20/11/2005 15:24 GMT+7

"Đấu thầu": Uy tín và đẳng cấp của một hãng phim

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Đúng ra, hơn một tháng nữa phiên đấu thầu kịch bản đầu tiên sẽ phải mở (1-2006). Gần 15 kịch bản đã được các hãng chuẩn bị cho cuộc “đua” mà giá trị của chiến thắng không phải là sự “sống, còn”, mà là uy tín và đẳng cấp của một hãng phim.

Vy6F487H.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Thời xa vắng - Ảnh: L. Thoại

Nhà nước sẽ mua đứt kịch bản

Cọ xát với nhiều nền điện ảnh ngay tại “sân nhà”, các nhà quản lý đã “vỡ” ra rằng, điện ảnh là một ngành công nghiệp, gắn liền với tài năng của đội ngũ làm phim. Cùng một kịch bản, vào tay đạo diễn giỏi, phim sẽ hay. Vào tay đạo diễn kém… phim sẽ dở. Chân lý hiển nhiên này vốn là chuyện “ai cũng biết”, nhưng chưa thay đổi được vì những thói quen bất thành văn, khó bước qua.

Ví như chuyện, kịch bản được duyệt là của đạo diễn A, thì đương nhiên đạo diễn B không được xen vào, càng không thể có chuyện hãng phim B nhảy vào sản xuất kịch bản của hãng phim A,B,C,D…nào đó. Đó là sự “xâm phạm lãnh thổ”, là “cửa tử” cho những ai… dám chơi ngông.

Nhưng với chủ trương đấu thầu, mọi chuyện nói trên đều có thể xảy ra. T.S Nguyễn Danh Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài vụ của Bộ VH-TT (đơn vị được giao soạn thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn giao kế hoạch, đặt hàng và đấu thầu trong lãnh vực điện ảnh), nêu rõ mục đích của đấu thầu là tạo ra một sự thay đổi về bản chất, được thể hiện bằng những hình thức xét duyệt mới, nhằm nâng cao chất lượng phim, việc tuyển chọn kịch bản, quyết định sản xuất…

Tất cả các hãng phim của Nhà nước và tư nhân đều được quyền gửi kịch bản dự thầu. Trên cơ sở số tiền được cấp mỗi năm, hội đồng sẽ chọn 3, 5 hoặc 7 kịch bản hay nhất. Nhà nước có thể sẽ mua đứt những kịch bản này (giá mua theo thoả thuận với tác giả kịch bản; hoặc theo barem nhuận bút được quy định tại Nghị định 61 của chính phủ).

Như vậy, thay bằng mức nhuận bút khoảng 25-27 triệu /kịch bản hiện tại, những kịch bản được mua đứt sẽ có thể “đội” giá lên gấp 2 lần (ít hoặc nhiều hơn, tuỳ theo tổng dự toán của từng phim cụ thể).

Kịch bản mua đứt sẽ được đưa ra đấu thầu, lựa chọn đơn vị sản xuất, đạo diễn phim. Giá gói thầu do cơ quan tổ chức đấu thầu đưa ra được xây dựng trên cơ sở áp dụng các định mức kinh tế cho thể loại phim truyện nhựa, các chế độ chi tiêu hiện hành, đặc điểm nghệ thuật của từng phim và quy chế tính giá tài sản hàng hoá dịch vụ ban hành theo Quyết định số 06/2005 QĐ-BTC của Bộ Tài chính.

Nếu kịch bản được viết ra bởi 1 đạo diễn có tài, đương nhiên đạo diễn này sẽ có lợi thế hơn những người khác khi xây dựng các phương án dàn dựng trên chính “mảnh ruộng” quen thuộc của mình. Qua đó, có thể bật lên, giành vị trí đạo diễn, cho dù kịch bản đã được “mua đứt” với giá khá cao.

Nếu cần… chỉ làm 1 phim/năm

Hầu hết các đơn vị sản xuất đều khẳng định, với mức kinh phí đầu tư hiện thời (trên dưới 1 tỷ/phim), không thể có phim hay. Những bộ phim “nội” có chất lượng khá đều phải tìm kiếm thêm kinh phí từ nguồn trong và ngoài nước, như Thời xa vắng, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi…, trong đó Sống trong sợ hãi (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên) đã tiêu hết số tiền 3,5 tỷ (40% vốn của hãng NHK-Nhật Bản).

Phim Hà Nội, Hà Nội (hợp tác với Trung Quốc sản xuất, dự kiến khởi quay cuối tháng 11-2005), không có những bối cảnh hoành tráng, cầu kỳ… nhưng theo các nhà làm phim Trung Quốc để đạt chất lượng kỹ thuật “chuẩn” theo yêu cầu của giới phát hành phim quốc tế và có hiệu quả nghệ thuật… “tương đối” cũng cần tới 6 tỷ (VN đóng góp 3 tỷ).

Vì thế, các đơn vị tổ chức đấu thầu phải căn cứ trên tổng dự toán cụ thể của từng phim để đưa ra giá gói thầu đảm bảo tối thiểu các yêu cầu về chất lượng kỹ thuật và nghệ thuật của phim. Theo đó số tiền 7,6 tỷ trợ giá phim năm 2006 rất có thể chỉ sản xuất được 3, thậm chí 1 phim… nếu tìm được kịch bản hay và xứng đáng tiêu hết số tiền này.

T.S Nguyễn Danh Ngà nói: “Thà 1 phim làm hay, có khán giả; hoặc tạo được tiếng vang tại các LHP quốc tế làm rạng danh điện ảnh VN, còn hơn là chia đều cho 5-6 phim, mà tất cả số phim này đều “mất hút” sau khi công chiếu ít ngày. Điều quan trọng là đơn vị tổ chức đấu thầu phải chọn chính xác kịch bản đáng làm; chọn đúng nhà sản xuất đủ khả năng làm phim có chất lượng…Nếu chọn sai, phim làm ra kém chất lượng thì hội đồng xét thầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Bởi, nếu đúng là kịch bản hay, đạo diễn có tài, đội ngũ làm phim chuyên nghiệp, đầu tư thích đáng… thì không thể có phim dở”.

Các nhà làm phim tư nhân cũng nên tổ chức “đấu thầu”

Việc đấu thầu là giải pháp nâng cao chất lượng phim do Nhà nước trợ giá, còn phim của tư nhân sản xuất (40-50%) vẫn mạnh ai nấy làm theo lối “chụp giật”, chưa chuyên nghiệp đã khiến một số phim tư nhân “bại” về doanh thu; một vài phim tuyên bố lãi bạc tỷ, cũng đã bị giới phát hành chuyên nghiệp phát giác… lãi giả.

Trên thế giới, việc sản xuất phim chủ yếu do tư nhân thực hiện. Không tổ chức đấu thầu, nhưng quy trình tiến hành lựa chọn kịch bản, lựa chọn nhà sản xuất của họ… chặt chẽ chẳng kém gì hình thức “đấu thầu” mà điện ảnh VN đang hướng đến.

Yuki Toyo Yama, Giám đốc sản xuất phim của công ty ESPRIT (Nhật Bản), tình cờ đọc được bài viết trên tờ New York Times về mối tình xuyên thế kỷ của một chàng trai người Việt với cô gái Bắc Triều Tiên. Chiến tranh đã chia cắt mối tình của họ. Sau gần 40 năm, cả hai đều đã “lên lão”, họ gặp lại nhau và đám cưới được cử hành …

Cảm động vì câu chuyện có thực này, Yuki Toyo Yama đã sang VN tìm gặp 2 nhân vật trong bài báo, sau đó cô gửi ý tưởng kịch bản này cho 3 đơn vị sản xuất và phát hành phim ở Nhật và Mỹ, đề nghị họ viết kịch bản.

Trên cơ sở 3 kịch bản được gửi về, Công ty ESPRIT đã phân tích kỹ, đánh giá, xếp loại 3 kịch bản và chọn 1 kịch bản hay nhất gửi lại cho 3 đơn vị sản xuất kia yêu cầu họ cùng tính toán, đưa ra phương thức dàn dựng và trả lời được câu hỏi: khả năng thu của bộ phim tương lai là bao nhiêu.

Hiện tại, việc chọn thầu đang được tiến hành và đơn vị “thắng thầu” sẽ là đơn vị đưa ra được mức thu cao nhất và có tính khả thi nhất. Dự kiến bộ phim sẽ được khởi quay trong năm 2006 và có một nửa bối cảnh phim được quay tại VN.

Sự mất công và… bài bản trong việc chọn kịch bản, tổ chức sản xuất của một nhà làm phim tư nhân như Yuki Toyo Yama cũng là cách làm phổ biến mà các nhà làm phim tư nhân trên thế giới đang làm. Học theo họ, chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất, các nhà làm phim tư nhân VN sẽ nâng cao được chất lượng phim và nâng tầm đứng của mình ngang với các hãng phim Nhà nước.

Vì, xu thế tất yếu trong tương lai của điện ảnh sẽ là … tư nhân hoá.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên