáo trộn trong ngôi chùa mà người dân mất đoàn kết. Chúng tôi không cần những bộ bàn ghế mấy trăm triệu đồng mà sư trụ trì kêu gọi cung tiến cho chùa. Pho tượng Ngọc Hoàng nếu mất rồi thì chúng tôi cũng không bắt đền đâu. Nhưng mất rồi mong ông để trống đó. Đến bao giờ người dân chúng tôi xin được Nhà nước cho phép làm bức tượng mới thì hẵng làm. Cả làng làm nghề chạm khắc đồ thờ, hãy để chúng tôi làm bằng bàn tay của mình, làm bằng cái tâm của mình chứ không cần phải đi thuê nơi khác làm. Chứ cứ tiếp diễn tình trạng này chúng tôi đau xót lắm”, anh Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Từ những uất ức, đau xót trước không gian thờ tự đang dần biến dạng, nhiều người dân Chàng Sơn đành chọn cách không lên chùa - việc mà họ vẫn làm suốt hàng chục năm nay. “Chúng tôi không muốn lên chùa nữa. Chúng tôi già rồi sẽ chết, nhưng nếu cứ thế này thì bọn trẻ lớn lên chẳng còn biết luật lệ cổ xưa nữa”, một người dân Chàng Sơn bày tỏ.
Phải dựa vào lòng dân để xử lý Trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội, hai vị hòa thượng đồng thời là đại biểu Quốc hội: Thích Thanh Quyết - ủy viên, và Thích Bảo Nghiêm - phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, đều khẳng định việc để xảy ra những chuyện lình xình gây bức xúc cho phật tử và nhân dân địa phương là lỗi lầm của người tu hành. “Việc thay tượng là phải thực hiện theo Luật di sản văn hóa chứ không thể tùy tiện muốn làm thế nào thì làm. Việc xô xát giữa sư trụ trì và người dân tôi chưa nắm được kỹ nhưng ở đâu thì nhà chùa cũng phải được lòng dân. Bây giờ sự việc đã xảy ra như vậy thì chúng ta phải dựa vào lòng dân để xử lý. Thành hội Phật giáo Hà Nội phải xem xét sự việc này” - hòa thượng Thích Thanh Quyết nói. Theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, khi có thông tin về vụ việc ở chùa Chân Long, Thành hội Phật giáo Hà Nội đã tìm hiểu và biết rằng tượng mới đưa vào chùa là tượng Phật hoàng được đúc bằng đồng từ Quảng Ninh đem về. Cái sai của sư trụ trì là đã tự ý đem tượng về mà không báo cáo với địa phương. LÊ KIÊN |
Điệp khúc kiểm tra, phân cấp Ngày 8-11, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã có công văn gửi UBND huyện Thạch Thất đề nghị kiểm tra, xử lý những vi phạm tại chùa Chân Long. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trương Minh Tiến (phó giám đốc sở phụ trách di sản) cho biết: “Thật ra, việc quản lý di tích theo quyết định số 11 của UBND TP Hà Nội đã phân cấp cho huyện. Cho nên trong sự việc này huyện Thạch Thất sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật, nhất là Luật di sản. Trên cơ sở đó, huyện sẽ có văn bản báo cáo kết quả gửi Sở và TP Hà Nội”. Về mặt nguyên tắc là thế nhưng ngày 7-11 tôi đã điện thoại trực tiếp cho phía ban tôn giáo để cùng phối hợp xử lý vụ việc. Hôm nay chuyên viên của sở đã xuống làm việc với phòng văn hóa của huyện và UBND xã. Nhưng theo tôi, một di tích khi đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia rồi thì bất kỳ việc gì trong khu vực bảo vệ 1 cũng như thay đổi tượng Phật, phải có sự báo cáo và đồng ý của Bộ VH-TT&DL”. Về bức tượng gây dư luận, chiều 8-11 ông Nông Quốc Thành (trưởng phòng quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL) cho biết “Ngày 5-11 tượng đã được đưa về trụ sở xã nhưng hiện giờ không biết cả sư và cả tượng ở đâu. Hiện giờ cục chỉ biết đến như thế, cụ thể những việc khác phải đợi Sở VH-TT&DL báo cáo”. UBND xã Chàng Sơn liên tục trong hai năm (2012,2013) đều có văn bản báo cáo về các sai phạm tại Chân Long Tự gửi nhiều cơ quan chức năng và UBND huyện Thạch Thất, nhưng trong hai ngày 7 và 8-11 phóng viên Tuổi Trẻ đã cố gắng liên lạc với UBND huyện Thạch Thất nhưng thất bại. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận