04/08/2013 05:11 GMT+7

Dấu lặng đời kiện tướng về hưu

VŨ TOÀN
VŨ TOÀN

TT - Hai cựu VĐV điền kinh một thời chân đất lừng danh nay lầm lụi bám trụ cuộc sống đời thường. Dù hào hứng kể chuyện về những HCV, chiếc cúp... nhưng đôi lúc “chợt buồn bởi mỗi khi nhớ lại những ánh hào quang phía trước đường đua mà mình từng cán đích”.

Ông Quyền kéo rơm để thui chó cho quán của con trai - Ảnh: V.T.
Bà Trần Thị Soa làm thêm việc giữ xe máy bên sân cỏ nhân tạo - Ảnh: V.T.
Bà Trần Thị Soa và tấm hình ngày xưa trên đường đua - Ảnh: V.T.

Đó là hai cựu VĐV Trần Thị Soa, quê xã Mỹ Lộc và Nguyễn Quyền, quê xã Song Lộc. Họ đều 59 tuổi và cùng ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Thanh niên xung phong thành kiện tướng

Quê Hà Tĩnh nhưng hiện nhà của bà Soa ở trong cái ngách cuối con đường cụt không tên nằm phía sau dãy nhà CLB bóng đá Sông Lam Nghệ An thuộc khối 3, phường Cửa Nam, TP Vinh (Nghệ An).

Năm 1980, sau sáu năm mang danh vô địch Giải việt dã báo Tiền Phong, kiện tướng Trần Thị Soa quay về làm tạp vụ trong Sở Thể dục thể thao Nghệ An. Thấy gia cảnh bà khó khăn, đồng lương không đủ nuôi con trai đầu lòng bị tật nguyền, nên cơ quan bàn bạc rồi hóa giá cho bà một gian trong dãy nhà tập thể làm nơi cư trú. Làm việc cơ quan xong, bà tranh thủ buổi trưa vào công trường thi công sân Vinh xin nhặt gạch vụn về đóng gạch táplô rồi vừa xây vừa sửa nên căn nhà “khiêm tốn” này.

Trong các ngăn tủ giữa gian chính của căn nhà để những tấm ảnh đen trắng chụp hồi bà đang chạy băng băng bằng chân đất trên đường đua, ảnh bà đứng cạnh kiện tướng đồng hương Nguyễn Quyền trong một buổi lễ nhận HCV, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Mở hộp đựng huy chương vàng, bà nói: “18 cái huy chương nay còn sáu chiếc. Hồi trước tôi thường đem huy chương ra xem, con còn nhỏ thấy màu vàng lấp lánh nên lấy chơi rồi làm mất dần”.

Cất hộp đựng huy chương, bà lấy chiếc cúp màu xám làm bằng vỏ đạn pháo cao xạ ra lau những vết hoen gỉ. “Ngày xưa khi nhận chiếc cúp này rồi nâng cao trên lễ đài giữa tiếng vỗ tay náo nhiệt của mọi người là sung sướng lắm, vì chiếc cúp óng ánh hào quang như niềm vui chiến thắng sau cuộc đọ sức căng thẳng nhất của mình trên đường đua” - bà Soa nhớ lại. Kỷ vật thứ ba bà cho chúng tôi xem là tấm bằng khen do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng năm 1980 trong đó có hàng chữ ghi công: “Đã lập nhiều thành tích trong xây dựng và phát triển thể dục thể thao cả nước”. Rồi bằng khen của Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT & DL) năm 1991 “Vận động viên đã có 25 năm cống hiến cho sự nghiệp thể dục thể thao VN”.

Khuôn mặt khắc khổ, màu da rám nắng nhưng vẫn lộ vẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh của một nữ kiện tướng thể thao thời son trẻ. Gợi lại chuyện cuộc đời kiện tướng, bà nhớ như in hồi nhỏ mồ côi mẹ nên sau mỗi buổi học là đi lượm củi, nhặt phân trâu. Cô học trò đảm đang việc nhà ấy được đi dự đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh năm 1967.

Năm 1972 vừa tròn 18 tuổi, cô gái Trần Thị Soa tình nguyện đi thanh niên xung phong. Cũng ở năm đầu tiên này, trong hội thao thi chạy việt dã của tổng đội, Soa đoạt giải nhất nên được chọn đi thi đấu giải tỉnh. Không ngờ vai đeo balô, chạy qua 3.000m suối, đèo, cô gái thanh niên xung phong vượt qua 49 đối thủ khác để về nhất toàn đoàn. Năm 1974 sau khi xuất ngũ Soa được Sở Thể dục thể thao Nghệ Tĩnh (nay là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) tuyển dụng. Hồi đó khi bình thường thì Soa là nhân viên tạp vụ, khi có giải thi đấu thì làm vận động viên.

Kể từ năm 1974-1980, năm nào Trần Thị Soa cũng đoạt chức vô địch Giải việt dã báo Tiền Phong. Ngoài giải việt dã, cô còn tham dự các giải đấu khác ở cự ly 800m và 1.500m. Nhớ về những thành tích, bà Soa kể: “Năm 1978 tôi được dự giải thể dục thể thao tại Cuba. Năm 1979 dự giải thanh niên, sinh viên thế giới ở Mexico. Năm 1980 tôi dự Olympic Matxcơva. Đời VĐV lúc đó vui và tự hào vô kể”. Để làm nên kỳ tích, Trần Thị Soa luôn ráng hết sức mình dù “cuộc thi nào khi về tới đích là tôi đều phải thở oxy, mười ngón chân thì rơm rớm máu nhưng niềm vui chiến thắng đã át đi những mệt nhọc”.

Người cảnh vệ vô địch trên đường chạy

Năm 1975, trung sĩ Nguyễn Quyền thuộc đơn vị cảnh vệ bảo vệ lãnh tụ (K10, Bộ Công an) bất ngờ đoạt giải nhất cuộc thi chạy việt dã của ngành công an khu vực miền Bắc. Giải thưởng này chính là bước đệm cho chàng trung sĩ cao 1,7m đoạt giải nhất cuộc thi việt dã báo Tiền Phong tại Nha Trang năm 1976 và trở thành kiện tướng cấp quốc gia.

Nhớ về cuộc thi đầu tiên này, ông Quyền kể: “Đây là lần đầu tiên ngành công an có VĐV đoạt giải nhất. Phần thưởng của tôi lúc đó ngoài chiếc cúp là chiếc đồng hồ Poljot của bộ trưởng Bộ Công an tặng. Quà do bộ trưởng tặng là vinh hạnh lắm”. Từ đây đến năm 1981 người chiến sĩ “khi làm cảnh vệ khi thi chạy” đoạt 24 HCV ở nhiều cự ly.

Ông Quyền cho biết thêm: “Ngoài các giải việt dã báo Tiền Phong, tôi còn chạy marathon 42,195km đường trường và cự ly 5.000m và 10.000m trong sân. Bà Soa hồi ấy còn “cự” khéo tôi: đồng hương chỉ hơn em “món” marathon thôi nhé”. Đặc biệt trong các giải marathon từ năm 1977-1980, ông Quyền chưa một lần chịu về nhì. Đây là quãng thời gian kiện tướng Nguyễn Quyền được báo Tiền Phong bình chọn là một trong 10 VĐV xuất sắc nhất toàn quốc trong ba năm liên tục. Năm 1980, một kỷ niệm cuối đời VĐV được ông Quyền nhớ như in. Ngày ấy, trước khi tham dự Olympic Matxcơva, ông Quyền được ông Tố Hữu căn dặn: “Thi đấu quốc tế không được bỏ cuộc. Căng lắm thì nên thắng một người”. Cuộc thi đó Nguyễn Quyền về đích thứ 50/76.

Sự nghiệp thi đấu của ông dừng lại năm 1991 sau khi đoạt HCV giải chạy 3.000m của báo Hà Nội Mới. Cũng trong năm 1991, đại úy Nguyễn Quyền giải nghệ về hưu do bệnh thận. Khác với bà Soa cất chiếc cúp trong tủ, ông Quyền dùng chiếc cúp làm lọ đựng hoa trên bàn thờ. Cầm chiếc cúp trên tay, ông nhớ lại câu chuyện về chế độ bồi dưỡng cho kiện tướng hồi đó: “Dù mỗi tháng tôi được cấp 3kg thịt, ba hộp sữa và 3kg đường nhưng đâu dám sử dụng vì phải mang phiếu bán để lấy tiền gửi về cho vợ ở quê. Trước khi quyết định về hưu, tôi được Tổng cục Thể dục thể thao cho đi học lớp chuyên tu nhưng vì vợ con đang ở nhờ nhà chú (ông Quyền mồ côi từ năm 4 tuổi) nên tôi phải lo giải quyết gánh nặng gia đình”.

Trong ngôi nhà cấp 4 đơn sơ bên tuyến đường rẽ lên ngã ba Đồng Lộc, ông Quyền đang phụ giúp rửa bát trong quán cháo lòng và thịt cầy của con trai. Ông bảo: “Hai con của bà Soa đều theo nghiệp của mẹ, còn bốn đứa con tôi không theo được nghiệp của bố. Nhiều lúc nghĩ không có con nối nghiệp thể thao cũng buồn nhưng lại nghĩ nghiệp của bố không để lại gì ngoài hai chữ “kiện tướng” một thời, người ta cũng dễ nhanh quên lắm nên lại vui với cái quán cháo trong làng”.

Từ khi về hưu, hai kiện tướng lừng danh một thời đã chìm vào dấu lặng của đời thường. Hình ảnh “quãng đời kiện tướng giống như quả chanh đã vắt kiệt” của bà Trần Thị Soa và tâm sự của ông Nguyễn Quyền “hầu như họ đã lãng quên chúng tôi rồi” sẽ còn đeo đẳng suốt nẻo đời mưu sinh của họ.

[box]Nỗi ân hận của bà Soa

Hôm chúng tôi hẹn đến nhà, bà Soa dặn phải sau 12g hoặc 21g vì sáng đi làm đến 11g về lo cơm nước. Chiều đi làm thông tầm đến 21g mới xong việc nhà. Làm thông tầm là bởi sau khi làm tạp vụ ở câu lạc bộ SLNA, bà Soa đi giữ xe máy ở sân cỏ nhân tạo của CLB.

Bà cảm động nói: “Năm 2009, tôi nghỉ hưu được vài tháng thì ông Nguyễn Hồng Thanh - tổng giám đốc CLB Sông Lam Nghệ An - đến nhà thông báo với tôi tin vui “bà chuẩn bị đi làm kiếm thêm thu nhập”. Tôi biết được ưu ái như vậy là nhờ ông Thanh rất hiểu về cuộc đời cống hiến của một VĐV. Nghe xong tôi ân hận vì mình mới chỉ học hết lớp 7, rồi bất ngờ làm VĐV điền kinh nên khó có thể học tiếp để có thể cống hiến lâu dài trong ngành thể thao”.[/box]

VŨ TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên