28/12/2011 08:44 GMT+7

Đau lòng 4 trẻ mồ côi

MINH KIỆT - ĐĂNG NAM
MINH KIỆT - ĐĂNG NAM

TT - Giáp tết, khi những đứa trẻ đang chờ được mẹ mua sắm áo mới, quà đẹp thì bốn đứa con của chị Mai Thị Phúc (ở thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam) không bao giờ còn có niềm mong ngóng ấy vì mẹ qua đời trong một lần chèo đò.

Read this on Tuoitrenews.vn

NM6N1CLk.jpgPhóng to
Mất đi người bạn đời, từ nay một mình anh Hưng phải vừa làm cha vừa làm mẹ cho cả đám con thơ dại. Trong ảnh là cảnh các con anh Hưng ăn cơm sau bữa cơm cúng mẹ mình - Ảnh: Đ.NAM

Anh Nguyễn Tiến Hưng, chồng chị Phúc, vẫn ám ảnh buổi sáng ấy khi nghe phía ngoài sông Thạnh Mỹ (thôn Thạnh Mỹ, xã Điện Quang) người ta la hét bấn loạn, chạy ra phía bờ sông nghe có tiếng ai đó gọi tên Phúc - vợ mình.

Buổi sáng định mệnh

Anh Hưng sựng người, chỉ còn nhìn thấy hai cánh tay chới với giữa dòng rồi chìm hẳn... Trên bờ, đứa con lớn nhất - Nguyễn Tiến Hảo, 11 tuổi, nằm rạp xuống mép bờ sông, hai tay liên tục cào bới đất trong nhòe nhoẹt nước mắt: “Mẹ mà chết là con không đi học nữa. Mẹ đừng làm như vậy với con!”. Hai thằng bé kế tiếp đang ngồi trong lớp học, nghe có người đến báo tin mẹ nó bị chìm ghe, chết rồi thì đầu trần, chân đất mà băng mưa, chạy thục mạng ra bờ sông. Đến khi người ta đưa thi thể mẹ lên, cả bốn đứa đớn đau, chạy ùa lại cố hít hà, sưởi ấm cho mẹ.

Kể lại câu chuyện đau lòng đó, bà con hàng xóm của gia đình anh Hưng đều sụt sùi khóc. Chị Hải, một người hàng xóm, kể: “Tôi nhớ như in đó là buổi sáng ngày 7-12-2011, tôi và sáu người khác đi về phía bờ sông thì đã thấy Phúc đứng đó. Bình thường khi nào Hưng cũng chèo cho Phúc, nhưng sáng hôm đó Hưng chở con đi học. Chỉ có mình Phúc trên chiếc ghe nan và mấy rổ ớt con, một mình chèo qua sông và gặp nạn”.

Cưới nhau từ năm 1999, hai vợ chồng anh Nguyễn Tiến Hưng và chị Mai Thị Phúc chưa bao giờ có một ngày sung túc đúng nghĩa. Nhà có sáu người, cộng thêm một bà mẹ già và một người anh trai bị tâm thần, vợ chồng anh quanh năm cắm đầu cắm mặt với chín khấu đất (450m2) để làm. Được đồng nào thì lo cho bốn đứa con ăn học, lo cho mẹ già hay đau ốm. “Sáng hôm đó, con Phúc dậy sớm lắm! Nó nói con tranh thủ trồng cho xong mấy vồng ớt rồi trưa còn đi làm đất đậu. Nó còn nói cố gắng làm để kiếm tiền mua cho tụi nhỏ ít quần áo tết...” - bà Tạ Thị, mẹ chồng chị Phúc, rưng rưng.

Từ hôm vợ mất, anh Hưng trở nên im lặng, sáng chở ba đứa con lớn đến trường rồi gửi đứa út cho nhà hàng xóm, anh quay về chèo ghe sang sông để trồng cho hết những vồng ớt mà vợ mình đang làm dang dở. Giữa những luống đất còn thơm mùi đất mới, anh ngồi lặng lẽ, rồi bất ngờ hỏi: “Làm phụ nữ nếu được đeo cái dây chuyền, cái bông tai do chồng tặng chắc họ hạnh phúc lắm đúng không?”. Chưa kịp nghe trả lời, đã thấy mắt anh đỏ hoe, và rồi anh khóc. Nước mắt của người đàn ông 40 tuổi, cay đắng, bất lực vì từ ngày cưới vợ đến khi vợ nằm xuống, anh chưa bao giờ có đủ một khoản tiền dư giả để mua tặng vợ một sợi dây chuyền nữ trang.

Không cần tết, chỉ cần mẹ

Đợi bà nội cúng cơm cho mẹ xong, thằng bé con đầu vội vã dọn cơm cho các em ăn. Mâm cơm vỏn vẹn một chén nước tương, một chén muối đậu và hai bát cơm còn cắm đôi đũa (cơm dành cúng cho người mới chết). Bốn đứa xúm xít lại quanh mâm cơm, đứa học lớp 6 lo cho đứa 3 tuổi, đứa học lớp 3 lo cho đứa học lớp 1. Nhìn những tấm áo phong phanh, những ngón tay tím tái vì lạnh, những đôi chân lấm lem vì bùn đất của bốn đứa nhỏ, chị Tạ Thị Thương, hàng xóm của gia đình anh Hưng, nói: “Dù thằng Hưng có thương con đến mấy nó cũng không thể làm tròn vai vừa là cha vừa là mẹ đâu. Từ hôm con Phúc mất đi, mấy đứa nhỏ lúc nào cũng nhem nhuốc, bữa ăn nào cũng chỉ có nước tương và muối đậu mà thôi”.

Ăn xong bữa cơm trưa tạm bợ, bốn đứa nhỏ vẫn ngồi sát bên bàn thờ mẹ. Đứa nào cũng nhìn chăm chăm vào di ảnh mẹ cười cười, nói nói. Chị Thương kể: “Tụi nó đang nói chuyện với mẹ nó đó! Trưa nào cũng vậy, buổi tối thì có thêm ba tụi nó nữa. Hôm rồi tui nghe con bé nhỏ đứng bên bàn thờ mà bi bô: Mẹ ơi! Tết mẹ mua áo đẹp cho con nghe, mua cho con cái dây cột tóc nữa. Thằng bé đầu nghe vậy vừa khóc vừa la em: Để im cho mẹ ngủ, không được đòi mẹ cái gì cả nghe không. La em xong là nó ôm em vào lòng khóc như mưa, con bé không biết gì cứ cười hì hì rồi thiếp vào lòng anh lúc nào không hay”.

Từ ngày mẹ mất, thằng bé đầu dường như chững chạc hơn rất nhiều. Vừa tan học là nó chạy như bay về nhà, thắp hương cho mẹ và cặm cụi đốt rơm phụ bà nội nấu nước tắm cho các em. Xong xuôi, cả năm bà cháu dẫn nhau ra phía bờ sông đợi ba đi làm về. Nhìn những ánh mắt trẻ thơ thẫn thờ nhìn chằm chằm vào con nước đang cuộn chảy về xuôi mà không cầm được lòng...

Khi được hỏi tết này tụi con muốn gì, thằng bé thứ hai mếu máo nói: “Tụi con không cần tết, tụi con chỉ cần có mẹ. Chỉ cần cho mẹ con sống lại là tụi con không cần gì cả. Tụi con nhớ mẹ lắm! Bé Bích, em con mới 3 tuổi, hồi mẹ còn sống đêm nào nó cũng ngủ với mẹ. Từ ngày mẹ mất, nó ngủ với ba và con, đêm nào nó cũng khóc đòi mẹ, nó bắt con và ba phải gãi lưng nó giống như mẹ gãi vậy đó!

Buổi trưa vắng tênh trong căn nhà lộng gió, dưới chân bàn thờ của người đàn bà mới mất có bốn đứa trẻ nằm cuộn chặt vào nhau như cố tìm chút hơi ấm của mẹ. Trong giấc ngủ chập chờn đó, thỉnh thoảng có đứa cười khậc khậc. Chắc tụi nó lại mơ thấy được mẹ mua cho chiếc áo mới, cái kẹo ngon và được mẹ âu yếm ôm vào lòng. Con bé 3 tuổi tỉnh dậy, ngơ ngác, nhìn lên bàn thờ mẹ và khóc toáng lên kêu: Mẹ ơi! Mẹ ơi! Rồi cả bốn đứa ôm nhau khóc nức nở...

MINH KIỆT - ĐĂNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên