
Bức thư được Napoleon ký tên là “Napole”, sẽ đưa ra bán đấu giá vào ngày 27-4 - một ngày sau lễ tang của Giáo hoàng Francis - Ảnh: AFP
Sự kiện này gợi lại mối quan hệ phức tạp giữa nước Pháp và Tòa thánh Vatican trong lịch sử. “Việc Giáo hoàng bị đưa ra khỏi Roma là hành động không theo lệnh và trái với ý muốn của tôi” - hoàng đế Pháp viết trong thư.
Thư của Napoleon có giá từ 14.000 - 17.000 USD
Năm 1809, Giáo hoàng Pius VII bị quân đội Pháp bắt ngay tại tư dinh trong Điện Quirinal ở Roma và bị giam giữ suốt 5 năm dưới quyền Napoleon.
Khi đó, giáo hoàng muốn duy trì ảnh hưởng của Vatican đối với giáo hội Pháp và chống lại tham vọng kiểm soát giới tăng lữ của Napoleon.
Trong bức thư gửi đến Jean-Jacques-Régis Cambacérès - một quý tộc và đồng minh thân cận - Napoleon tỏ ra không hay biết về vụ giam giữ giáo hoàng, như một cách phủ nhận trách nhiệm.

Vụ bắt cóc Giáo hoàng Pius VII được đánh giá là đỉnh điểm trong mối quan hệ căng thẳng giữa Hoàng đế Napoleon với Giáo hội Công giáo - Ảnh: Alamy/ RFI
“Việc Giáo hoàng bị đưa ra khỏi Roma là điều xảy ra trái ý tôi và việc ông ấy bị đưa sang Pháp cũng vậy. Nhưng tôi chỉ biết chuyện này sau khi nó diễn ra 10 hoặc 12 ngày.
Khi tôi biết Giáo hoàng đang ở đâu và khi có thể truyền đạt cũng như thực hiện được ý định của mình, tôi sẽ cân nhắc các biện pháp cần thực hiện” - ông viết.
Theo nhà đấu giá Osenat, bức thư có giá trị ước tính từ 12.000 - 15.000 euro (tương đương 14.000 - 17.000 USD) và sẽ bán tại Fontainebleau, phía nam Paris - nơi Giáo hoàng Pius VII từng bị giam giữ sau khi bị bắt đầu tiên ở Savona, Ý.
Theo ông Jean-Christophe Chataignier - chuyên gia tại Osenat, sự kiện bắt giữ này không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà còn ảnh hưởng lớn đến tôn giáo, góp phần định hình triều đại của Napoleon. Napoleon biết rõ bức thư này sẽ được công khai và gửi đến các nhà chức trách khắp nơi.
Một bước đi sai lầm
Trong khi đó, nhà sử học Ambrogio Caiani nhận định vụ bắt giữ này là một trong những sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của Napoleon, khi làm dấy lên sự phản đối trong và ngoài nước đối với sự cai trị của ông.
Trước Giáo hoàng Pius VII, người tiền nhiệm là Giáo hoàng Piô VI còn có số phận bi thảm hơn: sau khi lên tiếng phản đối chính quyền bài giáo sĩ của Pháp thời hậu Cách mạng 1789, ông bị quân Pháp bắt giữ vào tháng 3-1799 và qua đời trong lúc bị giam cầm vào tháng 8 năm đó.

Hai khẩu súng Napoleon định dùng để tự sát - Ảnh: AFP
Những vật phẩm gắn liền với Napoleon luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới sưu tầm. Vào tháng 7-2024, hai khẩu súng lục mà ông từng định dùng để tự sát đã được bán đấu giá ở Pháp với mức giá 1,7 triệu euro.
Trước đó, vào tháng 11-2023, một chiếc mũ "hai sừng" đặc trưng của ông đã lập kỷ lục khi được bán với giá 1,9 triệu euro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận