TS Khương Kim Tạo - Ảnh: LÊ HOA
Chính phủ vừa thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn biển số ôtô thông qua đấu giá.
Người dân sẵn sàng chi tiền mua 'biển đẹp'
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, anh Ngô Văn Trọng (người chuyên "chơi biển số đẹp" ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết những biển số đẹp luôn được săn lùng là ngũ quý, tứ quý như 66666 - 6666 và những biển này theo quy luật bấm số ngẫu nhiên phải 100.000 xe mới có một biển số.
Khi chủ xe bấm biển số xong, “dân chơi" biển số có thể "săn", thỏa thuận mua lại với giá lên tới hàng trăm triệu đồng. Những biển có số tiến như 12345, 45678, 56789 cũng được "dân chơi" săn lùng vì được cho là sẽ mang lại cho chủ xe sự thăng tiến, không vấp ngã...
Về quy định sẽ đấu giá biển số, anh Trọng bày tỏ đồng tình vì người dân sẵn sàng bỏ tiền ra để có được biển số xe theo ý của mình.
Còn anh Lê Ngọc Luân (Cầu Giấy, Hà Nội) đề nghị cần sớm triển khai nội dung này bởi chính anh cũng sẵn sàng bỏ thêm tiền để có được biển số như ý muốn.
Anh nói thực tế hiện nay có những biển số đẹp còn đắt hơn cả chiếc xe ôtô đang đi, do đó, nên có cơ chế đấu giá để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.
Cần quy định thời gian được giữ biển số xe
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, nói việc đấu giá biển số xe đẹp hoặc cấp biển số xe theo nguyện vọng ở nhiều nước trên thế giới đã làm nhưng Việt Nam chưa triển khai, do liên quan các vấn đề về pháp lý.
Ông dẫn chứng ở Đức khi lựa chọn biển số, cơ quan chức năng sẽ thu một khoản phí cao hơn cấp biển bình thường. Nếu có nhiều người cùng đăng ký một biển số mới đưa ra đấu giá và biển số đã được cấp sẽ theo cá nhân suốt đời, không được trao đổi, mua bán...
Cạnh đó, ngoài những người có xe ôtô tham gia đấu giá biển số đẹp thì không ít người đấu giá xong về để trưng bày. Những người này sẽ phải trả khoản phí duy trì hằng tháng, với mục đích nhắc họ sớm mua xe gắn vào sử dụng, không để quỹ biển số đẹp "nằm chết".
"Với Việt Nam nên tính sau khi trúng đấu giá, được cấp biển số, nếu người sở hữu chưa có xe, chưa sử dụng biển số phải trả phí duy trì hằng tháng, có thể là 500.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, nên quy định thời gian được giữ biển số xe là bao lâu khi chưa có xe, không nộp tiền duy trì. Điều này để tránh tình trạng mua đi bán lại hoặc trục lợi, biến tướng thành dịch vụ kinh doanh biển số xe", ông Tạo nêu.
Ông cũng cho rằng “không nên coi biển số xe là tài sản để mua đi bán lại” bởi có thể tạo ra bất cập, khó quản lý.
"Nhiều người nghĩ phải mua đi bán lại mới tạo thành thị trường biển số, nhưng thị trường này nếu có thì Nhà nước đâu có được gì, mà có thể chỉ làm rối loạn thêm. Người ta có biển số đẹp bán lãi gấp đôi nhưng thực tế Nhà nước thu có được bao nhiêu đâu", ông Tạo nói thêm.
Ông đề nghị để mang lại nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, nên nghiên cứu việc cùng một biển số xe có thể có các đầu chữ cái khác nhau như biển tứ quý 6666 có thể có nhiều biển số ứng với A,B,C...
Về việc Bộ Công an đề xuất khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu và chỉ được chuyển nhượng biển trúng đấu giá kèm xe, theo ông Tạo là phù hợp, tránh tình trạng đầu cơ biển số xe.
Trong khi đó thạc sĩ Bùi Phan Anh - giảng viên bộ môn đấu giá, Học viện Tư pháp - lại cho rằng sau khi đấu giá tài sản đã thuộc về sở hữu tư nhân, vì thế nên cho người trúng đấu giá được giao dịch, chuyển nhượng.
Ông nói nếu tạo điều kiện mở cho người trúng đấu giá biển số xe có quyền định đoạt biển số - mua, bán, cho… giống như đấu giá sim số đẹp sẽ kích thích tính thị trường, tăng giá trị biển số. Từ việc đấu giá biển số xe và thuế chuyển nhượng biển số sẽ đem về nguồn thu cho ngân sách lớn hơn.
Ông Anh cũng đề nghị nên đưa thêm biển số xe vào quản lý dịch vụ công thông qua căn cước công dân gắn chip, hoặc gắn thêm chip vào biển số. Khi đó, việc quản lý sẽ dễ dàng hơn.
Còn đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay việc đấu giá biển số đang được dư luận, người dân quan tâm nên để đảm bảo cơ sở pháp lý, Bộ Công an đang phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp trình Quốc hội để lấy ý kiến về việc này.
Theo dự thảo mới, giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá tại Hà Nội và TP.HCM là 40 triệu đồng, các địa phương còn lại là 20 triệu đồng.
Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận