31/03/2018 20:08 GMT+7

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải, giảm hơn 5 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Đó là trường hợp của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).

Đầu tư hệ thống xử lý nước thải, giảm hơn 5 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Chương trình đối thoại có sự tham gia của các khách mời đến từ Sở Tài nguyên - môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường, Phòng tài nguyên - môi trường quận 12 - Ảnh: LỆ LOAN

Nhờ đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại mà số tiền phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp của đơn vị này đã giảm từ 6 tỉ đồng xuống còn khoảng 100 triệu đồng/năm. Thông tin này được bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM, cho biết trong chương trình Đối thoại cùng chính quyền TP, do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM phối hợp với HĐND TP thực hiện ngày 31-3.

Chương trình lần này có chủ đề về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp - là một trong các đề án thực hiện nghị quyết về cơ chế đặc thù mà HĐND TP vừa thông qua. Một số doanh nghiệp gửi ý kiến tới chương trình bày tỏ băn khoăn khi phí bảo vệ môi trường phải đóng sẽ tăng lên rất nhiều so với mức tính hiện nay theo nghị định 154/2016. 

Ông Trần Thanh Hồng, phó tổng giám đốc Công ty TNHH KCX Tân Thuận, cho biết đã đầu tư hết 7 triệu USD cho hệ thống xử lý nước thải, nhưng với cách tính mới, công ty ông phải đóng thêm gần 1 tỉ đồng so với mức cũ.

Chia sẻ với những ý kiến này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ nói khi tăng phí chắc chắn sẽ có tác động nhất định đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như lợi nhuận của các đối tượng nộp phí. Nhưng qua tính toán thấy rằng nếu các cơ sở sản xuất có tính toán đầu tư, tiết giảm thì có thể khắc phục được.

Bà Mỹ nhấn mạnh: "Việc thu phí này không nhằm mục đích để tăng thu mà chủ yếu là tác động trực tiếp vào nhận thức bảo vệ môi trường với các chủ nguồn thải, tiết kiệm nước, hạn chế xả thải và đầu tư hệ thống xử lý để hạn chế xả chất thải ra môi trường".

Bà lấy ví dụ về Tổng công ty Cấp nước, những năm 2015-2016 mỗi năm phải đóng phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp khoảng 6 tỉ đồng. Nhưng đến năm 2017, nhờ đầu tư cải tiến công nghệ, có thể tái sử dụng nước sau khi xử lý, giảm xả thải nên chỉ còn phải nộp khoảng 100 triệu đồng.

Theo bà Thanh Mỹ, hiện nay việc tính phí theo nghị định 154 có nhiều bất cập, như việc thu phí nước thải công nghiệp lại thấp hơn so với mức thu phí nước thải sinh hoạt được tính trên hóa đơn tiền nước. Ngoài ra, với cách tính lưu lượng nước thải dưới 20m3/ngày đêm thu phí cố định 1,5 triệu đồng, thì càng xả thải nhiều tiền phí sẽ càng thấp. 

Như vậy tính ra nếu xả 5m3 thì phải đóng phí 833 đồng/m3, còn với 19m3 thì mức phí chỉ còn 219 đồng/m3. Còn với cơ sở kinh doanh dịch vụ mà tính theo nước thải sinh hoạt thì giá hơn 900 đồng/m3. Mức tính phí mới theo nghị quyết của HĐND TP áp dụng từ ngày 1-7 tới đây sẽ khắc phục những bất cập này.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên