25/08/2007 07:44 GMT+7

Đấu giá cổ phần các "Đại công ty nhà nước": Đến hẹn sao chưa thấy lên?

NHƯ HẰNG
NHƯ HẰNG

TT - Vẫn chưa thấy các “đại công ty nhà nước” tổ chức bán đấu giá cổ phần (CP) lần đầu ra công chúng (IPO) như lãnh đạo của các đơn vị này đã hùng hồn tuyên bố trước đây khi thị trường chứng khoán còn nóng...

b9jTluWo.jpgPhóng to
Các nhà đầu tư gửi phiếu tham dự đấu giá Công ty cổ phần Cơ khí xăng dầu tại sàn giao dịch - Ảnh: Thanh Đạm
TT - Vẫn chưa thấy các “đại công ty nhà nước” tổ chức bán đấu giá cổ phần (CP) lần đầu ra công chúng (IPO) như lãnh đạo của các đơn vị này đã hùng hồn tuyên bố trước đây khi thị trường chứng khoán còn nóng...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Cách đây vài tháng, khi trao đổi với báo giới, ông Vũ Viết Ngoạn - tổng giám đốc Ngân hàng (NH) Vietcombank - nói chắc như đinh đóng cột rằng Vietcombank sẽ hoàn tất CP hóa trước 30-8 và lên sàn trong tháng mười. Tháng tám sắp qua, Vietcombank vẫn đang “nợ” nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt là những người mua trái phiếu chuyển đổi của NH này từ năm 2005, một thông báo chính thức về việc NH có tuân thủ kế hoạch hay không và nếu hoãn IPO thì sẽ hoãn đến khi nào.

Chủ động “bể kế hoạch”?

Bà Nguyễn Thu Hà, phó tổng giám đốc Vietcombank, xác nhận theo lịch trình thì Vietcombank đã “trễ hẹn”. “Chúng tôi vẫn đang chờ Chính phủ duyệt đề án CP hóa, mà việc Chính phủ chưa duyệt được hiểu là việc IPO sẽ chậm lại chứ chưa có ai nói lời nào là hoãn cả” - bà Hà giải thích. Trước câu hỏi NĐT sẽ phải chờ đến bao giờ và vì sao họ không được thông báo, bà cho biết tất cả đều phải đợi sau khi đề án được thông qua và “chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo về việc sẽ thông báo chính thức đến NĐT”.

Cùng với việc Vietcombank dời kế hoạch IPO, nhiều NĐT cũng đang cân nhắc lại có nên tham gia mua CP của NH này. “Mỗi ngày ra sàn chúng tôi đều bàn đến vấn đề này. Khách hàng lớn nhất của các NH quốc doanh là các tổng công ty nhà nước. Nhưng hiện nay xu hướng của hầu hết các tổng công ty là thành lập NH riêng hoặc góp vốn vào một NH thương mại CP hiện hữu nào đó. Điều này có nghĩa Vietcombank sẽ mất một số lượng lớn các khách hàng VIP nên sức hấp dẫn của cổ phiếu cũng giảm đi” - một NĐT phân tích.

Theo kế hoạch, sau Vietcombank sẽ đến lượt NH phát triển nhà ĐBSCL (MHB) thực hiện IPO vào tháng chín. Nay Vietcombank dời thì MHB cũng phải đi theo. Bình luận về khả năng chậm trễ của MHB, ông Huỳnh Nam Dũng - chủ tịch hội đồng quản trị MHB - chỉ nói: “Chúng tôi cứ theo tiến độ mà làm thôi!”. Đại diện của NH Công thương VN (Incombank) cũng cho biết trước kia NH này dự kiến chào bán CP vào tháng mười nhưng nay “sẽ tính sau”. “Chúng tôi cứ tiến hành các bước bình thường, hiện đang làm việc với nhà tư vấn. Thị trường biến đổi theo hình sin, đến một thời điểm nào đó sẽ phải làm IPO nhưng bây giờ chưa nói trước được” - ông nhận định.

Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã “chào thua” kế hoạch. Trước kia, “đại gia” này định thực hiện IPO trong tháng bảy, nay lại dự kiến sớm nhất là tháng mười một. “Chúng tôi không hoãn gì cả nhưng mọi việc đang phải chậm lại vì phải xác định lại giá trị doanh nghiệp theo qui định mới về CP hóa. Chúng tôi phải xác định lại giá trị quyền sử dụng đất, phải hỏi ý kiến Bộ Tài chính, rồi trình đề án lên UBND TP.HCM xem xét trước khi chuyển ra Bộ Công thương” - một đại diện của Sabeco nói.

Ông này cũng cho biết vốn điều lệ của Sabeco ước tính là 6.300 tỉ đồng, Nhà nước cho phép Sabeco bán ra 20% trong đợt một và 29% trong đợt hai. “Chúng tôi đang cân nhắc chỉ bán ra 10% trong đợt một thôi vì chỉ cần tính theo giá khởi điểm là 20.000 đồng/CP là đã hút của thị trường gần 13.000 tỉ đồng rồi”.

Hoãn là sáng suốt

w99vm2AU.jpgPhóng to
Kiểm tra phiếu tham dự đấu giá Công ty cổ phần nhiệt điện Phả Lại tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM (tháng 4-2007) - Ảnh: Thanh Đạm
Theo giới đầu tư, quyết định hoãn các đợt IPO bằng cách “làm chậm lại” của các NH quốc doanh và các tổng công ty là “sáng suốt” trong thời buổi cổ phiếu ế ẩm như hiện nay. Sáng 24-8, buổi đấu giá CP của Tổng công ty CP tái bảo hiểm quốc gia VN (Vinare) diễn ra trong buồn tẻ tại sàn Hà Nội chỉ thu hút mười NĐT tham gia. Số CP bán được của đơn vị này là 746.300 CP, chưa tới 6% so với số CP được chào bán (12.580.000 CP).

Công ty CP đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) cũng rơi vào tình cảnh éo le này khi chào bán 6 triệu cổ phiếu nhưng chỉ “ra hàng” được gần 500.000. Kết quả bán đấu giá CP của Công ty CP Lương thực và công nghiệp thực phẩm cũng không khá hơn. Trong tổng số 100.000 CP đưa ra đấu giá, NĐT chỉ đăng ký mua 14.200 CP (chiếm 14,2%). Với Nhà máy nước Bảo Lộc, NĐT chỉ trả bình quân 10.146 đồng/CP để mua 123.500 CP, chiếm chừng 16% trong tổng số 769.800 CP đưa ra đấu giá.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, những con số này chưa chứng minh được rằng NĐT đã hết hào hứng với thị trường. Bằng chứng là số lượng CP mà NĐT đăng ký mua gấp 3-4 lần số lượng chào bán của hai hệ thống sản xuất khăn và vải của Tổng công ty Phong Phú. “Chúng tôi thấy số lượng NĐT đăng ký đối với Tổng công ty Phong Phú rất khả quan, không giống các công ty đấu giá trước đó” - một cán bộ phụ trách đấu giá của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM nhận xét. Theo các chuyên gia, như vậy có thể NĐT đang chọn lựa các chứng khoán chất lượng chứ không phải quay lưng với toàn bộ.

Với tình hình thị trường hiện nay, làm IPO rõ ràng là bất lợi. Tuy nhiên, nếu giãn ra và đợi đến khi thị trường phục hồi thì không biết đến bao giờ mới thực hiện IPO xong. Theo tôi, chúng ta vẫn nên thực hiện theo tiến độ nhưng thay vì “thảy” tất cả vào thị trường trong nước nên đem một phần sang chào bán tại các thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao như Singapore, Hong Kong, New York, London... Đây sẽ là một giải pháp khá trung hòa, vừa không gây “sốc” cho nguồn cung trong nước vừa đạt được mức giá đúng kỳ vọng cho Nhà nước và cho nhân dân.

Động thái hiện nay của các NĐT trên thị trường là họ không cào bằng, không “đối xử” với các cổ phiếu ngang nhau mà đã biết nhìn vào thực lực của doanh nghiệp hơn. Theo tôi, nếu mang CP Vietcombank ra đấu giá bây giờ không hẳn là chỉ đạt mức giá thấp vì Vietcombank có nhiều lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ thông tin công bố về Vietcombank sẽ minh bạch đến đâu để NĐT ra quyết định. Cái mà nhà NĐT cần biết nhất là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp của Vietcombank cụ thể như thế nào chứ không phải như Bảo Việt “quăng” ra nguyên cục vốn điều lệ 6.800 tỉ đồng nhưng không ai biết con số này ở đâu ra.

NHƯ HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên