Hồ điều tiết sinh học nằm trong hệ thống xử lý nước thải kênh Ba Bò được đầu tư tới 440 tỉ đồng nhưng nay phải ngưng hoạt động - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mới đây nhất, TP.HCM đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải bằng công nghệ hồ sinh học trên dòng kênh này nhưng nguồn nước không cải thiện được vì mức độ ô nhiễm quá nặng.
Hồ sinh học ngưng hoạt động vì quá ô nhiễm
Chúng tôi trở lại kênh Ba Bò (nối TP.HCM và Bình Dương) vào cuối tháng 2-2020. Đứng bên con kênh, chúng tôi cảm thấy rất khó chịu vì mùi hôi bốc lên nồng nặc. Đoạn kênh dưới dạ cầu tỉnh lộ 43 bọt trắng thành từng đám nổi trên mặt nước.
Càng đi về phía hạ lưu kênh Ba Bò mực nước càng thấp, có khu vực lòng kênh cạn trơ đáy. Khu vực sát hồ xử lý nước thải, các loại rác nổi lềnh bềnh. Thậm chí có nơi người dân còn vứt cả tấm nệm cao su, thùng xốp xuống lòng kênh...
Chị Phương, người dân ở gần bên hệ thống xử lý nước thải, bày tỏ: "Chúng tôi thấy đường sá dọc kênh và hồ đã được Nhà nước trải bêtông đi lại thuận lợi. Trong hồ sinh học thì thấy máy móc cũng đã chuyển tới mấy năm nay nhưng không thấy hoạt động. Chúng tôi không biết bao giờ mới thoát khỏi mùi hôi này".
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM - cho biết hồ sinh học nằm trong hệ thống xử lý nước thải kênh Ba Bò hiện nay tạm ngưng hoạt động.
Nguyên nhân là các trạm bơm nước vào hồ sinh học không thể vận hành liên tục do rác thải không được kiểm soát từ thượng nguồn đổ về, tích tụ tại các hố thu nước gây nghẹt guồng bơm. Dù các công nhân của đơn vị thi công đã liên tục vớt rác nhưng cũng không khắc phục được tình hình.
Ngoài ra, theo ông Dũng, hồ sinh học hoạt động theo công nghệ hiếu khí. Do đó hồ chỉ tiếp nhận và xử lý nguồn nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nước thải công nghiệp đã được xử lý đạt chuẩn.
Thế nhưng trong quá trình quản lý và vận hành tạm hệ thống xử lý nước thải, có thời điểm đơn vị vận hành nhận thấy nước thải xuất hiện màu nâu đỏ, sau 15 phút thì chuyển sang màu vàng, có ánh kim.
Sau khi các đơn vị kiểm tra cho thấy các thành phần ô nhiễm trong nước kênh Ba Bò có hàm lượng không ổn định, còn chứa thành phần kim loại nặng và các hóa chất độc hại...
"Vì vậy, đơn vị vận hành cho rằng vẫn còn nguồn nước thải công nghiệp chưa được xử lý đạt chuẩn xả vào kênh Ba Bò, dẫn tới hồ sinh học phải tạm ngưng" - ông Dũng nói.
Nhiều nguồn thải chưa xử lý
Đại diện Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Bình Dương cho biết tổng lượng nước thải từ phía thượng nguồn tỉnh Bình Dương vào kênh Ba Bò là 18.900 - 20.100m3/ngày đêm.
Kết quả quan trắc vào tháng 4-2018 so với năm 2017 (thời điểm UBND TP.HCM và UBND tỉnh Bình Dương ký kế hoạch phối hợp) cho thấy nhiều chỉ số ô nhiễm đã giảm.
Tuy nhiên, đại diện Sở TN&MT Bình Dương cũng thừa nhận một thực trạng "chưa phải tất cả các nguồn thải vào kênh Ba Bò đã được xử lý".
Giải thích thêm, đại diện Sở TN&MT Bình Dương cho biết nguồn nước thải sinh hoạt của các hộ dân khu vực thành phố Thuận An, Dĩ An chưa được xử lý triệt để.
Bởi dù tỉnh đã đưa vào hoạt động hai nhà máy xử lý nước thải lên tới 17.000 - 20.000m3/ngày đêm/nhà máy (sử dụng cho cả vùng, trong đó có khu vực kênh Ba Bò) nhưng tới nay tỉ lệ đấu nối nguồn nước thải vào hệ thống xử lý của người dân còn thấp.
Tính tới giữa năm 2018, chỉ tính riêng trên đường DT743C, tỉnh lộ 43 với khoảng 550 hộ dân mới có chưa đầy 100 hộ đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải...
Nguyên nhân người dân chậm đấu nối vì ngại, sợ tốn chi phí... nên UBND tỉnh Bình Dương đang xem xét phương án hỗ trợ chi phí, khuyến khích người dân đấu nối.
Đối với nước thải công nghiệp là nguồn thải chính vào kênh Ba Bò, sau khi phát hiện dấu hiệu "kênh Ba Bò ô nhiễm trở lại" vào cuối năm 2017, cơ quan chức năng đã kiểm tra và xác định nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Sóng Thần 2 có dấu hiệu quá tải.
Nhiều thời điểm nguồn thải từ các nơi đổ về cùng lúc quá nhiều, dẫn tới hồ chứa nước xử lý của nhà máy trên bị tràn.
Cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ đầu tư nhà máy xử lý nước thải của KCN Sóng Thần 2 nâng công suất xử lý nước thải từ 9.600m3/ngày đêm lên 12.000m3/ngày đêm. Từ đó mới đáp ứng được phần nào nhu cầu xử lý nước thải...
Để xử lý triệt để tình hình trên, UBND tỉnh Bình Dương đã thống nhất chủ trương để chủ đầu tư hai KCN Sóng Thần 1, 2 xây dựng tuyến thoát nước riêng, kết nối đồng bộ với dự án mở rộng đường DT743 (đoạn An Phú - cầu vượt Sóng Thần). Khi đó, nguồn nước thải sau xử lý của cả hai KCN sẽ được dẫn về phía hạ nguồn của TP.HCM thay vì đổ vào thượng nguồn như hiện nay.
Sở TN&MT Bình Dương cũng yêu cầu các đơn vị thuê đất của Quân đoàn 4 phải thường xuyên dọn vệ sinh, tránh rơi vãi dầu nhớt thải, giữ sạch môi trường.
Từ đó mới có thể giảm thiểu nguy cơ nước mưa cuốn theo nhớt thải, chất thải chảy ra môi trường xả vào kênh Ba Bò.
Đối với việc người dân xả rác và xả nước thải trực tiếp vào kênh Ba Bò, cơ quan chức năng sẽ tăng cường vận động, tuyên truyền người dân để thay đổi trong thời gian tới.
Khó kiểm soát được việc xả lén
Dù các KCN đều đã có hệ thống xử lý nước thải đạt công suất (trong đó Bình Dương có 2 KCN Sóng Thần 1, 2; TP.HCM có 2 KCN Bình Chiểu, Linh Trung 1) và các trạm quan trắc nước thải cũng hoạt động ngày đêm nhưng tình trạng một số doanh nghiệp xả lén nước thải chưa qua xử lý, đặc biệt là buổi tối, trời mưa vẫn xảy ra.
Sở TN&MT Bình Dương cho biết qua kiểm tra đã xử phạt 6 doanh nghiệp với số tiền 465 triệu đồng vì chưa gom hết, để rò rỉ nước thải chưa xử lý ra hệ thống thoát nước mưa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận