Phóng to |
Bà Bùi Thị Đẹp ân cần chăm sóc mẹ chồng - Ảnh: Minh Tâm |
6g sáng. Bà Đẹp, 48 tuổi, lui cui ngoài bếp đun nước sôi pha nước lạnh cho âm ấm rồi đem vào phòng. Căn phòng nhỏ, nền đất nhưng sạch sẽ tinh tươm. Trên chiếc giường được trải chiếc chiếu, phía trên có phủ thêm lớp nệm mỏng, mẹ chồng bà - cụ Nguyễn Thị Biểu, 91 tuổi - đang nằm trên đó.
Những ngày tận tụy
"Bà Bùi Thị Đẹp đã nhận phần vất vả, cực nhọc để cùng gia đình bên chồng có cuộc sống bình yên trong chuỗi ngày dài dông bão" Ông Nguyễn Quốc Trạng (phó chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) |
Sau khi lau chùi sạch sẽ cho mẹ chồng, bà nhẹ nhàng: “Mẹ ơi, ăn sáng nhe”, rồi chầm chậm đút từng muỗng cháo. Cụ ăn xong, bà bồng cụ sang giường bên cạnh. Đến giờ cơm trưa, bà bưng mâm cơm đến phòng mẹ chồng là món canh thịt bằm nấu với rau vườn. Chén cơm đầu bà đút cụ ăn ngon lành, nhưng đến chén thứ hai cụ nhơi nhai vài muỗng: “No rồi, không ăn nữa”. Bà cười tươi vỗ về: “Mẹ ráng ăn nhiều để sống với tụi con”. Khi cụ nằm nghỉ, bà mới ngồi vào bàn ăn. Rửa chén, dọn dẹp nhà xong cũng hơn 12g. Rồi vừa mátxa cho mẹ chồng bà vừa nói: “Con đấm bóp để máu huyết lưu thông, giúp mẹ dễ chịu”.
Trong lúc bà chuẩn bị cơm chiều, bất ngờ cụ ngồi dậy, đặt chân xuống giường, lên tiếng đòi đi về nhà cha mẹ ruột, nghe vậy bà lật đật chạy đến bởi biết cụ đang rơi vào trạng thái lẩn thẩn. Vừa dìu cụ lên giường, bà vừa khuyên: “Ông bà ngoại mất lâu rồi, mẹ ơi”. Cụ càu nhàu: “Mày nói dóc, cha mẹ tao còn sống... Tao không có con, chỉ có mày là cô hàng xóm tốt bụng”. Bà vẫn dịu giọng: “Vậy mẹ nghe lời cô hàng xóm tốt bụng này nhe”.
Nghe vậy, cụ mới đồng ý cho con dâu dìu lên giường. Buổi chiều, bà tiếp tục làm tốt phận dâu con: đút cơm và vệ sinh thân thể cho mẹ chồng. Công việc xong xuôi trời cũng sụp tối, bà buông mùng cho mẹ và bà ngủ sớm. Bà tâm sự phải ngủ sớm mới có sức mà “chiến đấu” với mẹ, bởi từ 11g đêm đến 3g sáng, giấc ngủ cụ hay chập chờn, lại rơi vào cơn lẫn nên cứ ngồi dậy đòi đi ra khỏi nhà. Do đó phải canh chừng cẩn thận, bởi chân cụ yếu dữ lắm, chỉ đi vài bước sơ sẩy là dễ bị té gãy...
“Cha mẹ chồng cũng như cha mẹ mình”
Năm 20 tuổi, qua mai mối bà Đẹp lập gia đình với ông Nguyễn Văn Út. Những đứa trẻ chào đời khiến căn nhà càng thêm rộn rã. Tuy nhiên tai họa bất ngờ ập xuống khi cha chồng vướng bệnh ung thư. Bệnh tật cộng với tuổi già khiến đôi chân của cụ yếu ớt rồi liệt hẳn.
Ông trời muốn thử thách thêm lòng người khi đến lượt người chồng vướng phải bệnh tim, không còn khả năng lao động. Vậy là bà gánh vác mọi việc bên chồng từ việc đút cơm, giặt giũ, chăm sóc cha chồng đến lo chuyện vườn tược. Cực nhất là việc tưới nước vườn cam bởi bấy giờ điện đóm chưa có nên bà phải lội bộ xách từng thùng, múc từng gáo nước đến từng gốc cam mà tưới. Vườn cam đòi hỏi phải tưới 2-3 đợt/ngày mới tươi tốt, nhưng do không có thời gian nên ngày bà chỉ tưới có một đợt. Thiếu nước nên vườn cam cứ èo ọt, mất mùa. Thấy vậy, bà bàn với gia đình chồng chuyển sang trồng dừa. Tuy nhiên, thu nhập từ vườn dừa không bao nhiêu mà gia đình đến tám miệng ăn nên phải bẻ lá dừa, để mỗi đêm ngồi dưới ánh đèn dầu leo lét từ khi trời sập tối đến gà gáy canh ba, bà mới ngả lưng lên giường ngủ.
Việc kiếm tiền khó khăn, nhưng bà sẵn sàng mua những món ăn cha chồng thích. Khi nói chuyện với cha chồng bà nhỏ nhẹ ân cần, bởi theo bà: “Người già dễ tủi thân. Nếu mình cằn nhằn, cau có sẽ dễ khiến cha mẹ buồn, còn bản thân mình lỗi đạo làm dâu...”. Suốt mười năm dài bà tận tụy phận dâu con cho đến ngày cụ mất. Lúc này ngày bà đi cấy lúa thuê, dọn cỏ; tối về chằm lá. Những tưởng thử thách dừng lại, tai họa tiếp tục ập lên cuộc sống khi mẹ chồng té ngã, rồi bị liệt. Việc chăm sóc mẹ chồng một tay bà đảm đương. 28 năm về làm dâu bà đã lo chu toàn cho cha mẹ chồng và nuôi đàn con ăn học khôn lớn. Các con của bà đứa lập gia đình, đứa đi làm. Dầu ít ỏi, nhưng thu nhập từ vườn dừa cũng giúp vợ chồng bà và mẹ chồng sống tạm đủ. Giờ bà dồn hết thời gian, công sức chăm sóc mẹ chồng.
Chồng bà cảm kích: “Số tôi may mắn mới cưới được vợ hiền”. Còn bà thì suy nghĩ đơn giản: “Cha mẹ chồng cũng như cha mẹ mình, việc mình làm cũng vì hạnh phúc của mái ấm gia đình mình mà”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận