23/02/2022 16:21 GMT+7

Đầu cơ, bán nhỏ giọt xăng dầu có thể bị phạt đến 20 triệu đồng

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Trước các dấu hiệu khan hiếm và tăng giá xăng dầu, một số cửa hàng treo biển hết xăng hoặc bán nhỏ giọt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, hành vi đầu cơ, bán nhỏ giọt xăng dầu là vi phạm pháp luật, có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

Đầu cơ, bán nhỏ giọt xăng dầu có thể bị phạt đến 20 triệu đồng - Ảnh 1.

Người dân đổ xăng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 35 nghị định 99/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí quy định: đối với hành vi không ghi hoặc không ghi rõ thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định thì bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. 

Hành vi không đăng ký thời gian bán hàng của cửa hàng bán lẻ xăng dầu với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Các trường hợp vi phạm như: Giảm thời gian bán hàng so với thời gian niêm yết hoặc so với thời gian bán hàng trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Không bán hàng, ngừng bán hàng khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; Giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định, bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Theo luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM), hành vi găm hàng, hạn chế bán xăng dầu cho người tiêu dùng để đợi giá cao trục lợi là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ hành vi mà cơ sở xăng dầu vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.

Cụ thể, về xử lý hành chính, theo điều 35 nghị định 99/2020, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt đến 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, nếu hành vi vi phạm đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội đầu cơ theo điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế để mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, bị phạt tiền từ 30 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Nếu hàng hóa trị giá 3 tỉ đồng trở lên; thu lợi bất chính 1 tỉ đồng trở lên hoặc tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tiền từ 1,5 tỉ đến 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì sẽ bị phạt tiền từ 300 triệu đến 9 tỉ đồng, bị cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 đến 3 năm.

Thủ tướng gửi công điện khẩn đến một loạt bộ ngành về chuyện xăng dầu Thủ tướng gửi công điện khẩn đến một loạt bộ ngành về chuyện xăng dầu

TTO - Thủ tướng nhấn mạnh xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến tâm lý người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên