Phóng to |
Ngư dân người Chăm đánh bắt cá trên búng Bình Thiên - Ảnh: Minh Quốc |
Nước lũ mang phù sa đỏ đục đã về thượng nguồn sông Hậu từ tháng 6. Nước dâng từ từ, ngập tràn những cánh đồng thấp không có đê bao.
Buổi sáng ở bến chợ biên giới Khánh An tấp nập xuồng ghe lớn nhỏ chở cá mắm, hàng nông sản, người đi chợ... không khí nhộn nhịp, ồn ã đầy sức sống. Bên kia sông là đất bạn với những mái nhà sàn thấp thoáng dưới bóng me, sầu đâu, bạch đàn rợp mát. Phía sau nữa là cánh đồng bát ngát xa tít tận chân trời.
Chợ Khánh An tràn ngập cá linh non từ Biển Hồ và sông Tonle Sap theo nước xuôi về hạ nguồn cùng những rùa, rắn, cá lóc bông, ốc bươu, lươn, ếch..., được người Kinh, Khmer, Chăm các nơi đem đến bán cho các vựa cá mắm và người tiêu dùng. Chỉ riêng vựa khô cá bổi (sặc rằn) của cô Năm Thu hằng ngày xuất đi TP.HCM chừng 3 tấn cá khô. Xe tải ở xã Khánh Bình gần đấy mỗi ngày chở về Cần Thơ, Sài Gòn không dưới 10 tấn ốc!
Phóng to |
Thánh đường Hồi giáo ở An Phú - Ảnh: Đ.H.T. |
Sau một đêm vui thú ẩm thực và ngủ lại Khánh An, buổi sáng khi sương còn bảng lảng trên những cánh đồng bắp bạt ngàn của cù lao An Phú, chúng tôi lên đường đến với một thắng cảnh độc đáo ở miền biên viễn xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long: búng Bình Thiên, một địa danh gợi sự tò mò cho nhiều khách phương xa.
Búng (hồ) Bình Thiên nằm giữa ba xã biên giới Khánh Bình, Khánh An và Nhơn Hội thuộc huyện An Phú. Truyền thuyết kể rằng cuối thế kỷ 18, vào mùa khô hạn gay gắt, khi hành quân qua đây tướng Võ Văn Vương của nhà Tây Sơn đã dâng lễ vật, cúng trời đất để tìm nguồn nước cho binh sĩ đang khô khát. Rồi ông rút gươm đâm xuống đất, một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt, được người dân đặt tên là búng Bình Thiên hay còn gọi là hồ Nước Trời.
Phóng to |
Nhà sàn ẩm thực giữa đồng - Ảnh: Đ.H.T. |
Hồ Nước Trời có độ sâu trung bình 4m, diện tích mặt nước vào mùa khô khoảng hơn 200ha, mùa nước nổi lên đến 900ha, đặc biệt không bao giờ cạn. Trước đây búng Bình Thiên là một “túi cá” tự nhiên phong phú, dồi dào, đa dạng về chủng loại. Ngày nay do lạm sát, đánh bắt bừa bãi, nguồn cá dần cạn kiệt nhưng dân địa phương vẫn còn mưu sinh trên hồ nước mênh mông vào mùa lũ này.
Những chiếc thuyền của ngư dân nhỏ nhoi giữa biển nước xanh rờn, dưới làn sương mai buổi sớm hay trong bóng hoàng hôn đem đến cho du khách nhiều cảm xúc.
Dọc bờ búng Bình Thiên có những xóm người Chăm với vài thánh đường Hồi giáo rải rác. Cộng đồng người Chăm ở đây sống bằng nông nghiệp, nghề dệt thủ công, đánh bắt thủy sản, một số đi buôn bán khắp các nơi.
Thường cuối tháng 8 nhằm vào tháng ăn chay Ramadan, ở búng Bình Thiên diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, những năm gần đây là lễ hội mùa nước nổi được tổ chức khá hoành tráng.
Phóng to |
Mênh mông búng Bình Thiên - Ảnh: Đ.H.T. |
Làng Chăm ở búng Bình Thiên có nhiều quán “cóc sàn” được làm theo kiểu nhà sàn trên đầm nước, khách ngồi xếp bằng quây quần bên nhau, thưởng thức các món đặc sản ở vùng đầu nguồn mùa lũ như rắn trun nướng mọi, canh chua cá linh bông so đũa, ốc sen nướng sả, lá ổi...
Dân dã hơn là những món ăn bán buổi sáng ở xóm Chăm: bún nước lèo cá lóc chỉ 5.000 đồng/tô, bánh xèo nhân bông điên điển 3.000 đồng/cái, bánh khọt 10 cái chỉ 4.000 đồng, đặc biệt là bún đầu cá 5.000 đồng ăn với rau nhút đồng cắt khúc trụng chín, nêm bằng rau răm, hít hà quên thôi!
Đến với đầu nguồn sông Hậu mùa lũ là hành trình không thể bỏ qua nếu như bạn đã du hành về với đồng bằng sông Cửu Long.
Sông Mekong sau khi qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, đến Phnom Penh chia thành hai nhánh xuôi về biên giới VN. Sông Hậu (Bacsac hay Ba Thắc) là nhánh tả ngạn, chiếm 30% lượng nước của Mekong chảy vào VN ở địa phận xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang rồi xuôi ra biển. Theo thông tin từ tỉnh An Giang, huyện An Phú đã có dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quanh búng Bình Thiên với diện tích 702ha, vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng nhằm phát triển du lịch sinh thái, đồng thời phát triển kinh tế biên giới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận