28/02/2015 05:00 GMT+7

Đầu tư của thể thao VN năm 2015: tập trung nguồn lực cho Asiad và Olympic

K.XUÂN
K.XUÂN

TT - Hai VĐV điền kinh sẽ tiếp tục được đưa sang Mỹ tập huấn, thể dục dụng cụ (TDDC) sẽ sang Nhật, bơi lội tập huấn tại Mỹ - Pháp - Nhật Bản...

Bộ VH-TT&DL cũng đã xây dựng đề án về đào tạo VĐV trọng điểm cho Asiad và Olympic trình Chính phủ, kinh phí đầu tư dự kiến 100 tỉ đồng/năm cho 20 VĐV đặc biệt của thể thao VN.

Tất cả những động thái này cho thấy ngành thể thao đang hướng sự đầu tư từ dàn trải sang trọng điểm. Và thay vì chú trọng vào đấu trường SEA Games, thể thao VN sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giành HCV Asiad và huy chương Olympic.

Đầu tư 100 tỉ đồng/năm cho 20 VĐV

Ông Lâm Quang Thành - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, người chấp bút chính trong đề án cấp bộ về đào tạo VĐV trọng điểm cho Asiad và Olympic từ năm 2015-2020 - cho biết đề án đã hoàn thành, hiện nay Bộ VH-TT&DL đang gửi đi thẩm định trước khi Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu của đề án là đầu tư cho 20 VĐV trọng điểm để giành thành tích tại Asiad và Olympic giai đoạn 2015-2020. Kinh phí đầu tư cho 20 VĐV này mỗi năm dự kiến khoảng 100 tỉ đồng và được lấy từ nguồn ngân sách trung ương.

Theo đề án, 20 VĐV trọng điểm này sẽ đến từ bảy môn trọng điểm: điền kinh, bơi lội, cử tạ, đấu kiếm, TDDC, bắn súng, xe đạp. 20 VĐV sẽ được chọn lọc gắt gao qua các kiểm tra, đánh giá và đặc biệt thông qua các cuộc thi đấu. Một số VĐV tiềm năng dự kiến sẽ có trong danh sách đầu tư đặc biệt là: Quách Thị Lan, Hà Thị Thu, Quàng Thị Lai, Nguyễn Thị Trúc Mai, Lê Tú Trinh (điền kinh), Nguyễn Thị Ánh Viên, Trần Duy Khôi, Nguyễn Diệp Phương Trâm (bơi lội), Phan Thị Hà Thanh, Đinh Phương Thành (TDDC), Thạch Kim Tuấn (cử tạ)...

Ông Lâm Quang Thành cho biết trong bối cảnh kinh phí cho thể thao hạn chế, muốn có thành tích ngành thể thao bắt buộc phải bước vào giai đoạn đầu tư trọng điểm đặc biệt. Và chỉ có đầu tư trọng điểm mới xuất hiện những cái tên như Nguyễn Thị Ánh Viên. Các VĐV lọt vào danh sách 20 VĐV đặc biệt này cũng sẽ được đầu tư như Ánh Viên. Tuy nhiên, VĐV có thể thay đổi dựa vào quá trình kiểm tra, đánh giá từ những cuộc thi đấu thực tế tại thời điểm tuyển chọn.

Ông Đỗ Đình Kháng, trưởng bộ môn cử tạ, cho biết ngoài Thạch Kim Tuấn thì VĐV 17 tuổi Nguyễn Trần Anh Tuấn (56kg) cũng là một trong hai VĐV cử tạ dự kiến có tên trong danh sách 20 VĐV đầu tư đặc biệt. Dù từng giành HCB Olympic trẻ nhưng Nguyễn Trần Anh Tuấn sẽ tiếp tục phải trải qua các cuộc thi quan trọng khác như Giải vô địch cử tạ thanh thiếu niên thế giới vào tháng 4-2015 tại Peru để xem xét. Nếu đạt được thành tích khả quan, có triển vọng Anh Tuấn sẽ là cái tên kế cận Thạch Kim Tuấn sau này.

Dù vậy, ông Kháng cũng chia sẻ lo lắng: “Cái khó của ngành thể thao là thiếu tiền đầu tư nên nhiều khi có VĐV tài năng nhưng không có điều kiện đầu tư tối đa để có thành tích. Còn có cơ chế, có kinh phí nhưng lại không tìm được hạt giống thật sự để chăm sóc”.

Đưa 2 VĐV điền kinh sang Mỹ

Dự kiến vào trung tuần tháng 3, hai VĐV điền kinh là Quách Thị Lan (Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Huyền (Nam Định) sẽ lên đường sang Mỹ tập huấn. Đây là lần thứ hai các VĐV được đưa sang Mỹ tập huấn. Trước đó, năm 2014 hai VĐV này cùng với Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Thúy đã được Tổng cục TDTT chi tiền đưa sang Mỹ với hi vọng đạt thành tích tốt tại Asiad 17. Tuy nhiên tại Asiad 17, thành tích của tổ phối hợp nữ không đạt được như mong muốn nên năm 2015 ngành thể thao chỉ quyết định đưa hai VĐV Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền sang Mỹ vì chỉ số thành tích của hai VĐV này có tiến bộ khá rõ.

Ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết năm 2014 tổ điền kinh đến Mỹ bằng kinh phí của Tổng cục TDTT. Sang năm 2015, Tổng cục TDTT đã làm việc với Nam Định, Thanh Hóa để các địa phương này cùng chi trả tiền tập huấn cho các VĐV. Dự kiến Tổng cục TDTT sẽ chi một nửa, một nửa do địa phương lo. Vì đã quen với việc tập huấn tại Mỹ nên dự kiến Tổng cục TDTT sẽ không cử HLV đi theo hướng dẫn hai VĐV mà giao cho chuyên gia Mỹ để giảm chi phí. Các VĐV sẽ sang Mỹ từ giữa tháng 3 và trở về khi SEA Games 28 diễn ra. Sau khi SEA Games kết thúc, Tổng cục TDTT sẽ đánh giá hiệu quả của quá trình huấn luyện để quyết định có tiếp tục đưa các VĐV trở lại Mỹ hay không.

Đến thời điểm này, TDDC cũng là một trong những môn có kế hoạch tập huấn tại Nhật Bản để nâng cao thành tích. Theo ông Thắng, hiện nay TDDC đang chờ phía Nhật Bản trả lời về việc hỗ trợ một phần kinh phí trong quá trình tập huấn. Nếu mọi việc suôn sẻ, TDDC sẽ sớm lên đường sang Nhật Bản. Đội cử tạ dù không tham dự SEA Games 28 nhưng để chuẩn bị cho Olympic 2016 cũng sẽ được đưa sang Bulgaria để tập huấn dài hạn.

Ánh Viên được đầu tư khoảng 4 tỉ đồng/năm

Thời điểm hiện tại, hai VĐV bơi lội Nguyễn Thị Ánh Viên và Hoàng Quý Phước đang được tập huấn dài hạn tại Mỹ và Nhật Bản. Kinh phí đầu tư cho Ánh Viên vào khoảng 4 tỉ đồng/năm, Quý Phước khoảng 1 tỉ đồng/năm và cũng do Tổng cục TDTT và các địa phương cùng chi trả. Riêng VĐV bơi lội Trần Duy Khôi (TP.HCM) và một số VĐV tài năng khác của TP.HCM, theo ông Vương Bích Thắng, nhiều khả năng sẽ đến Pháp tập huấn.

K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thể thao VN Asiad Olympic